OPEC không nhân nhượng trong cuộc chiến giành thị phần
(Taichinh) - Sau phiên họp cuối tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã quyết định tiếp tục duy trì sản lượng hiện nay bất chấp sự sụt giảm liên tiếp của giá dầu. Dường như các nước giàu dầu mỏ kiên quyết không nhân nhượng trước dầu đá phiến của Mỹ trong cuộc chiến giành thị phần năng lượng thế giới.
Giá dầu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục xấp xỉ 30 - 40USD/thùng vào cuối năm 2014, đầu năm 2015. Trong vài tháng, giá dầu đã có lúc giảm tới 60%. Nguyên nhân chính là tình trạng dư thừa nguồn cung do sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng vọt và nhu cầu thấp từ các nước châu Âu. Tuy nhiên, giới chức OPEC nhận định, giá dầu sẽ đạt 70USD/thùng và ổn định ở mức này vào đầu năm 2016. Đó có lẽ là lý do khiến tổ chức này quyết định giữ nguyên mức trần sản lượng 30 triệu thùng/ngày. Trước đó, đã có nhiều đồn đoán rằng OPEC sẽ giảm sản lượng chung để đẩy giá dầu lên mức 100USD/thùng. Nhưng OPEC cho biết họ muốn để thị trường phục hồi một cách tự nhiên. Bộ trưởng Dầu mỏ Ảrập Xêút cho rằng, trên thực tế nhu cầu đang tăng còn nguồn cung thì chậm lại, và thị trường đang ổn định.
Nguồn: Economist |
OPEC hiện cung cấp tới 30% sản lượng dầu thô cho thị trường thế giới và các nước thành viên tổ chức này tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong điều kiện thị trường hiện nay. Theo nhà phân tích năng lượng cấp cao Myrto Sokou đến từ trung tâm môi giới Sucden ở London, không thể nói rằng OPEC đang mất dần ảnh hưởng về giá dầu mỏ trước sự lấn át của sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ. Trái lại, tổ chức này vẫn giữ tiếng nói quyết định. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một thực tế là, dầu đá phiến của Mỹ trong những tháng qua thực sự đã thách thức ngành khai thác dầu mỏ và giới phân tích thị trường không thể không cân nhắc tới tương lai ngắn hạn.
Hiện nay, sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ ước khoảng 5 triệu thùng/ngày, giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Trung Đông.
Chia sẻ quan điểm với ông Sokou, chuyên gia phân tích Thomas Pugh của Capital Economics commodities cho rằng, sẽ là không hoàn toàn chính xác nếu nói rằng OPEC đang mất vị thế của mình trước Mỹ. Chủ thể tác động tới sản lượng của hai loại năng lượng này là hoàn toàn khác nhau. Trong khi OPEC có thể đưa ra các quyết định chiến lược về sản lượng để lũng đoạn giá thì sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ do hàng trăm công ty nhỏ kiểm soát. Đây cũng là những chủ thể quản lý sản lượng dựa trên các điều kiện thị trường. Theo chuyên gia này, rõ ràng OPEC vẫn là thế lực lớn hơn kiểm soát thị trường năng lượng thế giới. Tuy nhiên, với đà hiện nay, Washington sẽ lớn mạnh hơn rất nhiều.
OPEC luôn đánh giá thấp cuộc cách mạng năng lượng dầu đá phiến của Mỹ và tự tin có thể dành ưu thế trong cuộc chiến giành thị trường. Theo công ty dịch vụ dầu khí hàng đầu của Mỹ Baker Hughes, trong khi số lượng các giếng dầu của Mỹ đang hoạt động phải thu hẹp đáng kể thì các thành viên OPEC lại có xu hướng tăng số giếng khai thác. Theo chuyên gia của Tập đoàn City Group, Ảrập Xêút thậm chí còn có số thiết bị khoan hút hoạt động ở mức cao nhất trong lịch sử, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) và Kuwait cũng đang trong xu thế tăng mạnh.
Giá dầu hạ góp phần tích cực thúc đẩy tiêu dùng và sử dụng dầu thô. Tuy nhiên, sản lượng hiện nay là quá cao, cung lớn hơn cầu khoảng 2 triệu thùng/ngày. Với sản lượng áp đảo, cho dù OPEC vẫn vượt trội trong cuộc cạnh tranh giành thị phần, song chiến thắng này chỉ là điểm khởi đầu cho một cuộc chiến trong tương lai.