Nước nhỏ - Vị thế lớn

Theo daibieunhandan.vn

Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Trong đó đề ra mục tiêu nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Ngoài những nỗ lực nội tại, “học bạn” cũng là một cách hay để kế hoạch sớm hoàn thành. Nhân dịp Tết cổ truyền Đinh Dậu, các Đại sứ của New Zealand, Israel và Na Uy - những quốc gia tuy nhỏ về địa lý và dân số nhưng lại có vị thế lớn trong khu vực và thế giới, đã có những chia sẻ quý giá với Việt Nam về vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Công nghệ cao là chìa khóa

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar.

Trong hơn 4 năm phục vụ với tư cách là Đại sứ Israel tại Việt Nam, tôi đã được chứng kiến rất nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của các bạn. Quan hệ kinh tế song phương giữa Israel và Việt Nam cũng có nhiều tiến triển tích cực. Tôi thực sự tin rằng FTA mà chúng ta đang đàm phán (Israel và Việt Nam đã trải qua 2 vòng đàm phán và vòng đàm phán thứ 3 dự kiến diễn ra vào tháng 3/2017) sẽ giúp giảm đáng kể các hàng rào thuế quan, cho phép đôi bên thực hiện các giao dịch thương mại nhiều hơn.

Năm 2015, Israel đứng trong 18 nước hàng đầu thế giới xét về Chỉ số Phát triển con người của Liên Hợp Quốc, và được xếp trong mục “Rất phát triển”. Đây là xếp hạng cao nhất của Trung Đông, cho phép Israel tận hưởng những tiêu chuẩn sống cao không kém các nước phát triển phương Tây. Trong thành tựu đó, nông nghiệp công nghệ cao và hệ sinh thái khởi nghiệp đóng vai trò rất lớn. Tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm đó với Việt Nam. Tôi tin rằng, quá trình phát triển của các bạn sẽ diễn ra tốt đẹp và bền vững.

Công nghệ cao đã được áp dụng hiệu quả vào ngành nông nghiệp của Israel. Do đó, mặc dù chỉ có 2% dân số hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng chúng tôi không chỉ cung cấp đủ cho nhu cầu nội địa mà còn xuất khẩu nông sản sang các thị trường khác trên thế giới, trong đó chủ yếu là châu Âu. Chính công nghệ cao là chìa khóa giúp nền nông nghiệp của Israel sản xuất được nhiều hơn trong bối cảnh nguồn lực đất đai, nước và nguồn nhân lực hạn chế.

Cùng với nông nghiệp, hệ thống sinh thái khởi nghiệp của Israel cũng rất được chú trọng phát triển trong nhiều năm qua với sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ. Chính phủ sẵn lòng vào cuộc để giúp lấp đầy khoảng trống trong khu vực tư nhân nhằm hỗ trợ thành viên của các vườn ươm doanh nghiệp; tạo ra mối quan hệ tam giác chặt chẽ giữa Chính phủ, các viện khoa học và khu vực tư nhân; quan tâm xây dựng những luật phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Khi đề án của doanh nghiệp được thông qua, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 80%. Nếu doanh nghiệp thành công, Chính phủ sẽ thu hồi dần số vốn đầu tư với lãi suất rất thấp, còn nếu thất bại, Chính phủ cũng sẽ vẫn hỗ trợ.

Trong quá trình phát triển nông nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp, chúng tôi phải đối phó với khoảng cách giàu nghèo đang tăng lên, yếu tố gây bất lợi cho sự phát triển của đất nước. Từ kinh nghiệm của Israel, Việt Nam nên chú trọng đến vấn đề này. Tôi tin rằng việc bảo đảm tốt lợi ích xã hội cho người nghèo sẽ giúp họ có những đóng góp giá trị cho sự thịnh vượng của đất nước.

Quản trị tốt và minh bạch

Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Kari Wollebaek.

Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Kari Wollebaek.

Năm 2016 đánh dấu kỷ niệm 45 năm Na Uy và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao và hữu nghị. Trong suốt những năm qua, hai nước đã hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, quản trị, ngư nghiệp, dầu khí, môi trường và chống biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, vệ sinh và nước sạch. Với sự phát triển nhanh của Việt Nam, nhiều lĩnh vực hợp tác mới đang mở ra với hai nước. Hiện, khoảng 50 công ty Na Uy có đại diện tại Việt Nam, hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực. Thương mại song phương cũng đã tăng lên mức hơn 30% trong năm qua.

Hai nước đều có lợi thế về đường bờ biển dài. Na Uy cũng là quốc gia có thế mạnh trong các lĩnh vực biển và hàng hải, do vậy hai nước có tiềm năng hợp tác trong những lĩnh vực này. Ngoài ra, hai nước chia sẻ mối quan tâm chung trong các lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông và công nghệ sạch. Hiện, cũng còn nhiều tiềm năng ở Na Uy chưa được khai thác đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng, sau khi thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam - EFTA được hoàn tất sẽ mở ra những cơ hội tiếp cận thị trường mới cho các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam. Trong thời gian tới, Na Uy mong muốn sẽ tiếp tục đối thoại mang tính xây dựng với Việt Nam trong việc thúc đẩy các quyền chính đáng của con người, vốn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại và phát triển của Na Uy.

Được xem như hình mẫu về quốc gia có chính sách phúc lợi xã hội tốt, Na Uy coi quản trị tốt, sự minh bạch và bảo vệ các quyền chính đáng của con người là nền tảng cho phát triển bền vững của quốc gia.

Yếu tố quan trọng nhất quyết định năng lực cạnh tranh của một quốc gia là nhân tài - kỹ năng và năng suất của lực lượng lao động. Theo kinh nghiệm của Na Uy, bình đẳng giới đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bảo đảm sự phát triển lành mạnh và sử dụng hợp lý tất cả tài nguyên sẵn có của đất nước quyết định lớn tới năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, Chính phủ Na Uy chú trọng tạo ra các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Chúng tôi cũng khuyến khích nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng như Các nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về doanh nghiệp và nhân quyền, nhằm tăng cường minh bạch và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt ở Na Uy.

“Sạch” trong phát triển

Phó Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Robbie Taylor.

Phó Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Robbie Taylor.

Ở New Zealand, nông nghiệp và du lịch là 2 ngành mũi nhọn, đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế quốc gia. Khoảng 85% sản phẩm nông nghiệp của New Zealand được bán ra thế giới. Vì thế, duy trì những sản phẩm chất lượng cao, “sạch” là yếu tố sống còn. Chúng tôi rất chú trọng đến việc xây dựng một hệ thống kiểm định mạnh để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Hệ thống này có sự bảo đảm của chính phủ bên cạnh việc tự chịu trách nhiệm và duy trì chất lượng, tiêu chuẩn của bản thân ngành nông nghiệp. Sự kết hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp giúp New Zealand đạt được nhiều thành công trong việc nâng cao chất lượng các sản phẩm và có thể bán chúng với giá cao hơn ở thị trường trong và ngoài nước. Chính phủ đang tìm cách gỡ bỏ các rào cản thương mại, xây dựng các chính sách ưu đãi thuế nhằm tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới.

Việt Nam cũng là nước sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, các bạn nên tiếp thị, xây dựng và áp dụng khoa học công nghệ để bảo đảm yếu tố “sạch”. Thường người tiêu dùng sẽ sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm như vậy. Chất lượng càng cao thì giá trị càng cao.

Du lịch cũng là một trong những ngành mũi nhọn của New Zealand. Đoàn làm phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” của đạo diễn Peter Jackson đã từng chọn đất nước chúng tôi để làm bối cảnh quay phim hồi năm 2000. Thực sự, có khá nhiều du khách Việt Nam cũng như thế giới sau khi xem bộ phim này đã tới New Zealand để chiêm ngưỡng tận mắt phong cảnh đẹp mà họ thấy trên phim. Vì vậy, chúng tôi đang hết sức nỗ lực để bảo đảm thương hiệu New Zealand là một điểm đến An toàn, Thú vị và Tuyệt đẹp. Tôi nghĩ yếu tố làm nên thành công của ngành du lịch chính là sự liên kết, hợp tác tốt giữa ngành du lịch và Chính phủ.

Trong phát triển du lịch, chúng tôi rất chú trọng đến yếu tố môi trường. Lượng du khách tăng hàng ngày đồng nghĩa với tình trạng xả rác nhiều. Vì vậy, New Zealand đã đưa ra nhiều biện pháp như thiết lập các nhà vệ sinh công cộng trên các con đường, đặt nhiều thùng rác tại các điểm du lịch… Quan trọng hơn là nâng cao ý thức của người dân và khách du lịch. Vì thế tôi mới nói vui rằng, các du khách không chỉ tới New Zealand mà ở bất cứ đâu, chỉ chụp cảnh đẹp và để lại dấu chân thôi chứ đừng để lại rác.

Ngoài ra, việc ngăn chặn dịch bệnh cũng rất được quan tâm vì New Zealand là quốc đảo khá tách biệt so với thế giới nên không tồn tại những căn bệnh như bên ngoài. Thực tế, Bộ Công nghiệp Cơ bản đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt về những gì được phép mang vào từ biên giới. Do vậy, khá nhiều du khách có thể bị phạt nếu mang thực phẩm tươi, thực phẩm chưa được nấu chín, động vật và các sản phẩm từ động vật… đến New Zealand.

Du lịch là một ngành quan trọng của cả Việt Nam và New Zealand. Vì thế, chúng ta có thể hợp tác với nhau. Đầu năm nay, New Zealand đã mở đường bay thẳng từ Aucland tới TP. Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi cho du khách đôi bên.