Nông nghiệp thông minh: Giải pháp thích ứng với thiên tai ở miền Trung

Theo Nhật Anh/chinhphu.vn

Phát triển nông nghiệp thông minh có thể giúp cho nền nông nghiệp tránh được các tác động xấu từ thiên tai, biến đổi khí hậu, giải quyết được vấn đề thiếu đất canh tác, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng cũng như đảm bảo an ninh lương thực.

Trang trại trồng rau công nghệ cao Afarm tại xã Hoà Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng
Trang trại trồng rau công nghệ cao Afarm tại xã Hoà Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng

Đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu nêu tại hội thảo đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững vùng do Viện  Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tổ chức ngày 21/7.

Nhiều tham luận và ý kiến tại hội thảo cho rằng miền Trung là vùng có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, chịu tác động của nhiều loại thiên tai, hiểm họa. Về đất đai, nông nghiệp miền Trung đang phải đối mặt với việc diện tích đất canh tác bị giảm do sạt lở đất từ tác động của thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Có hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp ở miền Trung sau lũ lụt.

Vùng hạ du các con sông miền Trung đang bị mặn xâm nhập nghiêm trọng. Tình trạng này khiến diện tích gieo trồng nhiều nơi phải bỏ hoang, thậm chí cũng không thể chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày khác do thiếu nước tưới.

Ngoài ra, miền Trung cũng đối mặt với vấn đề già hóa trong độ tuổi lao động, thiếu lao động và di cư lao động của khu vực này đến các khu vực khác trên cả nước và ra nước ngoài.  Tuy nhiên, những thách thức trên đều có thể được giải quyết trong nông nghiệp thông minh.

TS. Thái Quang Thế (Học viện An ninh nhân dân) cho rằng các địa phương miền Trung cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp như: Thay đổi phương pháp tưới tiêu bằng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, lắp đặt máy đo độ ẩm để tưới vì sẽ vừa tiết kiệm nước vừa đảm bảo sự sinh trưởng tốt nhất cho cây trồng; đẩy mạnh công nghệ trồng cây trong nhà kính, áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp.

"Nông nghiệp thông minh có ưu điểm là không yêu cầu diện tích đất quá lớn và ít chịu tác động của thời tiết nên miền Trung có cơ hội phát triển nhiều loại cây nông nghiệp vốn trước đây không thể trồng được. Các cơ sở nông nghiệp cần mạnh dạn mở rộng danh mục cây trồng, nghiên cứu trồng trọt những loại cây trái vụ hoặc những loại giống mới đem lại năng suất và hiệu quả cao", TS. Thái Quang Thế chia sẻ.

Để phát triển nông nghiệp thông minh, các ý kiến khuyến nghị ngành nông nghiệp các địa phương miền Trung cần quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhận thức về biến đổi khí hậu (BĐKH) cho các cơ sở nông nghiệp và người nông. Tăng cường áp dụng các kỹ thuật canh tác mới như thay đổi giống cây trồng, sử dụng kỹ thuật canh tác mới, trồng luân canh, thay đổi lịch thời vụ, thay đổi giống mới chống chịu tốt với BĐKH, trồng nhiều vụ hơn, sử dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, nông lâm thủy sản kết hợp …

Hội thảo còn chia sẻ mô hình ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả cao tại miền Trung như hệ thống nhà kính chuyên dụng nhập khẩu đồng bộ từ Israel đã được sử dụng nhiều ở các trang trại tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Bình...; các mô hình ứng dụng công nghệ như mô hình ứng dụng đèn led thắp sáng, xử lý ra hoa trái vụ trên cây thanh long (Bình Thuận)…

Bên cạnh đó, tại miền Trung còn có các doanh nghiệp, hộ nông dân sử dụng rất nhiều máy móc hiện đại trong sản xuất. Tại một số cơ sở sản xuất nông nghiệp ở Đà Nẵng, Quảng Nam hay các nông trại tại VinEco, các hộ gia đình được khuyến khích tham gia cánh đồng mẫu lớn, các chương trình như "1 phải, 5 giảm" đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa tại cánh đồng lớn... đã đem lại kết quả tích cực, lượng giống sử dụng giảm từ 200 kg/ha, xuống chỉ còn 80-130 kg/ha, tùy cấy hay sạ thưa.

TS. Nguyễn Thị Bích Nguyệt (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng việc phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH là một cách tiếp cận phù hợp và kịp thời để củng cố ngành nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững ở miền Trung.

Trong đó, cần chú trọng bảo vệ và phát huy các nguồn tài nguyên tự nhiên (đất đai, nước, rừng, đa dạng sinh học) để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp riêng biệt. Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp theo các nhóm sản phẩm chủ lực và vùng sinh thái để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường. 

Chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa, quy mô ngày càng lớn; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác, nòng cốt là các hợp tác xã.