Phải đưa công nghiệp trở thành đầu tàu tăng trưởng bền vững và đủ sức cạnh tranh

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) 2014 là năm khá đặc biệt khi các chỉ số kinh tế - xã hội quan trọng đều đạt kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, ngành công nghiệp có nhiều tín hiệu khả quan và đã trở thành đầu tàu tăng trưởng cho nền kinh tế nước ta.

Công nghiệp trở thành đầu tàu tăng trưởng cho nền kinh tế nước ta. Nguồn: internet
Công nghiệp trở thành đầu tàu tăng trưởng cho nền kinh tế nước ta. Nguồn: internet

Tín hiệu khả quan của công nghiệp năm 2014 biểu hiện ở tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng tương đối rõ rệt qua các quý trong năm. Quý I tăng 5,2%, quý II tăng 6,4%, quý III tăng 8,5% và quý IV tăng khoảng 9%. Do đó, tốc độ tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm nay đã cao hơn của 3 năm trước và cao hơn tốc độ tăng bình quân của 3 năm đó (6,3%).

Một tín hiệu tích cực khác là công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng khá cao (8,7%), cao hơn 2 năm trước (năm 2012 tăng 5,5%, năm 2013 tăng 7,6%). Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mở ra cơ hội tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa, sản phẩm của nước ta, giảm dần tình trạng gia công, giá trị gia tăng thấp như thời gian qua. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến, chế tạo còn có ý nghĩa quan trọng khác là một động lực để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Bởi theo tiêu chuẩn chung của thế giới, để được công nhận là một quốc gia công nghiệp, thì bắt buộc công nghiệp chế biến, chế tạo phải đạt một tỷ trọng nhất định trong tổng giá trị toàn ngành. Một số quốc gia phát triển trên thế giới chưa được công nhận là nước công nghiệp bởi tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo chưa đạt yêu cầu này. 

Tốc độ tăng tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo tại thời điểm gần đây đã giảm so với cùng thời điểm các tháng trước. Doanh nghiệp đăng ký mới đã tăng lên về số lượng, số vốn; số doanh nghiệp trở lại hoạt động cũng tăng lên... Những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động đều có sản phẩm tiêu thụ khá, với mức tăng trưởng cao. Trong đó, ngành dệt may tăng với tốc độ cao gấp 2,6 lần tốc độ tăng chung, và lần đầu tiên đã trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai, vượt qua mốc 20 tỷ USD. Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tốc độ tăng gần gấp ba lần tốc độ tăng chung, nhờ xuất khẩu giày dép các loại 11 tháng đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng tới 23,7% so với cùng kỳ năm trước, khả năng cả năm 2014 lần đầu tiên sẽ vượt qua mốc 10 tỷ  USD.

Trong điều kiện kinh tế trong nước, thế giới khó khăn, thì việc công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu cao là những kết quả cần được ghi nhận. Nhưng chúng ta chưa thể yên tâm với thành tích này, vì theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á. Hiện chỉ 36% số doanh nghiệp nước ta tham gia vào mạng lưới sản xuất, bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp, trong khi tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là 60%. Mà thông thường, để tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu, thì không còn cách nào khác phải là những đơn vị sản xuất công nghiệp có đủ sức cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn của tập đoàn, tổng công ty lớn trên thế giới. Nói cách khác, thành tích tăng trưởng của công nghiệp trong năm 2014 chưa thật bền vững.

Thực tế, cơ cấu sản xuất công nghiệp nước ta hiện còn mang nặng tính gia công, lắp ráp. Tỷ lệ sử dụng linh kiện trong nước của các nhà lắp ráp tại nước ta đối với công nghiệp công nghệ cao mới đạt 10%, sản xuất thiết bị đồng bộ đạt 20%, ô tô đạt 15 - 40%... Điều này khiến giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trong nước chỉ bằng gần 50% so với doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, nhập siêu sản phẩm công nghiệp trong năm 2014 cũng hoàn toàn do khu vực kinh tế trong nước. Như vậy, thành tích tăng trưởng công nghiệp của nước ta không nằm ở doanh nghiệp nội địa, mà chủ yếu ở doanh nghiệp FDI và chưa bền vững. 

Mục tiêu trở thành nước công nghiệp đang đến gần, nhưng hai tiêu chí quan trọng để xác định quốc gia công nghiệp là công nghiệp chế biến và chế tạo của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Sản xuất còn phụ thuộc vào máy móc, linh kiện, thiết bị nhập khẩu. Lý giải cho những hạn chế này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, chính sách phát triển những lĩnh vực này đã có, song tính pháp lý còn thấp và thiếu đồng bộ. Tuy nhiên, kinh nghiệm tại nhiều quốc gia phát triển cho thấy, trong các luật về thuế, về khoa học - công nghệ, về môi trường... cũng có thể đưa ra chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp. Thực tế, trong Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, các luật về thuế, Luật Đất đai... đều đưa ra nhiều quy định để khuyến khích đầu tư vào công nghiệp. Do vậy, phải sớm nhìn ra hệ thống chính sách để tạo động lực cho công nghiệp phát triển, có thể trở thành đầu tàu tăng trưởng bền vững, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.