Thị trường trái phiếu 2017: Nhiều thử thách

Theo Hữu Hòe/tinnhanhchungkhoan.vn

Dự cảm về thị trường trái phiếu năm 2017, ông Phạm Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, đây sẽ là năm nhiều thử thách cho các thành viên tham gia thị trường...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Phóng viên: Nhìn lại năm 2016, yếu tố nào đã giúp nhà đầu tư gặt hái được thành công trên thị trường trái phiếu, thưa ông?

Ông Phạm Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam.

Ông Phạm Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam.

Ông Phạm Thanh Hà: Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) trong năm 2016 được đánh giá là rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư nhờ thanh khoản dồi dào, khi Ngân hàng Nhà nước tích cực hỗ trợ thông qua việc liên tục mua vào ngoại tệ. Theo đó, thanh khoản trên thị trường TPCP đã vượt qua con số 5.000 tỷ đồng/phiên cho thấy, dòng tiền chảy mạnh vào kênh đầu tư này.

Ngoài ra, chi phí vốn khá thấp cũng là một yếu tố giúp các nhà đầu tư thu lời từ mảng trái phiếu. Trong năm 2016, mặt bằng lãi suất huy động trung bình có thời điểm chỉ là 5%/năm. Thời điểm cuối năm, tuy mặt bằng lãi suất có nhích lên, nhưng cũng không đáng kể, nên tạo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư TPCP.

Năm qua, dòng vốn ngoại vào thị trường trái phiếu dù khá tích cực, song chưa bền vững, theo ông, cần có giải pháp gì để khắc phục hạn chế này?

VBMA sẽ đề xuất xây dựng chiến lược, mục tiêu thu hút nhiều hơn dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, từ đó kiến nghị các chính sách ưu đãi như miễn giảm các loại thuế, phí khi đầu tư TPCP, đặc biệt với nhà đầu tư nước ngoài là miễn thuế nhà thầu.

Cùng với đó là xây dựng kịch bản quảng bá hình ảnh về thị trường này, cho phép triển khai các sản phẩm phòng ngừa rủi ro…

Như vậy thị trường TPCP năm 2017 cũng sẽ thành công như năm 2016?

Diễn biến thị trường TPCP trong năm 2017 sẽ phụ thuộc vào xu hướng biến động lãi suất VND, chịu ảnh hưởng của định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và diễn biến kinh tế thế giới.

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất vào ngày 14/12/2016, cộng với dự tính sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2017 thêm 3 đợt, mỗi đợt 0,25 điểm phần trăm. Điều này sẽ tác động tới xu hướng điều hành lãi suất của ngân hàng trung ương các nước, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, Quốc hội đã chốt mức tăng trưởng GDP năm 2017 khoảng 6,7%. Do đó, để vừa đạt mục tiêu tăng trưởng, vừa kiểm soát được lạm phát, theo tôi, năm 2017 sẽ là năm nhiều thử thách cho các thành viên tham gia thị trường trái phiếu.

Xét các yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng, tình hình nợ xấu vẫn cần thời gian để giải quyết, cùng nhu cầu đi vay của Chính phủ thông qua phát hành TPCP vẫn ở mức cao, nên khả năng giảm thêm lãi suất VND là khó. Vì vậy, tôi cho rằng, xu hướng ổn định và tăng của lãi suất TPCP đang chiếm ưu thế.

Theo ông, để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh và sôi động hơn trong năm 2017, nhà quản lý và thành viên thị trường cần triển khai các giải pháp gì?

Hiện Bộ Tài chính đang đánh giá lại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu tầm nhìn đến năm 2020. Theo tôi, đây là việc rất quan trọng và sẽ là “kim chỉ nam” cho hướng phát triển của thị trường trái phiếu. Về phía VBMA, chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia và đồng hành cùng cơ quan quản lý trong quá trình đóng góp ý kiến khi đánh giá và đưa ra các giải pháp phát triển thị trường này ít nhất là trong 3 năm tới.

Các vấn đề cần được xem xét và triển khai, theo tôi gồm: Cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét phối hợp và gắn chặt sự phát triển thị trường trái phiếu với phát triển thị trường tiền tệ;

Ưu tiên phát triển thị trường repo để giúp các ngân hàng và các công ty chứng khoán đẩy mạnh thanh khoản của thị trường, cách thức hạch toán giao dịch repo cần điều chỉnh về đúng bản chất, thay vì đang được hạch toán theo hình thức cho vay;

Cần giảm phí giao dịch TPCP để thúc đẩy thanh khoản thị trường;

Xây dựng hệ thống các nhà tạo lập thị trường cùng với cơ chế cho vay trái phiếu;

Đa dạng hóa các nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu, đặc biệt là các giải pháp thu hút nhà đầu tư nước ngoài, thông qua xem xét giảm thuế, phí và phát triển sản phẩm giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro;

Tổ chức các buổi giới thiệu và quảng bá thị trường trái phiếu Việt Nam tới rộng rãi nhà đầu tư;

Phát triển các sản phẩm mới trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp;

Thiết lập “đường cong lãi suất” ngắn hạn để phát triển các sản phẩm phái sinh…

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, việc sửa đổi Nghị định 90/2011 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hướng nới lỏng điều kiện phát hành và tăng nghĩa vụ cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư sau khi phát hành là cần thiết.

Việc có một trung tâm thông tin cung cấp dữ liệu trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp các thành viên nắm bắt thông tin và là sơ sở cho các hoạt động giao dịch. Bên cạnh đó, việc ra đời một công ty xếp hạng tín nhiệm sẽ là một cú hích cho sự phát triển của thị trường này.