Nước sạch và vấn đề an ninh nguồn nước khu vực nông thôn
Nước sạch có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống, sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện an ninh nguồn nước sinh hoạt của cả nước nói chung và nông thôn nước ta nói riêng đã, đang và sẽ còn ở mức báo động, rất cần sự nỗ lực của cộng đồng, ý thức trách nhiệm của người dân và quyết tâm của cả của hệ thống chính trị.
Tầm quan trọng của nước sạch và vấn đề an ninh nguồn nước
Đới với nhu cầu con người, nước chiếm 70% trọng lượng cơ thể và có một vai trò hết sức quan trọng đối với cuộc sống, sức khỏe (chuyển hóa, thải độc, vận chuyển dinh dưỡng và dưỡng khí, điều hòa thân nhiệt…). Nước đồng thời cũng là yếu tố gây nên các bệnh lây nhiễm và các bệnh không lây nhiễm nếu việc cấp nước không tuân thủ đảm bảo an toàn - nước bị nhiễm bẩn.
Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện mỗi năm, có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước. Theo một nghiên cứu của WHO về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, đã đưa ra cảnh báo, hiện có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và kém về vệ sinh. Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen. Điều rất đáng lo ngại là, trên thực tế vẫn còn một bộ phận dân cư bất chấp những con số báo động đỏ này. Theo một báo cáo gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn có đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước an toàn.
Vì những lý do đó, WHO xếp Việt Nam vào số những nước có tình trạng an ninh nguồn nước đáng báo động, nhất là ở khu vực nông thôn. Trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, có thể kể đến một số nội dung sau:
Một là, áp về dân số và phát triển kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay dân số nước ta đã vượt mốc 90 triệu người, là quốc gia có dân số đứng thứ 13 trên thế giới, và thứ 3 ở Đông Nam Á. Gia tăng dân số nhanh chóng kéo theo những nhu cầu ngày càng tăng về sinh hoạt, giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế, giao thông vận tải, nhà ở, việc làm,... làm gia tăng sức ép đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, trong đó có việc cung cấp, sử dụng nguồn nước sạch.
Riêng chỉ nói đến việc xử lý nước thải sinh hoạt đã là một vấn đề rất lớn. Ước tính trung bình có khoảng 80% lượng nước cấp cho sinh hoạt trở thành nước thải sinh hoạt, nhưng tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý chỉ mới đạt khoảng 10% - 11% trên tổng số lượng nước thải đô thị. Điển hình một số nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt có công suất lớn đã đi vào hoạt động, như: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (TP. Hồ Chí Minh) với công suất 141.000 m3/ngày đêm, nhà máy xử lý nước thải tại Yên Sở (TP. Hà Nội) với công suất 200.000m3 /ngày,... nhưng chưa thể đủ đáp ứng làm sạch một khối lượng quá lớn về nước thải sinh hoạt.
Hai là, các chính sách đảm bảo an ninh nguồn nước còn nhiều vấn đề bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, dàn trải và kém hiệu lực, hiệu quả kể cả từ chính sách đầu tư đến công tác quản lý, cấp và sử dụng nguồn nước sạch. Hiện nay, việc sản xuất nước sạch, phân phối, tiêu thụ nước sạch được thực hiện theo quy định của Nghị định Chính phủ về sản xuất, cung cấp nước sạch do Bộ Xây dựng và ủy ban nhân các cấp chỉ đạo; việc quản lý, giám sát chất lượng sạch sau quá trình sản xuất cho đến cấp nước các hộ dân được thực hiện theo quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế; còn việc quản lý khai thác nước, bảo vệ nguồn nước nói chung được thực hiện theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Luật Tài nguyên nước còn có quy định riêng đối với việc bảo vệ chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nước cho sinh hoạt. Đồng thời, các văn bản cũng quy định ủy ban nhân cấp tỉnh, huyện, xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn.
Tuy nhiên, các quy định trên vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa tạo ra chuỗi liên hoàn gắn kết trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý, dẫn đến tình trạng vẫn còn “đùn đẩy” lẫn nhau, hoăc “cha chung không ai khóc”; ý thức của doanh nghiệp, người dân và cộng động không được đảm bảo.
Ba là, việc kiểm soát và giám sát thiếu đồng bộ, kém hiệu quả. Trên thực tế, mặt dù đã được quy định từ nhiều chính sách, nhưng do chính sách thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất về một đầu mối, dẫn đến việc quản lý, giám sát chất lượng nước sạch sau quá trình sản xuất; việc quản lý, khai thác nước, bảo vệ nguồn nước; việc phân phối, tiêu thụ nước sạch đến các hộ dân gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, ở nhiều địa phương, nhất là ở các vùng nông thôn xa xôi, kém phát triển, các ngành, các địa phương gặp nhiều bất lợi trong việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ chất lượng nguồn nước. Sự thiếu đồng bộ trong các khâu, từ khai thác đến việc bảo đảm xử lý nước thô thành nước sạch và khâu phân phối qua hệ thống đường ống đến từng hộ dân, làm cho việc kiểm tra, giám sát cũng thường xuyên gặp khó khăn: Sự cố tại Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà vừa qua là một bài học cảnh tỉnh về vấn đề bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt cho mọi người dân. Bên cạnh đó, chất lượng nước uống ở nông thôn vẫn hầu như không được giám sát, kiểm tra, kiểm định chặt chẽ.
Bốn là, nhận thức của các cấp chính quyền cũng như người dân còn hạn chế. Nguyên nhân khiến việc sử dụng nước sạch trong sinh hoạt của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn còn bất cập và nhiều hạn chế, là do nhiều hộ dân chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Kể cả những nơi đã có hệ thống cung cấp nước sạch, nhưng mức tiêu thụ nước sạch đạt thấp do nhận thức chưa đầy đủ, bà con vẫn còn kết hợp sử dụng nhiều nguồn nước với đa phần giữ thói quen sử dụng nước giếng, nước khe suối trong sinh hoạt để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, ở một số địa phương có dự án cấp nước sạch do doanh nghiệp đầu tư, người dân phải chi trả phí đấu nối với số tiền lớn, nên nhiều hộ đã không mặn mà với sử dụng nước sạch.
Giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước nông thôn
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước”. Nguồn nước nội địa của Việt Nam đạt trung bình kém, ở mức 3.840 m3/người/năm, thấp hơn 400 m3/người/năm so với mức bình quân toàn cầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng dự báo, đến năm 2025 lượng nước bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ còn một nửa con số nêu trên. Đây được xem là một nghịch lý đối với một quốc gia có mạng lưới sông ngòi và hệ thống ao hồ dày đặc.
Hiện nay, tuy tài nguyên nước bề mặt của Việt Nam tương đối dồi dào, nhưng đó không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ đều đang bị ô nhiễm nặng. Kể cả nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên ô nhiễm và thiếu do bị khai thác quá mức. Nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, việc thu hứng để lấy nước mưa không đảm bảo, ví dụ như dùng mái lợp fibroxi măng để hứng nước mưa,... Mặc dù vậy, việc kiểm soát, giám sát nước nguồn và nước uống khu vực nông thôn là vô cùng hạn chế, và có thể nói gần như không được kiểm soát.
Theo đánh giá trong Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn dựa trên kết quả thuộc chương trình mục tiêu quốc gia là chất lượng nước uống ở nông thôn vẫn hầu như không được giám sát và kiểm định chặt chẽ. Đặc biệt, khu vực nông thôn miền núi với các hệ thống cấp nước quy mô nhỏ do các đơn vị địa phương, tổ chức cộng đồng quản lý cấp nước vì mục đích dân sinh phi lợi nhuận.
Liên minh Nước - Sức khỏe Việt Nam được thành lập gần 2 năm trở lại đây. Đến nay, đã có 35 thành viên tham gia cùng với sự hỗ trợ của dự án “Các hoạt động địa Phương Việt Nam vì sức khỏe môi trường”, đều có mối quan tâm chung là phải làm gì, làm như thế nào để giải quyết các vấn đề nước có liên quan đến sức khỏe? Với các giải pháp bao gồm: a) Giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện địa phương, như: Xây dựng các hệ thống cấp nước sạch tại 2 xã: Hà Lâm (Hà trung) và Nga Trường (Nga Sơn) của tỉnh Thanh Hóa; đồng thời, tiếp tục mở rộng và nhân rộng mô hình ở các tỉnh Hà Giang và An Giang đang cho kết quả rất đáng khả thi, được đông đảo bà con nhân dân đồng tình ủng hộ. b) Vận động chính sách và huy động nguồn lực tăng cường tiếp cận nước sạch. Thông qua dự án, đã vận động, huy động được phần lớn nguồn lực gắn với nhu cầu địa Phương, được bà con tin tưởng, hào hứng tham gia Chương trình. c) Mở rộng truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, từ đó người dân nhận thấy đầu tư cho nguồn nước sạch là đầu tư cho chính mình, cho chính đời sống, sức khỏe của họ. Được hiểu biết, người dân từng bước nâng cao trách nhiệm kiểm tra, giám sát nguồn nước mà họ sử dụng một cách chặt chẽ.
Qua thực tiễn Dự án “Các hoạt động địa Phương Việt Nam vì sức khỏe môi trường” do Viện Dân số, Sức khỏe và phát triển – PHAD đang được triển khai bởi sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại nhiều tỉnh trong cả nước, cho thấy mục tiêu đặt ra nhằm nâng cao năng lực của các tổ chức địa phương và tăng cường quan hệ hợp tác trong việc giải quyết các thách thức về sức khỏe môi trường là rất thiết thực, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển bền vững. Đặc biệt, trong quá trình giải quyết những vấn đề liên quan đến nước và sức khỏe cộng đồng, các nghiên cứu của Dự án cho thấy cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mới có thể đạt được chủ trương đề ra:
Thứ nhất, hoàn thiện về văn bản pháp lý và các chính sách: (1) Bổ sung “Đơn vị cấp nước dân sinh phi lợi nhuận: là tổ chức địa Phương, hoặc cộng đồng được giao quản lý Hệ thống/trạm cấp nước sạch phục vụ cấp nước cho người dân không vì mục đích kinh doanh” vào sau khoản 5 và trước khoản 6 trong Điều 2 trong Nghị định số 117/2007/NĐ-TTg; (2) Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuy đã xác định rõ các tiêu chí nước sạch và vệ sinh nông thôn (nội dung 9 mục Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội), nhưng trên thực tế, gần như 100% các xã không có đầu tư cấp nước sạch cho người dân. Vì vậy, cần có hướng dẫn thực hiện cho chính quyền địa phương các cấp cụ thể phần ngân sách cho nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (trích trong tổng ngân sách xây dựng nông thôn mới của mỗi xã dành khoảng 5% cho nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân). (3) cần có hướng dẫn cho các mô hình cấp nước quy mô nhỏ (cụm dân cư, trường học do đơn vị quản lý phi lợi nhuận) xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn chống thất thoát nước và xây dựng tiêu chí đánh giá thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. (4) Đối với các đơn vị cấp nước phi lợi nhuận, cần có hướng dẫn cụ thể về kiểm soát, giám sát và hỗ trợ ngân sách công tác giám sát chất lượng nước.
Thứ hai, giải pháp công nghệ áp dụng cho công tác giám sát và kiểm soát chất lượng. Hiện, cả nước có 16.342 công trình cấp nước tập trung, trong đó chỉ có 33,5% công trình bền vững, còn lại 37,5% hoạt động trung bình, 16.7% hoạt động kém hiệu quả và 12% không hoạt động. Cá biệt, vùng núi và Tây Nguyên có tới 45,2% công trình cấp nước tập trung hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, tiếp đó là miền núi phía Bắc với tỷ lệ 34,8% và đồng bằng sông Hồng là 18,1%. Mặc dù Bộ Y tế có một hệ thống tổ chức đã được thiết lập tốt để giám sát chất lượng nước sinh hoạt và có năng lực kỹ thuật nhất định, nhưng trên thực tế chất lượng nước uống ở nông thôn vẫn hầu như không được giám sát.
Thứ ba, tăng cường công tác giáo dục truyền thông có hướng dẫn cụ thể, nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân về sử dụng nguồn nước và giữ vệ sinh môi trường. Đây là yếu tố rất quan trọng, bởi một khi người dân nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của nó thì những vấn đề nan giải sẽ vẫn chưa được giải quyết, thậm chí sẽ không được ứng xử một cách đúng đắn.
Thực tiễn từ các dự án đang triển khai, cho thấy các hoạt động tuyên truyền nằm trong hợp phần của Dự án - nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá, quản lý chương trình đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Chương trình đã tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền cho đối tượng là lãnh đạo xã, cán bộ các ban, ngành, đoàn thể, khu dân cư, cán bộ y tế của các xã tham gia, tạo nên sự nhận thức mới trong cộng đồng. Những hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các tiêu chí “bền vững” như: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, vệ sinh gia đình, thu gom và xử lý rác thải, nước thải… đã góp phần giúp người dân có thêm nhiều thông tin bổ ích, áp dụng vào cuộc sống thực tiễn, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình; đồng thời, góp phần xây dựng nông thôn mới bằng chất lượng cuộc sống mới với những kiến thức căn bản, khoa học trong việc sử dụng nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường.