Ồ ạt phát hành trái phiếu: Vì sao ngân hàng ưu tiên lựa chọn?
Có vẻ như hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn tự có đã và sẽ trở thành một xu hướng mà các ngân hàng thương mại ưu tiên lựa chọn.
Vài năm qua, trái phiếu do ngân hàng phát hành không còn sôi động như giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trào lưu này bắt đầu tăng trở lại khi có nhiều ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu, cũng như các loại giấy tờ có giá khác để huy động vốn, nhằm cải thiện hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn) nhằm chuẩn bị cho lộ trình đáp ứng chuẩn Basel II.
Nhiều ngân hàng lựa chọn
Ngân hàng VietinBank vừa có thông báo cho biết ngày 22/12/2016 đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi và không có bảo đảm bằng tài sản, ngày đáo hạn là 22/12/2021. Trái phiếu được phát hành ngày 22/12/2016 và đáo hạn ngày 22/12/2021, kỳ hạn 5 năm. Đại lý phát hành là Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam.
Trước đó, chỉ trong hai ngày 7 và 8/12/2016, VietinBank đã phát hành 2.900 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 10 năm. Trong đó, đợt 1 phát hành ngày 7/12/2016 với khối lượng 1.450 tỷ đồng, ngày đáo hạn là 7/12/2026; đợt 2 phát hành ngày 8/12/2016, khối lượng phát hành là 1.450 tỷ đồng và ngày đáo hạn 08/12/2026. Như vậy, trong riêng tháng 12/2016, ngân hàng này đã phát hành tổng cộng 4.900 tỷ đồng.
Hồi đầu tháng 12, Vietcombank (HOSE: VCB) công bố thông tin về Báo cáo kết quả chào bán trái phiếu ra công chúng. Theo đó, Vietcombank đã chào bán thành công 20 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, thời hạn trái phiếu 10 năm. Đây là loại chứng khoán không chuyển đổi và không có đảm bảo bằng tài sản; lãi được thanh toán sau hàng năm, định kỳ vào ngày tròn năm so với ngày phát hành. Được biết, lãi suất trái phiếu áp dụng cho kỳ tính lãi từ 25/11/2016 đến nhưng không bao gồm ngày 25/11/2017 là 7,57%/năm. Trước đó nữa các ngân hàng như Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), Ngân hàng Á Châu (ACB) đều đã phát hành trái phiếu.
Trong bối cảnh hoạt động ngành ngân hàng còn nhiều rủi ro, các ngân hàng đang phải vật lộn với nợ xấu nên thu hút thêm cổ đông mới bỏ vốn đầu tư hoặc các cổ đông hiện hữu góp thêm vốn là rất khó, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cũng đã giám sát và hạn chế tình trạng sở hữu chéo của các ngân hàng. Ngoài ra, tại các ngân hàng có cổ đông chiến lược thì giới hạn room cho các cổ đông nước ngoài đã không còn, thậm chí một số ngân hàng có cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì còn đang chịu áp lực thoái vốn từ các tổ chức này.
Thực tế cho thấy, trái phiếu là một trong những loại giấy tờ có giá giúp các ngân hàng có thể gọi vốn trong thời gian ngắn, với mức lãi suất được xác định trước. Mục tiêu chính của việc phát hành trái phiếu là nhằm bổ sung nguồn vốn cấp 2, qua đó gián tiếp góp phần cải thiện hệ số CAR của ngân hàng. Lý do là hệ thống ngân hàng đang chịu nhiều áp lực về chỉ số an toàn hoạt động theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, đặc biệt là ở những ngân hàng được thí điểm áp dụng chuẩn Basel II.
Đa dạng huy động vốn
Trước bối cảnh cổ phiếu ngân hàng khó thu hút nhà đầu tư, khiến ngân hàng khó huy động vốn qua sàn giao dịch chứng khoán, thì việc phát hành trái phiếu có thể thu về dòng tiền phục vụ cho mục đích tăng vốn một cách thuận lợi, mà không phải chịu áp lực pha loãng cổ phiếu.
Đây cũng chính là lợi ích đầu tiên là các cổ đông ngân hàng, đó là sẽ tránh được tình trạng pha loãng cổ phiếu và gây áp lực lên các chỉ số sinh lời như ROA và ROE. Lợi ích thứ hai là phát hành trái phiếu sẽ giúp các ngân hàng tăng vốn tự có cấp 2, hoặc sẽ là tiền đề để các ngân hàng tăng vốn điều lệ trong tương lai nếu là trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền.
Mới gần đây, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư nêu rõ, ngân hàng không có công ty con, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn xác định trên cơ sở báo cáo tài chính của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối thiểu 8%.
Động thái giảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu từ mức 9% xuống mức 8% của Ngân hàng Nhà nước là nhằm mở đường cho việc áp dụng chuẩn Basel II vào hệ thống các ngân hàng, bởi theo quy định của chuẩn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%.
Việc các ngân hàng lên kế hoạch phát hành trái phiếu và phát hành thành công cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào hệ thống tài chính đang dần tăng lên.
Thị trường vốn hiện vẫn đang phụ thuộc rất lớn từ vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp đều mong muốn tiếp cận được vốn dài hạn với chi phí rẻ hơn, tuy nhiên phía ngân hàng lại bị hạn chế bởi quy định về nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Điều này đặt ra cho các ngân hàng bài toán phải tìm kiếm nguồn vốn huy động dài hơn để phục vụ nhu cầu cho vay trong đó có phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Với các yêu cầu về minh bạch hóa hoạt động, trong năm 2017 và 2018 các ngân hàng chưa niêm yết sẽ phải lên sàn đồng loạt. Việc niêm yết tập trung không chỉ là quy định mà còn là cơ hội để bản thân những ngân hàng đó tìm kiếm được nguồn vốn ổn định hơn.