Lãi suất đang phù hợp diễn biến lạm phát
Mức CPI tháng 5 và những dự báo gần đây cho thấy lạm phát năm nay vẫn trong tầm kiểm soát và lãi suất ngân hàng vẫn có thể ở mức hợp lý.
Trong tuần qua, những thông tin liên quan tới lãi suất ngân hàng một lần nữa được dư luận quan tâm và đặt câu hỏi vì sao lãi suất cho vay khó giảm và lo ngại dấu hiệu lãi suất tăng trở lại. Cũng có thể hiểu, lãi suất là một trong những chi phí sản xuất chính của doanh nghiệp, đặc biệt với Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ, phần lớn vẫn dựa nhiều vào vốn vay của ngân hàng thì mức lãi suất vay vốn càng vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, điểm đáng bàn là thông tin đăng tải về lãi suất lại được dẫn nguồn từ một cuộc khảo sát lãi suất tại thời điểm cuối tháng 4/2017 của một công ty chứng khoán.
Theo công ty này, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn ngắn (kỳ hạn 1 tháng) tăng 0,2% so với đầu năm; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,14%, còn kỳ hạn 12 tháng tăng 0,17%. Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước bình quân là 5,7%; tăng 0,18% so với đầu năm, còn tại các ngân hàng thương mại cổ phần là 6,24%, tăng 0,11% so với đầu năm...
Có thể vào thời điểm khảo sát về lãi suất có một số ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng lãi suất huy động qua hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi nhưng sau đó NHNN đã chấn chỉnh và làm rõ nguyên nhân thì thị trường lại “đâu vào đấy”. Như vậy, thông tin lãi suất tăng là dư âm của đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi của một số ngân hàng thương mại cổ phần từ đầu năm nên giờ đã trở nên cũ so với những diễn biến của thị trường gần đây.
Bên cạnh đó, nếu với mức tăng được đưa ra với lãi suất huy động chỉ là 0,18% với khối các ngân hàng thương mại Nhà nước và 0,24% với khối ngân hàng thương mại cổ phần thì cũng chưa có gì phải lo lắng. Hơn nữa trong hoạt động ngân hàng thì việc điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào ở một vài thời điểm cũng chỉ là để cân đối lại cơ cấu nguồn vốn và điều này là khá bình thường, và không phải cứ lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng.
Về phía NHNN cũng đang nỗ lực đưa ra các giải pháp điều hành đảm bảo duy trì lãi suất ở mức hợp lý. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp, mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 9/2016, một số tổ chức tín dụng đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Như vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh (chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011), phù hợp với mục tiêu điều hành, diễn biến tiền tệ và lạm phát, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền - tổ chức tín dụng và khách hàng vay.
Quan điểm chỉ đạo là NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành lãi suất ổn định, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; đặc biệt quan tâm đến lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.
Nhìn vào số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – một chỉ số đáng quan tâm trong điều hành lãi suất ngân hàng cho thấy CPI tháng 5/2017 giảm 0,53% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 3,19% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,37% so với tháng 12/2016. Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ, có tới 7 nhóm mặt hàng tăng giá không đáng kể, nhưng có tới 4 nhóm mặt hàng giảm giá mạnh.
Với mức CPI như vậy và với những dự báo gần đây cho thấy lạm phát năm nay vẫn trong tầm kiểm soát và lãi suất ngân hàng vẫn có thể ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, rất có thể tới đây, dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng sẽ được Quốc hội thông qua giúp các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu tốt hơn, giảm việc sử dụng nguồn trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, qua đó hỗ trợ cho việc giảm lãi suất.