Nông sản ngoại nhập ào ạt đổ bộ, nông sản Việt vất vả cạnh tranh
Thời gian qua, nhập khẩu rau quả ngoại gia tăng mạnh, phần nào tạo sức ép cạnh tranh cho rau quả trong nước ngay trên sân nhà. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2016, Việt Nam đã phải nhập khẩu 108,4 triệu USD hàng rau quả, tăng 55,1% so với tháng trước đó.
Nông sản ngoại “phủ sóng”
Dù là đất nước nông nghiệp, nhiều rau quả xuất khẩu (XK) song Việt Nam hàng năm vẫn nhập khẩu lượng lớn mặt hàng này. Trong 8 tháng năm nay, kim ngạch XK rau quả đạt hơn 1 tỷ USD, tuy nhiên, lượng nhập khẩu mặt hàng này cũng lên tới 529 triệu USD, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Về thị trường, Việt Nam nhập khẩu hàng rau quả chủ yếu từ 12 thị trường trên thế giới. Nhiều năm trước Trung Quốc là thị trường Việt Nam nhập nhiều rau quả nhất nhưng hai năm trở lại đây Thái Lan có sự bứt phá. Cụ thể, trong 8 tháng, Thái Lan XK 218,8 triệu USD rau quả sang Việt Nam, tăng 62,4% so với cùng kỳ. Với vị trí sát biên giới, nhưng Trung Quốc chỉ đứng thứ hai sau Thái Lan, kim ngạch XK rau quả sang Việt Nam đạt 125,2 triệu USD, tăng 27,5%.
Chỉ tính riêng hai thị trường Thái Lan, Trung Quốc đã chiếm tới hơn 65% kim ngạch nhập khẩu rau quả của cả nước, tương ứng 344 triệu USD. Như vậy, từ đầu năm đến hết tháng 8/2016, Việt Nam chi gần 7.700 tỷ đồng nhập rau quả Thái Lan, Trung Quốc.
Đặc biệt, song song với việc tăng cường nhập khẩu rau quả từ Việt Nam, Mỹ cũng bắt đầu có xu hướng xuất khẩu trở lại. Kim ngạch nhập khẩu rau quả từ thị trường Mỹ tăng 13,2%, đạt gần 50 triệu USD. Một số thị trường khác có sự tăng trưởng mạnh là Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc. Trái ngược, việc nhập khẩu rau quả cũng giảm mạnh đối với thị trường Chile, Nam Phi, Myanmar...
Theo số liệu thống kê, đơn cử tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội lượng rau quả nhập khẩu đang được tiêu thụ khá tốt. Theo ban quản lý chợ đầu mối Long Biên, hiện mỗi đêm có khoảng 150 tấn rau củ và 1.500 tấn trái cây được các thương lái vận chuyển về bỏ mối sỉ cho các sạp, trong đó trái cây ngoại nhập chiếm 30%. Rau quả ngoại nhập về chợ đầu mối khá nhiều nên việc “phủ sóng” các mặt hàng này đến những chợ lẻ trên các địa bàn lân cận cũng được phổ biến, sức tiêu thụ cao.
Tương tự, ở các siêu thị lớn Co.opmart, Big C, Lotte Mart, Satra Food… trái cây ngoại như: nho, cam, táo, lê, chery… được bày bán khá bắt mắt. Giá trái cây ngoại dao động từ 59.000 - 169.900 đồng/kg, cá biệt có một số mặt hàng như cherry có giá 700.000 đồng/kg. Theo ông Trần Văn Chúc - Giám đốc Ngành hàng Thực phẩm tươi sống Lotte Mart - hiện tại trái cây ngoại nhập tại hệ thống của Lotte Mart chiếm 35% với sản lượng nhập 950 tấn/năm. Trong năm 2015 tỷ lệ nhập khẩu mặt hàng này tăng 8% và năm nay dự kiến sẽ không có nhiều thay đổi đột biến.
Việc rau quả ngoại nhập gia tăng mạnh mang đến cơ hội cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn đa dạng, điều này cũng trở thành thách thức cho các nhà sản xuất rau quả nội địa. Sản phẩm rau quả nội địa lâu nay vẫn có nhược điểm là tính mùa vụ, sản lượng trồi sụt, giá lên xuống thất thường và đặc biệt là chất lượng, mẫu mã không đồng đều. Vì vậy dễ hiểu khi ngành sản xuất rau quả nội địa phải có ngay phương cách cải thiện kịp thời các điểm yếu của mình để có thể cạnh tranh sòng phẳng ngay trên sân nhà với trái cây ngoại.
Nông sản nội gian nan tìm đầu ra
Giữa sức mua hoa quả hàng ngoại tăng cao, sản phẩm nông sản Việt Nam, đặc biệt là nông sản sạch, giá luôn cao hơn so với mặt bằng chung gian nan tìm đầu ra. Bởi lẽ, người tiêu dùng hoang mang, thiếu niềm tin khi cầm trên tay sản phẩm nông sản sạch nhưng không dám chắc mua được sản phẩm tốt hay không.
Trong khuôn khổ Tuần lễ nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản của Bắc Bộ, bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Điện Biên cho hay: với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, Điện Biên có rất nhiều loại đặc sản chất lượng cao như cà phê, chè, gạo…với chất lượng vượt trội, các sản phẩm này được đông đảo người tiêu dùng biết đến, nhưng để tìm lối ra ổn định cho đặc sản vùng cao này cũng không phải dễ. Do khâu xúc tiến thương mại kém, việc đầu tư quản lý thương hiệu chưa tốt khiến đặc sản gạo tám Điện Biên đang bị làm nhái khá nhiều trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại nông nghiệp Hà Nội cho hay: khó khăn lớn nhất là thiếu cơ chế chính sách cho việc tổ chức liên kết chuỗi nhất là chính sách cho công tác giới thiệu sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn, cửa hàng tiện ích để người tiêu dùng được tiếp cận.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ vùng để tạo ra liên kết giữa doanh nghiệp của Hà Nội và các địa phương nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đặc sản vùng miền đủ sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và hội nhập quốc tế.
“Chính sách về đất đai là một rào cản lớn, doanh nghiệp luôn trong tình trạng khó khăn về đất sản xuất, kho bãi, địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản an toàn trong khi giá thuê đất thực hiện sản xuất kinh doanh nông sản rất cao, doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp khó đáp ứng lợi nhuận để đáp ứng các loại chi phí này.
Bên cạnh đó công tác kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp mặc dù đã được quan tâm song cũng còn không ít các hạn chế dẫn tới có sản phẩm kém chất lượng tiêu thụ tại thị trường khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính bị lép vế, người tiêu dùng mất niềm tin”, ông Nguyễn Tiến Hưng- Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam cho hay.
Trong khi đó, giá cả nông sản an toàn thương hiệu Việt khó cạnh tranh với các sản phẩm tự do, ngoại nhập trên thị trường, bản thân doanh nghiệp rất ngại trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tem nhãn xuất xứ sản phẩm do đội chi phí cao nếu như không có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng… Trước sức “đổ bộ” ào ạt của hoa quả ngoại nhập, nông sản Việt Nam đang cạnh tranh vất vả ngay trên sân nhà.