Nông nghiệp Thủ đô trên đà tăng trưởng
6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt 21.454 tỷ đồng, tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước.
Vẫn còn nhiều nguy cơ
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội (NN - PTNT) Chu Phú Mỹ cho biết, thành phố đã và đang tập trung mở rộng diện tích trồng rau, tập trung vào các loại rau ngắn ngày, có hiệu quả kinh tế cao và cây ăn quả chủ lực. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, diện tích rau của Hà Nội đã đạt 23.878ha, tăng 2,25%; diện tích cây ăn quả hơn 19.800ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Thành phố cũng đầu tư cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chất lượng cao để duy trì giá trị tăng trưởng. Tuy nhiên ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, thị trường không ổn định. Trong khi đó, nguy cơ tái phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn rất cao. Đáng nói, các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức đang gặp phải, nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi sản xuất, đạt kết quả tích cực. Theo báo cáo của huyện Thanh Oai, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 934 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước.
Tại huyện Đông Anh, huyện đã phân bố ngân sách 3 tỷ đồng để thực hiện Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2020 - 2025”. Trong đó, tập trung hỗ trợ chi phí phân tích chất lượng, in ấn tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác sản phẩm; chi phí vận chuyển, bảo quản sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng. Xây dựng, duy trì và phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Hỗ trợ xây dựng và quản lý nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Đồng thời, đầu tư phát triển, nâng cấp sản phẩm OCOP và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Hiện, huyện Đông Anh đang phối hợp với các đơn vị tư vấn hỗ trợ chủ thể phát triển mới ít nhất 40 sản phẩm OCOP để tham gia đánh giá, phân hạng năm 2022.
Triển khai hiệu quả Chương trình OCOP năm 2022
Từ đầu năm 2022 đến nay, 26 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hoàn thiện và đăng ký tổng số 488 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP vào cuối năm nay. Trong số này có 301 mặt hàng thực phẩm, 129 sản phẩm thủ công mỹ nghệ; còn lại là sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng đồ uống, thảo dược, vải và may mặc…
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, con số đăng ký của các địa phương hiện nay đang vượt 88 sản phẩm so với mục tiêu ban đầu là 400 sản phẩm mà thành phố đề ra. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sức lan tỏa của Chương trình OCOP đã đến được với đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, khi tham gia Chương trình OCOP, nông sản, thực phẩm và các loại đồ uống sẽ được Hội đồng thẩm định của thành phố xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Chỉ khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn cũng như kiểm nghiệm chặt chẽ về chất lượng mới được cấp sao.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng cho biết việc kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tiêu chí rõ ràng thì các sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP sẽ được người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng, điều này cũng đòi hỏi các chủ thể phải duy trì chất lượng sản phẩm và đổi mới bộ nhận diện.
Tuy nhiên, chưa thể vội vui mừng với số lượng đăng ký lớn trong năm 2022 này. Bởi năm 2021, thành phố Hà Nội đã thành lập đoàn liên ngành, tiến hành kiểm tra 41 chủ thể với 334 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên. Kết quả vẫn cho thấy một số vấn đề cần khắc phục.
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội thông tin, từ những ngày đầu triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã chủ trương “không chạy theo số lượng”. Do đó, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP để trình UBND thành phố phê duyệt, công nhận thời gian tới vẫn sẽ được thực hiện gắt gao.
Cùng với phát triển về số lượng sản phẩm OCOP, năm 2022, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố thành lập đoàn kiểm tra đối với các chủ thể có sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên; đồng thời, xây dựng kế hoạch để đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP sau 36 tháng theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, đối với lĩnh vực trồng trọt, các chi cục, trung tâm trực thuộc NN - PTNT đang tích cực phối hợp với các huyện thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất trong canh tác rau an toàn và cây ăn quả. Trong đó chú trọng bố trí rải vụ các lứa rau, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn; nâng cao kỹ thuật thâm canh, sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ và đẩy mạnh liên kết trong tiêu thụ sản phẩm quả chủ lực của Hà Nội như: nhãn chín muộn, bưởi Diễn, chuối tiêu hồng…