Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát có phải là vòng kim cô không?
(Tài chính) Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, tốc độ tăng trưởng đạt mức thấp, các chỉ số chủ yếu khác về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và những năm tiếp theo của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 được dự báo sẽ không đạt kế hoạch đề ra. Một trong những nguyên nhân quan trọng được cho là xuất phát từ chính mục tiêu mà chúng ta đang theo đuổi hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Điều này được ví như “vòng kim cô” đang ngày càng thắt chặt động lực tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra đối với 4 nhóm chỉ tiêu chính là tốc độ tăng GDP; cân đối ngân sách nhà nước; tăng trưởng tín dụng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thì cần phải đánh giá một cách thực chất và đưa ra những giải pháp quyết liệt, thậm chí là nới rộng/thay đổi mục tiêu đang theo đuổi hiện nay.
Thứ nhất, về tốc độ tăng trưởng GDP năm 2013 được nhận định là có dấu hiệu phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các ngành, lĩnh vực khác đều chuyển biến tích cực, đúng hướng. cùng với đó là tác động của các yếu tố phục hồi kinh tế và thương mại thế giới, hiệu quả của các giải pháp về vốn, tín dụng được cải thiện. tổng cầu và sức mua của thị trường có dấu hiệu tăng, nhờ đó tốc độ tăng GDP được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo sẽ đạt khoảng 5,4%, con số này vẫn thấp hơn chỉ tiêu đề ra là 5,5%. Đây cũng là năm thứ 6 của giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài liên tiếp.
Thứ hai, về cân đối ngân sách nhà nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất trong thời điểm hiện nay. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tính đến ngày 31/7/2013, tổng thu ngân sách nhà nước mới đạt 429.165 tỷ đồng, bằng 52,6% dự toán. Nguyên nhân là do gần 25 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động tính đến ngày 30.6.2013 đã tác động trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu tài chính - ngân sách nhà nước, đặc biệt là nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2013. Ngoài số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động thì việc thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết 02 và Nghị quyết 13 của Chính phủ là tác nhân quan trọng khiến cho con số hụt thu ngân sách năm nay là không hề nhỏ. Việc xử lý gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng cho khoảng 150 nghìn doanh nghiệp với số tiền khoảng 5.380 tỷ đồng, cũng như giúp hơn 105 nghìn đối tượng nộp thuế với 4.428 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và hơn 45 nghìn đối tượng nộp thuế với 952 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp được kéo dài thời gian sử dụng nguồn vốn này. Ở Trung ương là vậy, các địa phương cũng gặp tình trạng hết sức khó khăn, nhiều tỉnh, thành phố đều không hoàn thành nhiệm vụ thu so với chỉ tiêu được phân giao. Dự báo năm 2013, con số hụt thu ngân sách vào khoảng 60.000 tỷ đồng. Với tình hình thu ngân sách như trên, trong khi nhu cầu chi cho đầu tư phát triển lẫn chi thường xuyên đều rất lớn sẽ là gánh nặng cho Trung ương và địa phương trong việc bảo đảm cân đối ngân sách không chỉ năm 2013 mà dự báo cả giai đoạn 2014 - 2015.
Thứ ba, về tổng vốn đầu tư toàn xã hội được dự báo đạt khoảng 29,5% GDP, chưa đạt mức 30% theo chỉ tiêu của QH. nguyên nhân do nền kinh tế đang bị nghẽn hấp thụ tín dụng, mà đầu tư của mọi thành phần kinh tế đều dựa chủ yếu vào tín dụng. Với đặc trưng nền kinh tế đang phát triển như nước ta, động lực tăng trưởng chính chủ yếu vẫn dựa vào đầu tư thì dường như chỉ tiêu này cần xem xét lại. Nếu so với những năm gần đây, chỉ tiêu này là rất thấp vì diễn ra trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, bắt buộc phải thu hẹp vốn nhà nước, trong khi thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách sụt giảm mạnh do hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp bị đình đốn.
Thứ tư, tốc độ tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2013 được dự báo vào khoảng 13% so với cuối năm 2012 nhưng cũng là con số rất thấp nếu so với những năm trước đây, thường là trên 20% đến 30%. Thực tế cho thấy, các giải pháp tăng tổng cầu và khơi thông tín dụng chưa đạt hiệu quả cao. nền kinh tế vẫn ở tình trạng thừa tiền nhưng thiếu vốn, doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.
Những khó khăn đối với nền kinh tế đang hiện hữu và sẽ tiếp diễn trong những năm tiếp theo bởi chưa có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh trong thời gian tới. Trong khi đó, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế toàn cầu vẫn trong xu thế phục hồi yếu và không ổn định. Ngân hàng thế giới (WB) dự báo, kinh tế toàn cầu năm 2013 chỉ tăng ở mức 2,4% và sẽ đạt 3,1%, 3,3% vào năm 2014, 2015. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu năm 2013 tăng 3,1% và năm 2014 là 4%. Đây sẽ là tác động bất lợi đối với nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta.
Trong bối cảnh trong nước và quốc tế như vậy, việc kiên định thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đang được ví như là vòng kim cô thắt chặt động lực tăng trưởng. Vậy, có nên thay đổi hay nới rộng mục tiêu này trong thời điểm hiện nay không? Và nếu có thì sẽ mở với biên độ như thế nào? để tạo động lực tăng trưởng mới và tháo gỡ nút thắt một cách linh hoạt nhằm vực dậy nền kinh tế và vẫn thực hiện mục tiêu tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đã có nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng một chương trình phục hồi kinh tế trung hạn 2013 - 2015 nhằm chấm dứt tình trạng ban hành một số giải pháp mang tính chất tạm thời như thời gian vừa qua.
Theo đó, các giải pháp về tiền tệ và tài khóa cần được xử lý nhịp nhàng, linh hoạt để có thể nâng chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên khoảng trên 30%, ở mức 32% GDP, bởi lẽ nguồn lực khối tư nhân đang suy giảm mạnh, cần có những cú hích từ đầu tư công. Trong 2 năm 2013 và 2014, tính toán tăng trần bội chi ngân sách lên khoảng 5%, thay vì giữ mức 4,8% GDP như hiện nay. Đồng thời, tính toán vay nợ cũng như phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, ngoài định mức 45 nghìn tỷ đồng/năm theo định mức được QH thông qua để đầu tư cho các dự án, công trình quan trọng hoặc thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Mặc dù có ý kiến đề nghị cần khống chế và bảo đảm an toàn nợ công, nhưng trong tình thế hiện nay khi chính sách tiền tệ chưa phát huy hiệu quả cao thì rõ ràng đầu tư công sẽ là giải pháp tốt nhất để kích thích tăng tổng cầu nền kinh tế.
Tháng 10 tới, tại kỳ họp QH cuối năm, Chính phủ sẽ báo cáo QH về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013, phương hướng nhiệm vụ năm 2014 và đánh giá 3 năm thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Tuy nhiên, nếu những giải pháp đưa ra không căn cơ, mang tính đột phá và đặt trong bối cảnh chung của đất nước thì tình hình khó khăn có lẽ sẽ còn tiếp diễn, kinh tế Việt Nam chưa thể thoát ngay khỏi tăng trưởng dưới tiềm năng.