Phân biệt hợp đồng điện tử và hợp đồng thông thường
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy sự phát triển của mạng Internet và các thiết bị điện tử, dẫn đến nhu cầu ứng dụng các phương tiện này trong các giao dịch dân sự ngày càng trở nên phổ biến thông qua việc ký kết các hợp đồng điện tử. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết rằng mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cần phải hiểu rõ hơn về hợp đồng điện tử. Bài viết này nhằm mục đích đưa ra một số tiêu chí giúp phân biệt hợp đồng điện tử và hợp đồng truyền thống trên góc độ pháp luật.
Về văn bản pháp luật điều chỉnh
Hợp đồng thông thường được điều chỉnh chủ yếu bởi Bộ Luật dân sự cùng với các văn bản hướng dẫn bộ luật này và các luật chuyên ngành tương ứng với từng loại hợp đồng trong các lĩnh vực cụ thể. Bộ Luật dân sự 2015 hiện hành quy định cụ thể các vấn đề chung nhất trong giao kết và thực hiện hợp đồng bao gồm: nguyên tắc giao kết, thực hiện hợp đồng; chủ thể thực hiện; địa điểm, thời điểm giao kết hợp đồng; hiệu lực của hợp đồng....
Trong khi đó, mặc dù hợp đồng điện tử cũng chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật dân sự và các văn bản chuyên ngành đối với từng hợp đồng cụ thể, tuy nhiên, sự điều chỉnh này chỉ giới hạn về nội dung của hợp đồng. Ngoài ra, Luật giao dịch điện tử là văn bản điều chỉnh các vấn đề về nguyên tắc giao kết, thực hiện; kỹ thuật xác lập, thực hiện và lưu trữ thông tin;... của hợp đồng điện tử.
Về chủ thể giao kết hợp đồng
Trong giao kết hợp đồng điện tử, chủ thể giao kết không chỉ bao gồm hai chủ thể tham gia giao kết hợp đồng truyền thống, tức bên đề nghị giao kết hợp đồng và bên chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mà còn một bên thứ ba đóng vai trò thiết yếu, đảm bảo các bên có thể thực hiện thuận lợi, thành công việc giao kết hợp đồng điện tử.
Đó là các chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, tổ chức cung cấp dịch vụ mạng và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử. Các cá nhân, tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình giao kết hợp đồng điện tử bao gồm thực hiện việc gửi, nhận và lưu trữ thông tin giữa các bên trực tiếp tham gia giao kết hợp đồng, cung cấp những thông tin cần thiết để xác nhận độ tin cậy và tính xác thực của thông điệp dữ liệu trong giao kết hợp đồng điện tử. Mặc dù “không tham gia vào quá trình đàm phán, giao kết hay thực hiện hợp đồng điện tử ”, tuy nhiên, vai trò của các chủ thể này trong giao kết hợp đồng điện tử là không thể thiếu bởi họ tham gia vào quá trình này với tư cách là chủ thể trung gian hỗ trợ các bên tìm hiểu, kết nối, trao đổi thông tin với nhau một cách nhanh chóng, hiệu quả mà vẫn đảm bảo được tính bảo mật và giá trị pháp lý cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng.
Việc giao kết, thực hiện hợp đồng điện tử có thể xảy ra hoàn toàn thông qua mạng Internet và các bên tham gia hợp đồng có thể không trực tiếp gặp mặt nhau trong suốt quá trình giao kết đến khi thực hiện xong hợp đồng.
Vì vậy, nhu cầu giao kết hợp đồng điện tử trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay đặt ra một yêu cầu tất yếu rằng địa vị pháp lý của các chủ thể này phải được pháp luật quy định vô cùng chặt chẽ. Đồng thời, việc có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động của các bên thứ ba này là vô cùng cần thiết bởi sự phát triển của các chủ thể này sẽ “tỷ lệ thuận ” với tính minh bạch, hiệu quả và giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử.
Về hình thức giao kết và hình thức thể hiện của hợp đồng
Hợp đồng dân sự truyền thống được giao kết thông qua ba hình thức là lời nói, hành vi và văn bản. Ngoài một số giao dịch được pháp luật dân sự quy định bắt buộc về hình thức, các bên có thể tự do thỏa thuận để lựa chọn một trong ba hình thức này để giao kết hợp đồng. Trái với hợp đồng truyền thống, hình thức giao kết của hợp đồng điện tử bị giới hạn bởi việc giao kết hợp đồng điện tử chỉ có thể thông qua các phương tiện điện tử. Các bên chủ thể tham gia giao kết có thể không trực tiếp gặp mặt nhau để thực hiện việc giao kết hợp đồng điện tử, do đó, phương thức giao kết bằng lời nói hay hành vi là không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, khác với hợp đồng truyền thống được giao kết bằng văn bản, hợp đồng điện tử chỉ tồn tại dưới dạng thông điệp dữ liệu, nội dung của hợp đồng được hiển thị với người đọc thông qua các phương tiện điện tử như máy tính, điện thoại thông minh... mà không tồn tại hữu hình như một văn bản in giấy trắng mực đen.
Pháp luật Việt Nam hiện hành đã ghi nhận những thông điệp dữ liệu này có giá trị pháp lý tương đương với văn bản giấy truyền thống. Ngoài ra, nếu pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng hoặc chứng thực, thông điệp dữ liệu cũng được coi là đáp ứng yêu cầu nếu được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Điều này đã tháo gỡ những mối lo ngại về rủi ro pháp lý và tính đảm bảo thực hiện của hợp đồng điện tử của các chủ thể thực hiện các giao dịch dân sự thông qua hợp đồng điện tử.
Về chữ ký của các bên tham gia giao kết hợp đồng
Chữ ký trong hợp đồng có vai trò quan trọng, thể hiện sự tự nguyện đồng thuận và cam kết giữa các bên tham gia, là bằng chứng xác minh danh tính cũng như năng lực chủ thể của các bên tham gia giao kết hợp đồng. Đối với hợp đồng văn bản truyền thống, việc các cá nhân trực tiếp giao kết hợp đồng có thể thực hiện ký bằng cách điểm chỉ, đóng dấu... hoặc chữ ký tay để thể hiện sự đồng thuận đối với toàn bộ các điều khoản của hợp đồng. Hơn nữa, chữ ký còn là điều kiện cần để xác định hiệu lực của một số loại hợp đồng khi pháp luật dân sự quy định rằng hợp đồng đó chỉ có hiệu lực khi các bên ký vào văn bản.
Thay vì chữ ký tay như hợp đồng giấy truyền thống, hợp đồng điện tử được các bên tham gia giao kết xác nhận thông qua chữ ký điện tử. Đây cũng là một đặc trưng để nhận diện hợp đồng điện tử so với hợp đồng thông thường. Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu để xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu. Điều này có nghĩa, bản thân toàn bộ hợp đồng điện tử bao gồm cả chữ ký điện tử đều tồn tại “ảo”. Bởi lẽ đó, việc công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử là điều đương nhiên.
Tuy vậy, cần lưu ý rằng, chữ ký điện tử cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác minh danh tính, năng lực chủ thể và sự đồng thuận của các bên tham gia hợp đồng nên pháp luật về hợp đồng điện tử phải đặt ra các điều kiện để chữ ký điện tử tồn tại hợp pháp, đảm bảo chúng có thể thực hiện được chức năng, vai trò nêu trên. Pháp luật Việt Nam hiện nay cũng đã có các quy định hướng dẫn chi tiết về vấn đề này, theo đó, giá trị pháp lý của chữ ký điện tử cũng được công nhận tương đương với chữ ký tay khi đã đáp ứng đủ các điều kiện luật định...
Tài liệu tham khảo:
- Trần Văn Biên, “Những vấn đề khác biệt trong giao kết hợp đồng điện tử”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 11/2018;
- Quốc hội, Bộ Luật dân sự 2015, Khoản 1 Điều 119;
- Quốc hội, Luật giao dịch điện tử 2023, Điều 8.
* Khoa Luật, Trường Đại học Luật Hà Nội