“OPEC đã chết“
Ả Rập Xê-út sẽ là nước hưởng lợi lớn nhất khi tổ chức đầy quyền lực trên thị trường dầu mỏ này không còn hoạt động.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã chết. Đó là nhận định được CEO Igor Sechin của tập đoàn Rosneft đưa ra mới đây. Người đứng đầu công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga cho rằng thị trường dầu mỏ sẽ bước vào một kỷ nguyên mới, nơi giá dầu được chi phối bởi “tài chính, công nghệ và luật lệ”.
Với những nhà quan sát thị trường năng lượng lâu năm, đây không phải là điều quá bất ngờ.
Nga và OPEC là lâu nay vẫn là đối thủ của nhau mặc dù gần đây hai bên đã có những hợp tác nhất định. Đặc biệt là khi cả hai phải tăng cường sản lượng nhằm duy trì thị phần trước sức ép của các công ty dầu đá phiến ở Mỹ.
Nga chính là nước đã khởi xướng thỏa thuận đóng băng sản lượng với OPEC. Mặc dù một số thành viên nhỏ hơn của OPEC sẵn sàng tham gia đàm phán, lãnh đạo của tổ chức này, Ả Rập Xê-út đã bác bỏ đề xuất của Nga. Ả Rập Xê-út yêu cầu rằng Iran phải tham gia vào thỏa thuận đóng băng sản lượng thì nước này mới đồng ý hợp tác. Điều này làm người Nga “nóng mặt” và Rosneft đã phản đối yêu sách trên của Ả Rập Xê-út.
Riyadh đã nhiều lần khẳng định nước này có thể đợi cho đến khi cuộc khủng hoảng giá dầu chấm dứt. Đúng là thành công của chiến lược đóng băng sản lượng sẽ phụ thuộc vào độ dài của cuộc khủng hoảng, nhưng Ả Rập Xê-út có ngân sách dồi dào hơn Nga. Ả Rập Xê-út cũng có một chương trình phát triển kinh tế mới với trọng tâm là thoát ly khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Ả Rập Xê-út đã nói thẳng rằng họ luôn ưu tiên lợi ích quốc gia so với lợi ích của OPEC. Nước này liên tục sử dụng ảnh hưởng của mình với tư cách là nước xuất khẩu dầu lớn nhất trong tổ chức để áp đặt chính sách lên các nước xuất khẩu nhỏ hơn. Và chính sách của Ả Rập Xê-út, có thể tóm gọn là “bơm càng nhiều càng tốt, đừng để những công ty dầu đá phiến của Mỹ có sức mà thở”, đã không dẫn đến thắng lợi rõ ràng. Chính sách trên đã không làm tăng giá dầu, mà dự kiến sẽ diễn ra sau khi các nhà sản xuất dầu đá phiến bỏ cuộc. Nhưng thực tế là các công ty dầu đá phiến của Mỹ lại sống dai hơn mong đợi.
Ả Rập Xê-út hiểu rằng OPEC đã chết. Tổ chức này đã chạm đến giới hạn của mình. Vào hôm 10/5, CEO của Aramco, công ty dầu lớn nhất của Ả Rập Xê-út cho biết công ty này có kế hoạch tăng sản lượng khí đốt lên hai lần trong 10 năm tới. Aramco đang đặt cược vào khí đốt với lý do xác đáng. Khí đốt là loại hydrocarbon sạch hơn, và khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi và tăng trưởng trở lại, nhu cầu khí đốt sẽ tăng trưởng mạnh, ít nhất là theo Báo cáo thị trường khí đốt trung hạn của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA).
Theo những gì được nêu ra trong kế hoạch tầm nhìn 2030, rõ ràng là Ả Rập Xê-út sẽ không cần OPEC nữa. Nước này sẽ tự vượt qua “cơn nghiện dầu” của mình. Nếu không có Ả Rập Xê-út, chỉ riêng nước này đã bơm 10,27 triệu thùng một ngày (kể từ tháng 4 năm nay), phần còn lại của OPEC nhiều khả năng cũng tan rã theo.
Mặc dù Sechin không luyến tiếc gì viễn cảnh này, sự sụp đổ của tổ thức có ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường dầu mò không hẳn là tin tốt cho Rosneft và Nga. Nếu Ả Rập Xê-út nắm bắt được bí quyết phát triển nguồn dự trữ khí đốt của mình, nước này có thể trở thành một đối thủ nguy hiểm cho ngành khí đốt của Nga và Iran. Nhiều khả năng khí đốt sẽ thay thế vai trò của dầu mỏ trên thị trường năng lượng trong tương lai. Dù thế nào đi chăng nữa, OPEC sẽ không bao giờ lấy lại được vinh quang xưa cũ của mình.