Nửa thế kỷ một hành trình

PV.

(Tài chính) Bước vào tuổi 50, với một doanh nghiệp như Bảo Việt, dường như mới chỉ là bắt đầu. Bắt đầu cho một đẳng cấp mới với những hành trình cùng ước vọng xa hơn, cao hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiên phong khai phá những “con đường mới”

Khai sinh trong thời chiến, bắt đầu khởi nghiệp trong những ngày hầu như toàn dân chưa biết tới khái niệm bảo hiểm, ngay một nhóm nhỏ những “công thần sáng lập” của Bảo Việt thời đó cũng chỉ vừa làm vừa mày mò, học hỏi. Do vậy, một vài trang viết sẽ không thể đủ diễn tả về cái thời gian khó ấy. Chỉ biết rằng, để hình thành dáng vóc của một tập đoàn tài chính - bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam, mồ hôi, công sức của rất nhiều thế hệ đã dựng xây nên thương hiệu Bảo Việt. Không ai đi khai phá những con đường mới mà không bị bầm dập bởi những gai góc, sỏi đá. Với Bảo Việt, có lẽ thật đúng với câu nói “thế gian vốn làm gì có đường, người đi mãi thì thành đường mà thôi”.

Theo Nghị quyết số 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, đến năm 2015, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Tập đoàn Bảo Việt là 65%.

Không chỉ tiên phong trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm cho cuộc sống và tương lai của người dân, năm 1996, Bảo Việt tiếp tục là doanh nghiệp (DN) khai mở thị trường bảo hiểm nhân thọ. Thị trường này không chỉ mang lại mức tăng trưởng gấp đôi cho Bảo Việt mà còn góp phần đưa dịch vụ này tới hơn 5 triệu khách hàng.

Bảo hiểm và đầu tư luôn là hoạt động song hành của một công ty bảo hiểm. Đối với khách hà nhu cầu bảo hiểm - tài chính cũng trở thành một xu hướng kết hợp trong quá trình cung cấp dịch vụ, Bảo Việt một lần nữa đi khai mở và thành lập công ty chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam (năm 1999), khi trung tâm chứng khoán tập trung còn chưa chính thức vận hành.

Không chỉ có vậy, Bảo Việt còn là một trong những DN đầu tiên tiến hành cổ phần hóa thành công, mời gọi sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài, cũng như được hàng chục ngàn nhà đầu tư trong nước quan tâm đầu tư. Cổ phần hóa là cú hích giúp cho Bảo Việt tăng vốn, chuyển giao công nghệ, đổi mới quản trị, thành lập Tập đoàn tổ chức theo mô hình mẹ - con. Giai đoạn này, Bảo Việt đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ với một diện mạo mới năng động, chuyên nghiệp trong phục vụ khách hàng.

Những đổi thay sau cuộc “se duyên”

Phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) vào ngày 31/5/2007 tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã trở thành một trong những phiên đấu giá ấn tượng nhất trong lịch sử đấu giá cổ phần tại Việt Nam, khi mà việc bán đấu giá công khai 8,74% vốn điều lệ của Bảo Việt đã thu hút 20.368 nhà đầu tư.

Sau khi IPO, Bảo Việt đã chọn HSBC Insurance là nhà đầu tư chiến lược và cuộc “se duyên” này đã thực sự mang lại nhiều thay đổi cho Bảo Việt. Trong vai trò là cổ đông chiến lược trong 5 năm kể từ 2007 - 2012, HSBC đã phối hợp cùng Bảo Việt thực hiện thành công chiến lược giai đoạn I “Một Bảo Việt - Một nền tảng mới”. HSBC đã tư vấn, hỗ trợ cho Bảo Việt trong việc xây dựng nền tảng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, tiếp cận mô hình quản trị DN theo chuẩn mực quốc tế, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro xuyên suốt toàn Tập đoàn, minh bạch hóa thông tin, tiên phong trong lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh đó, quản trị nguồn nhân lực cũng từng bước được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, thống nhất và đổi mới thương hiệu, phát triển sản phẩm và kênh phân phối.

Năm 2012, HSBC đã nỗ lực cùng Bảo Việt tìm kiếm một nhà đầu tư phù hợp để thay thế nhằm đảm bảo định hướng chiến lược kinh doanh 5 năm (2011 - 2015) của Bảo Việt. Với những tiêu chí đặt ra, Bảo Việt và HSBC đã thống nhất lựa chọn Sumitomo Life. Mua lại 18% cổ phần của HSBC với mức giá gấp đôi giá thị trường vào thời điểm ký kết, Sumitomo Life - Công ty Bảo hiểm Nhân thọ hàng đầu Nhật Bản (quốc gia có thị trường bảo hiểm nhân thọ lớn thứ 2 thế giới) đã thể hiện sự kỳ vọng vào tiềm năng phát triển ổn định, hiệu quả của Bảo Việt tại Việt Nam - nơi mà Sumitomo Life đã tích cực triển khai tìm hiểu thị trường từ năm 2007 và xác định là một trong những thị trường quan trọng nhất của DN này trong thời gian tới.

Tầm nhìn trong tương lai

Mặc dù hoạt động trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức song Tập đoàn Bảo Việt vẫn duy trì tăng trưởng ổn định, vững chắc trên ba lĩnh vực kinh doanh là bảo hiểm, đầu tư và dịch vụ tài chính.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu BVH hiện là một trong 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất với giá trị vốn hóa tại ngày 15/12/2014 đạt xấp xỉ 25.245,49 tỷ đồng. Cùng với đó, kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định và các chỉ tiêu sinh lời luôn ở mức cao: EPS năm 2013 đạt 1.623 đồng, ROC đạt 16,2%, cổ tức 15% bằng tiền mặt, cổ phiếu BVH tiếp tục thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với việc hoàn thành kế hoạch năm 2014, Tập đoàn đang chốt những bước cuối cùng trong việc tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài, tăng vốn điều lệ thêm 10%, từ 6.800 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành vào cuối quý I/2015.

Dự kiến, Bảo Việt sẽ chào bán cho từ 1 - 3 nhà đầu tư tiềm năng đáp ứng được các tiêu chí về sức mạnh tài chính, uy tín và thương hiệu, có năng lực hỗ trợ kỹ thuật cho Bảo Việt trên một hoặc nhiều lĩnh vực như quản trị DN, bảo hiểm phi nhân thọ, dịch vụ tài chính (ngân hàng, chứng khoán, quản lý quỹ), đầu tư, quản lý rủi ro, mở rộng thị trường, sản phẩm mới… Theo Nghị Quyết số 15/NQ-CP thì đến năm 2015, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Bảo Việt là 65%. Tuy nhiên, việc thoái vốn sẽ được thực hiện theo hình thức là tăng quy mô vốn điều lệ của Bảo Việt và Nhà nước không bỏ thêm vốn.

Nhìn lại từng bước đi trong quá trình phát triển, niềm tin chính là yếu tố tạo nên sức mạnh giúp Bảo Việt vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội trong gần nửa thế kỷ qua. Trao đi những thành ý, gặt hái những niềm tin - đó không chỉ là câu chuyện của riêng Bảo Việt mà là chân lý vững bền trong mọi thời đại.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 1+2-2015