Nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế
Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, 9 tháng qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 67,7 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu ước đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%.
Đây được coi là kỳ tích bởi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 căng thẳng và phức tạp, nhiều nhóm ngành tăng trưởng âm trong quý III thì lĩnh vực nông nghiệp vẫn tăng trưởng dương, thể hiện rõ vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế.
Cụ thể, trong 9 tháng, các mặt hàng cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu như cao su tăng 17,1% về khối lượng và tăng 52,7% giá trị; hạt điều tăng 16,6% về khối lượng và tăng 14,8% về giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 12,9% về khối lượng và tăng 27,7% về giá trị. Riêng với hồ tiêu, dù khối lượng xuất khẩu giảm nhưng giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng. Tương tự, với cà phê dù khối lượng giảm 4,2% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng 4,4%.
Ngoài những mặt hàng trên, nhiều nhóm sản phẩm khác cũng có mức tăng trưởng ấn tượng như mây, tre, cói thảm tăng 50,3%; sản phẩm gỗ tăng 30,1%; quế tăng 18,1%; sản phẩm chăn nuôi tăng 17,5; cá tra tăng 6,2%; tôm tăng 4,4%... Đối với xuất khẩu gạo, dù lượng xuất khẩu giảm nhưng các thương nhân vẫn lạc quan trong thời gian tới giá sẽ tăng trở lại khi nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng.
Có được kết quả này, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, nút thắt nhằm thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành như tổ chức lại sản xuất theo chuỗi và cơ cấu lại sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực; tập trung phát triển công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; nâng cao năng lực, hiệu quả phòng chống dịch bệnh xuyên biên giới và hạn chế tác động do thiên tai gây ra.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tập trung phát huy các lợi thế của từng vùng, miền; sản xuất hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Đồng thời, vận hành theo cơ chế thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng mạnh tới xuất khẩu.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 2,5 - 3,0%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt từ 48 - 50 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%; có 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ít nhất 15 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, ngành đã đề ra nhiều giải pháp như triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung xây dựng các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, phát triển ngành. Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại; phát triển thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng và uy tín thương mại nông, lâm, thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, ngành sẽ chú trọng phát triển khoa học công nghệ, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Dự báo thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ còn đối diện với rất nhiều khó khăn như ảnh hưởng của dịch COVID-19; biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai dị thường, hạn hán và xâm nhập mặn dự báo tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống của người dân. Do vậy, ngoài những giải pháp dài hơi, cần thiết phải có những giải pháp trước mắt để ứng phó kịp thời.