Nông nghiệp công nghệ cao: Chỉ vốn thôi chưa đủ
Để chương trình hiệu quả cần có chính sách hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà vay vốn?
Sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp đã tăng trở lại ghi nhận sự đóng góp đáng kể của cả khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với mức tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2016. Theo các chuyên gia kinh tế, đạt được mức tăng trên là nhờ những kết quả bước đầu trong triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và việc triển khai các chương trình tín dụng ưu tiên cho lĩnh vực tam nông.
Số liệu từ ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn đến tháng 8/2017 đạt 1.222.267 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng khoảng 20,2% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Đặc biệt gần đây các doanh nghiệp (DN), trang trại sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp bắt đầu quan tâm tới chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp sạch khi được ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường từ 0,5-1,5%.
Một khó khăn nữa là các tiêu chí xác định dự án NNCNC, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn chung chung, chưa phù hợp, gây khó khăn cho NH khi xác định đối tượng thụ hưởng chính sách. Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra tiêu chí xác định chương trình, dự án NNCNC, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp nhưng lại không có quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí đó.
Điều này khiến NHTM thiếu căn cứ để xác định cho vay theo chương trình. Bên cạnh đó đầu tư cho NNCNC cần vốn lớn mà rủi ro trong sản xuất nông nghiệp thường cao trong khi chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi đã ảnh hưởng đến việc mở rộng cho vay chương trình này của các ngân hàng.
“Đòn bẩy” bằng các cơ chế, chính sách
Vốn đầu tư cho dự án NNCNC, nông nghiệp sạch rất lớn và giá thành trên một đơn vị sản phẩm khá cao. Tuy nhiên, hầu hết đơn vị sản xuất các sản phẩm này chưa xây dựng được thị trường tiêu thụ ổn định.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu thêm bất cập là tổ chức sản xuất trong nông nghiệp chưa đồng bộ, giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao, khoa học công nghệ chưa phát huy được vai trò là động lực, là đòn bẩy trong sản xuất. Sự gắn kết giữa KHCN và hoạt động sản xuất kinh doanh còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, công tác triển khai xây dựng khu NNCNC thường bị kéo dài do những chậm trễ liên quan đến công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng.
Là một trong những địa phương có lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu cho phát triển các mô hình NNCNC, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, cơ quan này đang đề xuất mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất một mô hình ứng dụng đồng bộ NNCNC từ 0,5 – 1ha trên cơ sở xác định cây trồng, vật nuôi có lợi thế ở địa phương. Cùng với đó là thu hút các DN khởi nghiệp, DN có kinh nghiệm sản xuất NNCNC, DN có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vùng quy hoạch NNCNC.
Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: để phát triển những vùng sản xuất như vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực như nhân viên vận hành, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, cán bộ quản lý tại địa phương. Hàng năm có chính sách hỗ trợ mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Về phía mình, để chương trình đạt hiệu quả trong thời gian tới, các NHTM đề nghị: Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để người dân, DN có thể làm các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng, tạo điều kiện cho các DN khi vay vốn sản xuất NNCNC.
Hiện nay, các DN, đặc biệt là các hộ dân sản xuất kinh doanh NNCNC thiếu thông tin đầy đủ và cập nhật về thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. NHNN kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối với với Bộ Công Thương đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường để làm cơ sở định hướng phát triển NNCNC. Đồng thời, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các DN tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để việc triển khai chương trình tín dụng NNCNC đạt hiệu quả.
Lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ như: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền.
Nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp của các dự án NNCNC, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN thực hiện thủ tục đăng ký giao bảo đảm vay vốn NH.
Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đề xuất: Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về công nghệ cao theo hướng phù hợp với thực tiễn, có tính đến đặc thù của ngành nông nghiệp.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường, tích cực đàm phán tháo gỡ các rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam…