Nga có thể sẽ kiểm soát tới 73% nguồn cung ứng dầu mỏ toàn cầu

Theo baohaiquan.vn

Nga đã đi một nước bài cao tay trong cuộc khủng hoảng dầu hiện nay bằng việc tạo ra một hiệp hội mới nhằm kiểm soát thị trường dầu mỏ toàn cầu, nhưng đó rất có thể là một động thái gây nên thảm họa địa chính trị.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cuộc họp giữa Nga, Qatar, Ả-rập Xê-út và Venezuela vào ngày 16-2-2016 là bước đi đầu tiên trong tiến trình này. Trong cuộc họp tới dự kiến diễn ra vào giữa tháng 3, với sự có mặt của nhiều thành viên hơn, nếu Nga có thể tạo ra một sự đồng thuận chung giữa các quốc gia này, dù là những vấn đề nhỏ nhất, thì Nga sẽ tiếp tục củng cố vị trí “anh cả” của mình trên thị trường dầu mỏ.

Cho đến nay, Ả-rập Xê-út vẫn được xem là quốc gia chuyên xuất khẩu dầu thô. Tuy nhiên, ảnh hưởng của quốc gia này đã bị suy yếu đi nhiều do tác động của sự sụt giảm giá dầu, cùng với việc xuất hiện của đá phiến dầu từ Mỹ. Các quốc gia nhỏ trong khối OPEC đã kêu gọi cắt giảm sản lượng để tăng giá, nhưng cuộc họp cuối cùng của OPEC diễn ra trong tháng 12-2015 đã kết thúc mà không có bất kỳ sự đồng thuận nào.

Trong bối cảnh hiện tại, khi Nga quyết tâm bước vào cuộc đàm phán với các quốc gia OPEC, một bức tranh mới sẽ nổi lên. Với sức mạnh quân sự của mình, Nga có thể đóng vai trò lãnh đạo trong các quốc gia sản xuất dầu mỏ, quyết định việc bình ổn giá dầu.

Ả-rập Xê-út đã từng có một khoảng thời gian dài là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng điều đó đang dần thay đổi. Charles W. Freeman Jr., một cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Riyadh, cho biết, "Chúng tôi đã nhìn thấy những dấu hiệu rạn nứt trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ả-rập, và nó bắt đầu từ trước khi ông Obama lên nắm quyền".

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ả-rập đang tiếp tục xấu đi do Hoa Kỳ quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Iran sau khi kết thúc thỏa thuận hạt nhân với nước này hồi tháng 1, điều mà Ả-rập Xê-út vẫn luôn kịch liệt phản đối. Do vậy, Ả-rập Xê-út đã buộc phải tìm kiếm một đồng minh mới để bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực vùng Vịnh, xem xét cả mối đe dọa quốc gia này phải đối mặt từ Nhà nước Hồi giáo (IS) và Iran. Mặc dù cả Nga và Ả-rập Xê-út đang đối đầu ở Syria, khi Nga ủng hộ nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad, còn Ả-rập Xê-út lại hỗ trợ quân đội nổi dậy người Sunni, song việc sụt giảm liên tục của giá dầu đã mở ra một cơ hội mới cho Nga trở thành đồng minh với Ả-rập Xê-út.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Nga và Ả-rậpXê-út tìm kiếm một sự hợp tác chặt chẽ. Thậm chí vào năm 2013, tờ The Telegraph đã tiết lộ về một nỗ lực để hình thành một thỏa thuận bí mật giữa 2 quốc gia này, tuy nhiên sau đó đã không thể đi đến thống nhất chung. Iran vốn là một đồng minh đáng tin cậy của Nga trong một thời gian dài, và nếu Nga có thể làm trung gian trong một thỏa thuận giữa Iran và Ả-rập Xê-út, Nga còn có thể tiếp cận được một loạt các bí mật được thỏa thuận ngầm trong khối OPEC.

Việc “đóng băng” sản lượng dầu là điều đã được các quốc gia bàn đến trong tháng 1, trong bối cảnh Nga, Ả-rập Xê-út và hầu hết các quốc gia khác trong khối đang cung dầu mỏ ở mức cao gần kỷ lục. Trưởng đại diện về nghiên cứu hàng hóa của Barclays, Kevin Norrish cho biết "điều quan trọng cần lưu ý", đó là sản lượng dự kiến từ Nga, Qatar hoặc Venezuela năm nay sẽ không tăng. Vấn đề bây giờ phụ thuộc vào quyết định cung dầu mỏ từ Ả-rập Xê-út, theo tạp chí Forbes.

Mặc dù Iran không cam kết “đóng băng” sản xuất dầu, vì quốc gia này muốn thúc đẩy sản lượng từ khi vướng phải lệnh trừng phạt. Bộ trưởng Năng lượng Nga, ông Aleksander Novak nhận định rằng: "Iran là một trường đặc biệt khi quốc gia này đang có mức sản lượng thấp nhất. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, nên có những cách tiếp cận riêng, với giải pháp riêng biệt".

Nếu tất cả các quốc gia lớn trong khu vực vùng Vịnh đồng ý với kế hoạch của Nga, thì Iraq, dù chính trị đang bất ổn, cũng sẽ có khả năng theo phe Nga nếu quốc gia này được hỗ trợ nhiều hơn trong cuộc chiến chống IS.

Nếu kịch bản trên xảy ra, Nga sẽ nổi lên là nhà lãnh đạo đứng đầu của các quốc gia sản xuất dầu lớn nhất trên thế giới, chiếm tới gần 73% trữ lượng cung cấp dầu mỏ toàn cầu.

Cùng với đó, Nga đang đi tiên phong trong kế hoạch bỏ đồng đô la trong giao dịch dầu mỏ, và hình thành các hiệp ước với các quốc gia khác nhau để giao dịch dầu bằng đồng nội tệ. Với hiệp hội mới được hình thành (nước Nga và các quốc gia OPEC), việc dỡ bỏ đồng đô la trong giao dịch dầu mỏ sẽ sớm trở thành hiện thực.

Nước Nga vốn rất “thông minh”. Còn Vladimir Putin là một thiên tài. Moscow đã nắm bắt được cơ hội khi giá dầu thô thấp và tận dụng bối cảnh này để thay đổi địa vị chính trị của mình trên thế giới.

Nếu giải pháp cho tình hình ở Syria được hoan nghênh, một hiệp hội mới bao gồm các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất trên thế giới được hình thành, với Nga là quốc gia đứng đầu sẽ gây nên “nỗi thất vọng lớn” với các quốc gia khác khi tình hình chính trị vốn đang cân bằng. Với tiềm lực mạnh, cuộc họp vào giữa tháng 3 tới của hiệp hội này rất có thể sẽ quyết định tới việc cắt giảm sản xuất dầu và nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.