Nông sản Việt vẫn dò dẫm tìm đường ra thế giới

Theo Thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Một trong những nguyên nhân chính khiến nông sản Việt xuất khẩu (XK) bị “lép vế” trên thị trường thế giới chính là thiếu sự chuyên nghiệp trong bán hàng, quảng bá sản phẩm. Nên, dù nông dân của chúng ta thừa khả năng có thể làm ra gạo, trái cây, thủy sản… đạt tiêu chuẩn quốc tế song vẫn không thể tìm được thị trường.

Được đề cập không phải lần đầu tiên song tại Diễn đàn kết nối DN Việt kiều và DN trong nước vừa mới diễn ra, vấn đề này lại một lần nữa được hâm nóng, khi bà Đinh Kim Nguyệt, Việt kiều Canada, cho biết gạo Việt Nam rất khó tìm trên đất Canada - chứng tỏ việc tiêu thụ nông sản của chúng ta có vấn đề.

Bà Nguyệt cho biết gia đình bà vẫn phải mua gạo của Thái Lan về ăn. Đồng thời, trong siêu thị tại Canada có bán trái thanh long của Việt Nam, nhưng nhiều khi để héo, thối vẫn không có người mua; do khâu quảng bá chưa được rộng rãi, khách hàng chưa biết về loại trái cây có giá trị này.

Ngoài ra, ở Canada, 1kg rau thơm như húng quế có giá tới 10 USD, 1 quả xoài cát 30 USD hay 1 nải chuối sứ giá tới 40 USD. Giá cao là vậy nhưng ít thấy hàng của Việt Nam, trong khi các loại rau quả này ở Việt Nam XK với giá rẻ hơn nhiều.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều DN Việt kiều tiếc nuối, lý do không phải vì nông sản Việt Nam khó xuất sang được, mà do chính DN nước ta không biết cách bán hàng, tiếp thị.

Bà Nguyệt cho biết: “Cách bán thanh long tại Canada rất dở. DN dường như đã quen kiểu bán hàng như ở Việt Nam. Trong siêu thị hay chợ đều bán theo kiểu đổ đống. Nhưng người tiêu dùng nước ngoài họ không thích mua hàng kiểu vậy, họ muốn biết thông tin, muốn hàng được chăm chút, bảo quản có bao bì, thương hiệu. Vì vậy thanh long Việt đổ đống được một thời gian bị xấu mã, hư hỏng giá có rẻ cũng không ai thèm mua. Trái cây Việt nhanh chóng bị đánh bật khỏi thị trường bởi hàng Thái Lan”.

Thêm vào đó, theo bà Vũ Thị Mai Liên, DN Việt kiều ở Liên bang Nga, đúng là trái cây Việt Nam tốt, rẻ, ngon nhưng lại không thể cạnh tranh với trái cây các nước khác, vì khâu bảo quản của Việt Nam quá yếu.

Song song với đó, bà Nguyệt cũng cho rằng: “Kiều bào nên mạnh dạn đầu tư. Chúng ta sẽ gỡ từng bước. Bất kỳ khó khăn nào chúng ta cũng có thể cùng nhau tháo gỡ, vì thực tế là người mua cần hàng, còn chúng ta là người có hàng và muốn bán. Tôi hy vọng rằng Việt Nam chúng ta bằng giá nào cũng sẽ lớn mạnh”.

Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), cho rằng để giải quyết nghịch lý này, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng chuyển từ các hợp đồng mua đứt bán đoạn sang đầu tư từ nuôi trồng, sản xuất chế biến đến tiêu thụ và cùng nhau chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro trong một chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, để thu hút các doanh nhân Việt kiều về đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cam kết sẽ cải cách hành chính để giúp các doanh nhân giảm bớt thời gian, thủ tục trong khâu đầu tư.

“Nếu các vị gặp khó khăn hay rắc rối trong khâu thủ tục hành chính khi đầu tư vào Việt Nam, đó là lỗi của chúng tôi. Vì thế, hãy cho chúng tôi biết khó khăn ở đâu, để hai bên cùng giải quyết”, Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, đại diện Hiệp hội DN Việt Nam tại Pháp cũng cho biết sắp tới sẽ thay đổi cách xúc tiến thương mại của DN Việt Nam. Trước đây, Việt Nam mỗi lần sang Pháp đều kéo nguyên đoàn 30 - 40 DN (quá đông) nên không thể kết nối, truyền tải cách thức tiếp cận thị trường. Tới đây, mỗi đoàn chỉ dưới 10 DN, mới có cơ hội để DN tiếp cận và khai thác thị trường hiệu quả hơn.

Như vậy, với quan điểm lấy thị trường là xuất phát điểm thúc đẩy, điều chỉnh phân bổ nguồn lực sản xuất trong ngành, Nhà nước và Bộ NN&PTNT đã và đang cam kết nhiều chính sách khuyến khích nông nghiệp, hy vọng nông sản Việt sẽ khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế.