Ô nhiễm không khí gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm
Ô nhiễm không khí là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.
Sáng ngày 30/12, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir đã xếp Hà Nội vào Top 1 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới với AQI là 240 - ngưỡng tím, sau đó là Thành phố Bagdad (Irag), Dhaka (Bangladesh).
Nhiều điểm đo ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng tím - ngưỡng rất có hại cho sức khỏe như Quảng Bá AQI 267, Hồ Tây AQI 292, Vinhome riverside AQI 258, Cừ Khôi (Long Biên) AQI 253, Quảng Bá AQI 267, Ciputra (Tây Hồ) AQI 257, Hoàng Quốc Việt AQI 251...
Cá biệt có điểm đo ở ngưỡng nâu - ngưỡng nguy hại cho sức khỏe con người là Quảng Khánh (Tây Hồ) với AQI mức 340.
Đến 9h sáng ngày 31/12, Hà Nội đứng thứ 5 trong top những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, với AQI là 195 - ngưỡng đỏ.
Ở mức này, người bình thường bắt đầu có có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Nhiều điểm đo ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng tím - ngưỡng rất có hại cho sức khỏe như: Quảng Khánh AQI 232, Ciputra AQI 216, Vinhome SmartCity AQI 208, Lê Duẩn AQI 203…
Cá biệt có Tô Ngọc Vân (Tây Hồ) được xếp vào ngưỡng nâu, với AQI 354. Ngưỡng này là ngưỡng cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe, theo đó, người dân sống trong khu vực ô nhiễm không khí này sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.
Những năm gần đây, chất lượng không khí ở Thủ đô liên tục ở mức trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm bụi. Tổng hợp từ các nghiên cứu kiểm kê khác nhau của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới và các nghiên cứu khác cho thấy, về tỷ lệ đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 tại 11 điểm trên địa bàn Thủ đô, tùy vào từng điểm, mức độ đóng góp của các nguồn chiếm tỷ lệ khác nhau.
Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn có đóng góp mức cao nhất (từ 58% - 74%), tiếp đến là nguồn công nghiệp (từ 14% - 23%), nguồn nông nghiệp (từ 3,4% - 18,9%), nguồn dân sinh và nguồn đốt rác có mức đóng góp thấp nhất.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm không khí, nhưng có một số nguyên nhân chủ yếu như: Công tác quản lý gặp nhiều yếu kém và bất cập như văn bản pháp luật về quản lý môi trường không khí còn chưa hoàn thiện, chưa có luật không khí sạch, công nghệ sản xuất của nhiều ngành còn lạc hậu, quản lý nguồn thải ô nhiễm chưa đáp ứng yêu cầu, ý thức bảo vệ môi trường không khí của mọi người còn hạn chế…
Các nghiên cứu cho thấy, ô nhiễm không khí gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm cho con người. Trong đó, có nhiều bệnh về hô hấp, bao gồm: Hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, bệnh tắc phổi nghẽn mãn tính…
Ô nhiễm khí còn gây ra nhiều bệnh tim mạch, bao gồm: Bệnh mạch vành, đột quỵ, cao huyết áp…
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do các chất ô nhiễm gây viêm và tổn thương mạch máu, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu.
Ô nhiễm không khí cũng là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư phổi. Theo đó, khói bụi, khí độc và các chất gây ung thư trong không khí như benzo(a)pyrene và các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC), có thể gây tổn thương DNA và làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
Ngoài ra, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.
Các chất ô nhiễm trong không khí có thể xâm nhập vào cơ thể và tích tụ trong bàng quang, gây tổn thương tế bào và làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Trẻ em và người già là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi ô nhiễm không khí. Cụ thể, trẻ em có hệ hô hấp và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên dễ bị tổn thương bởi các chất ô nhiễm trong không khí.
Ô nhiễm không khí có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, như viêm phổi, hen suyễn và nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ em, gây ra các vấn đề về học tập và hành vi.
Người già thường có hệ miễn dịch yếu và dễ mắc các bệnh mãn tính, nên dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Các chất ô nhiễm trong không khí có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như bệnh phổi, bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường. Ô nhiễm không khí cũng có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ tử vong ở người già.
Để giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe, cần có các giải pháp cụ thể và hiệu quả.
Theo đó, chính quyền cần ban hành và thực hiện các chính sách kiểm soát ô nhiễm không khí, như giảm khí thải từ các cơ sở sản xuất và phương tiện giao thông, kiểm soát chất thải rắn và xử lý nước thải. Các biện pháp này sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, cần có các chương trình tuyên truyền và giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và các biện pháp phòng ngừa.
Người dân cần được khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, tiết kiệm năng lượng và thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.
Người dân cũng nên trang bị các thiết bị lọc không khí có thể giúp giảm thiểu lượng bụi và các chất ô nhiễm trong nhà, cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe. Người dân nên sử dụng các thiết bị lọc không khí chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh định kỳ.
Cần có hệ thống giám sát và cảnh báo chất lượng không khí để người dân có thể nắm bắt thông tin và thực hiện các biện pháp phòng ngừa kịp thời. Người dân cần hạn chế các hoạt động ngoài trời khi chất lượng không khí xấu và sử dụng khẩu trang khi ra ngoài.
Người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến hô hấp và tim mạch, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng giúp người dân nắm bắt tình trạng sức khỏe của mình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Ô nhiễm không khí là một vấn đề nghiêm trọng gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho sức khỏe con người, từ các bệnh về hô hấp, tim mạch, đến các bệnh ung thư và tác động đến trẻ em và người già.
Để giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí, cần có các giải pháp cụ thể và hiệu quả từ chính quyền, cộng đồng và cá nhân.