Ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho nông nghiệp
Ưu tiên bổ sung vốn cho nông nghiệp từ nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn là đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN - PTNT) Nguyễn Xuân Cường trong một văn bản gửi tới QH, báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết 26/2012/QH13 của Quốc hội về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tăng vốn cho vùng trọng điểm
Nghị quyết 26 được Quốc hội Khóa XIII ban hành vào tháng 6.2012, sau khi UBTVQH tiến hành chuyên đề giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thực hiện Nghị quyết 26, trong 5 năm qua, Chính phủ đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, các cơ chế chính sách đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bộ NN - PTNT phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát các quy hoạch ngành, sản phẩm chủ yếu để điều chỉnh, bổ sung hoặc lập mới phù hợp hơn với lợi thế, tiềm năng của các địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ khi Nghị quyết 26 ban hành đến nay, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT đã phê duyệt và đang chỉ đạo thực hiện 42 quy hoạch phục vụ cơ cấu lại và ứng phó với biến đổi khí hậu để làm cơ sở cho đầu tư công và thu hút đầu tư xã hội. Cùng với đó, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo nhiều chuyển biến trong thực tiễn.
Báo cáo cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, QH, Chính phủ đã phê duyệt 2 Chương trình mục tiêu quốc gia và cả hai đều ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn. Đó là Chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu hơn 193 nghìn tỷ đồng và Chương trình giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí hơn 48 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra còn có 4 chương trình mục tiêu gồm: (1) Phát triển kinh tế thủy sản bền vững (hơn 49 nghìn tỷ đồng); (2) Phát triển lâm nghiệp bền vững (hơn 59 nghìn tỷ đồng); (3) Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư (hơn 306 nghìn tỷ đồng); (4) Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (hơn 26 nghìn tỷ đồng). Riêng Bộ NN - PTNT giai đoạn 2016 - 2020 được giao quản lý, theo dõi đầu tư hơn 75 nghìn tỷ đồng, bằng 1,55 lần giai đoạn 2011 - 2015. Vốn được ưu tiên cho các vùng trọng điểm có lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa, các lĩnh vực trực tiếp sản xuất sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, phát triển kinh tế biển đảo...
Đã chọn tạo được 15 giống lúa chịu bệnh, chịu hạn
Các mục tiêu ưu tiên QH nêu trong Nghị quyết 26 cũng đạt kết quả tích cực, đặc biệt là đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp. Cụ thể, trong lĩnh vực giống nông nghiệp, đã ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử và chọn tạo được 15 giống lúa mang gene thơm, chống chịu sâu bệnh và chịu hạn; 1 giống ngô lai đơn chịu hạn...
Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vi sinh, đã tạo được nhiều loại chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh, chế phẩm bảo quản chế biến sản phẩm nông sản, xử lý môi trường. Một số chế phẩm đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, sử dụng có hiệu quả vào sản xuất.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử đã xác định được các nguồn di truyền mang gene hữu hiệu phục vụ lai, tạo giống bò, lợn, gà; đã ứng dụng công nghệ sinh sản để nghiên cứu nâng cao hiệu quả sinh sản và sản lượng sữa trên bò.
Trong lĩnh vực thủy sản, đã đưa vào phát tán và nuôi thương phẩm 1 dòng cá tra chọn giống tăng trưởng nhanh. Một dòng cá rô phi đỏ tăng trưởng nhanh, màu sắc đẹp đã được nuôi phát tán và nuôi đánh giá thử nghiệm tại các vùng nước lợ và ngọt đồng bằng sông Cửu Long. Một dòng tôm thẻ chọn giống tăng trưởng nhanh thế hệ G1 đã được công nhận và phát tán ra sản xuất...
Vốn được phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được QH thông qua vào tháng 11.2016. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nguồn lực đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn phân bổ cho giai đoạn này chưa đáp ứng nhu cầu.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều vùng nông thôn vẫn còn yếu kém, nhất là các vùng miền núi. Tác động của biến đổi khí hậu và tác động của phát triển thượng nguồn lưu vực sông làm gia tăng thiên tai trong khi đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp lại là nông nghiệp, nông thôn nhưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu còn chậm. Nhiều công trình dự án lớn chưa bố trí được nguồn lực thực hiện. Hệ thống đê biển còn thiếu, nhiều nơi bị sụt lún, sạt lở chậm được nâng cấp…
Sự huy động sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư vào nông nghiệp nông thôn vẫn đang gặp khó khăn. Các chính sách còn chưa đủ mạnh, trong đó chính sách về đất đai đang là nút thắt lớn trong huy động và kêu gọi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và ứng phó với biến đổi khí hậu đang được thực hiện quyết liệt nhưng cơ chế và nguồn lực đầu tư cho các nhiệm vụ này đều rất hạn chế, chưa đáp ứng được những nhu cầu bức thiết.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đòi hỏi phải tiếp tục, khẩn trương huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, ưu tiên bổ sung vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn (khi có chủ trương) để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, phòng chống khắc phục thiên tai và cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020
Để tiếp tục thực hiện nhanh, hiệu quả hơn quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN - PTNT xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện với mục tiêu đến năm 2020:
- Tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt tối thiểu 3%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 3,5%/năm; tỉ trọng lao động nông nghiệp có chứng chỉ đào tạo tăng lên khoảng 22%; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%.
- Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; khoảng 1.800 trang trại được công nhận/năm;
- Thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái: Giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn có xử lý chất thải bằng các biện pháp sinh học, sạch, bảo đảm vệ sinh môi trường đạt trên 80%