Ổn định kinh tế vĩ mô: Cái gì, tại sao và thế nào?
(Tài chính) Hai năm gần đây, nhiệm vụ "ổn định kinh tế vĩ mô” đã trở thành ưu tiên hàng đầu thay cho mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như trong chính sách phát triển kinh tế những năm trước đó.
Tuy vậy, dường như cho đến nay vẫn chưa thấy một sự cắt nghĩa, giải thích chính thức và xác đáng về thế nào là "ổn định kinh tế vĩ mô”, mặc dù cụm từ này đã và đang được nêu ra bởi rất nhiều người và phổ biến.
Điểm lại nhiều bài nói và viết của các chuyên gia, các tổ chức liên đới trong và ngoài nước ở Việt Nam trong mấy năm qua, có thể thấy cụm từ "ổn định kinh tế vĩ mô” đa phần nào được dùng như một nhiệm vụ riêng biệt, song song với những nhiệm vụ, mục tiêu khác như "kiềm chế lạm phát", "ổn định tỷ giá”, "thúc đẩy, hỗ trợ, ổn định tốc độ tăng trưởng"...
Thực tế trên thế giới, cụm từ "ổn định kinh tế vĩ mô” được dùng với nghĩa bao hàm cả những mục tiêu khác như giữ ổn định các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng (tiệm cận với mức tăng trưởng tiềm năng), mức giá cả và tỷ lệ thất nghiệp... Cách dùng này dựa trên khái niệm về "kinh tế vĩ mô” - là một hệ thống kinh tế của cả một quốc gia, với các chỉ tiêu đo lường "sức khỏe" của nó như tốc độ tăng trưởng thu nhập, thất nghiệp, lạm phát...
Bởi vậy, ổn định kinh tế vĩ mô có nghĩa là giảm thiểu biến động (trong ngắn hạn) của những chỉ tiêu này. Mục đích của ổn định kinh tế vĩ mô là để tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư làm cải thiện tăng trưởng trong dài hạn.
Ngoài lý do là chuẩn mực và phổ biến, cách dùng với nghĩa này còn tránh được sự mơ hồ về mục đích như trong cách dùng đang phổ biến ở Việt Nam như nói ở trên.
Theo cách dùng như ở Việt Nam hiện nay thì dường như "ổn định kinh tế vĩ mô” là cái gì đó khác và độc lập với ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, càng khác và độc lập với thúc đẩy, hỗ trợ, ổn định tăng trưởng kinh tế. Vì rõ ràng hiện nay, việc thúc đẩy, duy trì tốc độ tăng trưởng (hiện đang được cho là ở mức thấp so với tăng trưởng tiềm năng) đã được gạt xuống hàng thứ yếu, sau mục tiêu "ổn định kinh tế vĩ mô”.
Theo cách chuẩn mực thì ổn định kinh tế vĩ mô là việc đạt được sự ổn định trên nhiều chỉ tiêu, trong số đó có những chỉ tiêu mà việc thực hiện được chúng có tính đối nghịch với việc thực hiện những chỉ tiêu khác, ít nhất trong ngắn hạn, ví dụ như ổn định lạm phát và duy trì, ổn định tốc độ tăng trưởng.
Cụ thể hơn, với mục tiêu ổn định tốc độ tăng trưởng (hiện đang có xu hướng tụt thấp so với tăng trưởng tiềm năng) trong "gói" ổn định kinh tế vĩ mô, thì cần thiết phải khôi phục và ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế sao cho tiệm cận với tốc độ tăng trưởng tiềm năng.
Điều này đòi hỏi phải có sự nới lỏng chính sách tiền tệ hơn. Nhưng mặt khác, vì lạm phát đang ở mức khá cao nên cần thiết phải duy trì chính sách tiền tệ một cách chặt chẽ hơn. Như vậy, trong ngắn hạn, ổn định kinh tế vĩ mô nói chung có khả năng không thể lồng ghép với sự phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Trên thực tế, Chính phủ cũng đã tách mục tiêu tăng trưởng kinh tế ra khỏi "gói" ổn định kinh tế vĩ mô. Loại bỏ mục tiêu tăng trưởng ra thì trong gói ổn định kinh tế vĩ mô, ngoài mục tiêu giữ cho giá cả ổn định (lạm phát thấp), sẽ còn những mục tiêu chính khác là hạ lãi suất, ổn định tỷ giá, việc làm, thâm hụt ngân sách, cán cân thương mại...
Nhưng xét cho cùng, yếu tố chính chi phối việc đạt được những mục tiêu này vẫn là lạm phát thấp. Khi giá cả ổn định (lạm phát thấp) thì biến động việc làm sẽ có xu hướng giảm thiểu (vì chi phí sản xuất bao gồm chi phí tiền lương sẽ không bị tác động nhiều bởi lạm phát nên chủ doanh nghiệp có xu hướng duy trì ổn định số việc làm hơn).
Khi lạm phát thấp thì áp lực phá giá nội tệ đến từ việc lên giá thực của nội tệ so với ngoại tệ sẽ không lớn nên tỷ giá sẽ được ổn định hơn. Đồng thời, tỷ giá ổn định do nội tệ ít bị lên giá thực sẽ tạo điều kiện duy trì cán cân thương mại cân bằng hơn. Lạm phát thấp cũng có nghĩa là chính sách tiền tệ thường là thắt chặt hơn nên thâm hụt ngân sách cũng ít bị áp lực gia tăng hơn.
Nói cách khác, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam chính là "kiềm chế lạm phát (ở mức thấp) và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (theo diễn biến của lạm phát). Như vậy đã đủ chỉ ra được cái gì là ưu tiên (tức là lạm phát), cần tập trung thực hiện và cái gì là thứ yếu.