Chuyển đổi kinh tế xanh tại Việt Nam năm 2024 và xu hướng năm 2025


Năm 2024 đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh tại Việt Nam, nhất là ở các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và giao thông xanh.

Năm 2024 đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh tại Việt Nam. Ảnh minh họa.
Năm 2024 đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh tại Việt Nam. Ảnh minh họa.

Chuyển đổi kinh tế xanh tại Việt Nam trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam đã tiếp tục củng cố cam kết về phát triển kinh tế xanh, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường.

Chính phủ đã tích cực triển khai các chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy kinh tế xanh và hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững theo các cam kết quốc tế.

Năm 2024, Việt Nam tiếp tục gia tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời và gió. Trước đây, năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai do chi phí đầu tư cao, tuy nhiên những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đã giúp thúc đẩy thị trường này.

Việt Nam đã đạt được bước tiến lớn trong việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời và gió, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, nơi có tiềm năng tài nguyên dồi dào.

Ngoài ra, ngành Giao thông Việt Nam cũng đang chuyển mình với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện giao thông xanh. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ xe điện, xe buýt điện và các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo.

Các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai các tuyến xe buýt điện, mở rộng hệ thống giao thông công cộng, giảm thiểu ô nhiễm không khí và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp cũng là một trong những ngành trọng điểm trong chuyển đổi kinh tế xanh. Nông nghiệp hữu cơ và sản xuất nông sản sạch đang ngày càng trở thành xu hướng tại Việt Nam, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo phát triển bền vững.

Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị và sản lượng của các sản phẩm nông sản Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp sẽ được đánh giá cao khi có nhà xưởng, khu công nghiệp xanh, có quy trình sản xuất xanh, tiêu tốn ít năng lượng và tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu phát thải, thân thiện với môi trường, điều kiện làm việc và hệ thống phúc lợi tốt cho người lao động.

Thách thức trong chuyển đổi kinh tế xanh

Sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường thời gian qua đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã lấy chuyển đổi xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh...

Tuy vậy, sự thay đổi này diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, trong khi đó, số lượng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam chiếm phần lớn nhưng chưa có sự thay đổi rõ rệt.

Đáng chú ý, chuyển đổi xanh mới chỉ chiếm khoảng 5% nền kinh tế, trong khi kinh tế nâu (dựa vào năng lượng hóa thạch) vẫn chiếm 95%.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững do hạn chế về kinh nghiệm, vốn và công nghệ...

Dù chuyển đổi xanh mang lại cơ hội và lợi ích, thế nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tại Việt Nam, như vấn đề tài chính, nhận thức về lợi ích dài hạn và chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế, mặc dù đã có những bước tiến lớn nhưng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít thách thức.

Trong đó, vấn đề tài chính là một khó khăn lớn. Các dự án chuyển đổi năng lượng xanh, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, đòi hỏi một nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn này tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Thời gian qua, dù đã có những chính sách ưu đãi tín dụng xanh nhưng vẫn cần thêm các cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ hơn để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tín dụng xanh là hình thức cung cấp vốn cho các dự án và hoạt động có lợi cho môi trường, như năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và xử lý chất thải. Mục tiêu của tín dụng xanh là hỗ trợ các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Nguồn vốn từ tín dụng xanh giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, giảm chi phí, tạo ra sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Tín dụng xanh sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi các vấn đề môi trường ngày càng được chú trọng, và các quốc gia, đối mặt với áp lực từ cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

Với sự phát triển của công nghệ và sáng kiến tài chính mới, tín dụng xanh sẽ trở thành công cụ quan trọng trong thúc đẩy các dự án bền vững và đáp ứng cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

Thêm vào đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ xanh cũng là một thách thức lớn.

Các doanh nghiệp và tổ chức cần phải đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để triển khai các giải pháp công nghệ mới và đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh.

Sự chuyển đổi trong các ngành công nghiệp truyền thống, như sản xuất xi măng, thép và hóa chất, những ngành này hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam.

Việc chuyển đổi các ngành công nghiệp này sang mô hình xanh đòi hỏi không chỉ sự đầu tư lớn mà còn yêu cầu sự thay đổi trong quy trình sản xuất và tư duy quản lý.

Theo Bích Ngọc/kinhtemoitruong.vn