Tỉnh Đắk Nông:

Nông sản Đắk Nông rộng đường sang thị trường EU

Theo Lê Dung/ Báo Đắk Nông

Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hiện đang là thị trường lớn, nhiều tiềm năng để Đắk Nông khai thác, tận dụng các cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Trái cây tươi của tỉnh có sản lượng lớn, nhưng thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng. Ảnh: Lê Dung
Trái cây tươi của tỉnh có sản lượng lớn, nhưng thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng. Ảnh: Lê Dung

Còn nhiều dư địa

Sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông hiện rất đa dạng và đang được chia thành 3 nhóm chính, với 23 sản phẩm khác nhau, gồm: nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh; nhóm sản phẩm tiềm năng và nhóm sản phẩm chủ lực của các địa phương.

Trong đó, nhóm chủ lực của tỉnh đang có 4 sản phẩm chính: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều. Hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu của nhóm là xuất khẩu. Thị trường này tương đối ổn định, có giá trị xuất khẩu của năm sau cao hơn năm trước và ít chịu tác động của dịch Covid-19 cũng như giá cả chung của thế giới.

Kim ngạch xuất khẩu hàng năm phát sinh của tỉnh chiếm gần 90% ở thị trường nước thành viên trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt khoảng 807,4 triệu USD, chiếm hơn 87,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Riêng thị trường các nước thành viên trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), kim ngạch xuất khẩu chỉ mới chiếm khoảng 1,2% kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh Đắk Nông. Trong đó, các sản phẩm của nhóm chủ yếu xuất khẩu qua các nước như Pháp, Đức, Italia. Vì vậy thị trường này còn dư địa rất lớn để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Đối với nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương, hiện nay vẫn chủ yếu là rau, củ quả và trái cây các loại. Nhóm này chủ yếu là sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn và thu hoạch tập trung theo mùa vụ. Các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với nhóm này chưa rõ ràng, không bền vững.

Hiện chỉ có một vài sản phẩm đã có xuất khẩu như đậu phộng, đậu nành sấy của Công ty Pagoda (Cư Jút) xuất khẩu sang thị trường Malaysia. Tuy nhiên, số lượng phát sinh hàng năm cũng chưa nhiều, nên kim ngạch xuất khẩu còn hạn chế. Do đó, những sản phẩm này thường xuyên bị tư thương ép giá, đối tác nhập khẩu áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, gây bất lợi và nhiều rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Giải pháp khai thác thị trường EU

Theo Sở Công thương tỉnh Đắk Nông, để tiếp tục tận dụng và khai thác thị trường tại các nước EU, nhiều giải pháp về xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị cho sản phẩm đang được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài việc củng cố, duy trì, mở rộng tại thị trường truyền thống các nước thành viên trong Hiệp định CPTPP, tỉnh Đắk Nông phát triển mở rộng thị trường mới các nước thành viên trong Hiệp định EVFTA.

Tỉnh tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức (trực tiếp, trực tuyến), nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trên cơ sở đó tạo điều kiện để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp khi tham gia các hội chợ, triển lãm, xây dựng website, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử...

Cùng với việc khai thác tốt thị trường các nước, tỉnh tập trung cơ cấu lại thị trường xuất khẩu cho từng loại sản phẩm nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa thị trường. Các sản phẩm của tỉnh sẽ không phụ thuộc vào thị trường truyền thống, nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay cũng như các biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước nhập khẩu.

Tỉnh Đắk Nông đề xuất Bộ Công thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến; đồng thời, hỗ trợ và ưu tiên thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các sàn thương mại quốc tế. Thông qua đó, thúc đẩy tiêu thụ trong nước và tiêu thụ các loại nông sản có lợi thế xuất khẩu tại thị trường các nước.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm sản của Ðắk Nông đạt 502,3 triệu USD, chiếm 77,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu là: cà phê đạt 108,2 triệu USD; điều nhân 159,4 triệu USD; tiêu 98,5 triệu USD; ván MDF, ván dán 13 triệu USD. Thị trường chủ yếu tập trung ở các nước như: Australia, Singapore, Nhật Bản, Malaysia.