Nông sản Việt vẫn thưa thớt trên kệ siêu thị EU
Chúng ta thấy nông sản Việt trên kệ hàng ở thị trường EU thật hãnh diện nhưng cũng cần nhìn thẳng là thị phần vẫn còn mỏng manh. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mở đường xuất khẩu sang EU nhưng đã đến lúc không nên đi lại cách cũ, mà các doanh nghiệp cần liên kết với nhau để đi xa hơn.
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan tại tọa đàm "Xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (thị trường EU) diễn ra chiều ngày 26/10.
Thị phần khiêm tốn
Ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU, cho biết thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu với số lượng lớn các loại trái cây như chuối, bơ, nho, dứa. Đặc biệt là các sản phẩm trái cây nhiệt đới như thanh long, chanh leo, dừa, sầu riêng, nhãn, măng cụt... Dung lượng thị trường rau quả EU là 135 tỷ Euro. Tuy nhiên, thị trường EU cũng rất khắt khe với việc quy định chất lượng sản phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm.
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh nhìn nhận rau quả Việt Nam đã có mặt ở siêu thị châu Á nhiều, nhưng nhìn chung số lượng ít, sản phẩm chủ yếu là dưới dạng cấp đông, sơ chế cấp đông. Trái cây tươi vào Hà Lan ít, chủng loại hạn hẹp như chanh leo, nhãn. Bên cạnh đó, nguồn hàng nông sản của Việt Nam cũng chưa ổn định, cũng như đáp ứng tiêu chuẩn của EU...
Đáng chú ý, ông Việt Anh khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam đừng tự biến mình thành vùng cung cấp nguyên liệu nông sản thuần túy thay vì cung cấp sản phẩm.
Ông cho biết có một công ty của Hà Lan nhiều năm nay đã sang Việt Nam để chế biến và xuất khẩu chính sản phẩm tiêu của Việt Nam sang Hà Lan nhưng sản phẩm này lại mang thương hiệu Hà Lan. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam cần phải phát triển sản phẩm gắn với chế biến sâu và xây dựng thương hiệu.
Đại sứ Việt Nam tại Italia, bà Nguyễn Thị Bích Huệ cho biết, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Italia còn thấp, chỉ chiếm 1% thị phần ở đây. Theo đó, bà Huệ cho rằng cần có sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ rau quả lớn châu Âu, không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn giúp doanh nghiệp nhìn thấy được cung cách, quảng bá rau quả.
"Tôi biết các nước ở khu vực Mỹ Latinh, châu Phi họ đã có rất nhiều gian hàng quốc gia hoành tráng ở thị trường châu Âu. Tại sao chúng ta không thể làm được như họ", bà Huệ chia sẻ.
Là đơn vị đang xuất khẩu trái cây vào thị trường EU, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group chia sẻ, việc đưa trái cây vào thị trường EU chắc chắn phải đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe, chi phí xin cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn còn cao. Thông thường thu mua 1 tấn nông sản, doanh nghiệp chỉ lựa được khoảng 30 - 40% sản lượng để xuất khẩu sang EU. Trong khi đó, công nghệ bảo quản trái cây của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, mới bảo quản được trái dừa 70-80 ngày, bưởi 80-90 ngày, trong khi các mặt hàng khác bảo quản dưới 30 ngày, phải xuất khẩu vào EU bằng đường hàng không, đội chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.
'Muốn đi xa phải đi cùng nhau'
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc, Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu kiến nghị cần chiến lược dài hạn cho sản phẩm rau quả xuất khẩu sang EU, trong đó Việt Nam cần xây dựng chiến lược sản phẩm quốc gia cho ít nhất 3 sản phẩm. Từ trước đến nay, việc truyền thông sản phẩm tươi đối với thị trường EU đã được bộ ngành triển khai tốt. Tuy nhiên, sản phẩm tươi còn nhiều khó khăn nhất là công tác bảo quản.
Hay về thị hiếu người tiêu dùng tại EU, mỗi nước cũng rất khác nhau. Do vậy, bà Vy cho rằng để giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, những thông tin này hết sức cần thiết, thông qua bộ ngành để doanh nghiệp cập nhật liên tục thông tin tại thị trường nhập khẩu, các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp để doanh nghiệp có thể tìm kiếm được cơ hội.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: "Thỉnh thoảng chúng ta thấy nông sản Việt hiện diện trên kệ hàng EU thì thấy thật hãnh diện, nhưng thực tế cũng cần nhìn nhận còn mỏng manh, mới chiếm 1% thị phần ở một số thị trường thành viên EU, nằm ở các cửa hàng gốc Á nhiều hơn ở các hệ thống phân phối lớn. Điều đó cho thấy dư địa để phát triển thị trường còn lớn".
Vậy cách thức nào để tăng tốc trong thời gian tới? Bộ trưởng Hoan cho rằng, đã có nhiều doanh nghiệp mở đường xuất khẩu sang EU, nhưng đã đến lúc chúng ta không nên đi lại cách đó, muốn đi nhanh đi một mình nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau. Việc thành lập liên minh, hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu sang EU sẽ giúp nông sản đi xa hơn.
Theo đó, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược tổng thể về xuất khẩu trái cây sang EU, tránh kiểu nông dân tư duy mùa vụ, doanh nhân tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ..
"Cần xây dựng chiến lược dài hơi, trong đó có vai trò của các bộ ngành địa phương. Sau chiến lược là kế hoạch hành động của các cơ quan, doanh nghiệp và tham tán thương mại ở nước ngoài", ông Hoan nói.
Các địa phương cần chú ý quảng bá nông sản không chỉ ngon, sạch, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật mà sản phẩm còn thực hiện được trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn môi trường, tiêu dùng xanh để doanh nghiệp đi quảng bá, gửi đến người tiêu dùng châu Âu về một nền nông nghiệp xanh của Việt Nam, định vị nông sản Việt có trách nhiệm và bền vững.