Phân cấp quản lý tài sản công: "Trao quyền" mạnh cho địa phương để khơi thông nguồn lực phát triển

Gia Hân

Cải cách hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đang là một trong những trọng tâm chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước. Trong bối cảnh đó, Dự thảo Nghị định quy định về phân cấp thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, đã thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" trong quản lý công sản. Dự thảo không chỉ hướng đến tinh gọn thủ tục mà còn kỳ vọng khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển.

Dự thảo Nghị định hướng đến đẩy nhanh tiến độ giải quyết các điểm nghẽn liên quan đến việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công.
Dự thảo Nghị định hướng đến đẩy nhanh tiến độ giải quyết các điểm nghẽn liên quan đến việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công.

Mua bảo hiểm tài sản công: Nhanh gọn hơn tại địa phương

Một trong những nội dung trọng tâm của Dự thảo là vấn đề phân cấp quản lý nhà nước trong quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tại Dự thảo, Bộ Tài chính đã cụ thể hóa việc chuyển giao nhiều thẩm quyền quan trọng từ các cơ quan Trung ương (bao gồm cả Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính) xuống chính quyền cấp tỉnh, đặc biệt là UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

 

Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến rộng rãi cho Dự thảo Nghị định quy định về Phân cấp thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên cơ sở thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị về triển khai phân cấp, phân quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và Kế hoạch của Chính phủ về xây dựng các nghị định tương ứng.

Thay vì phải qua nhiều cấp phê duyệt như trước đây, Dự thảo giao thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương và Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong phạm vi quản lý của địa phương. Điều này được kỳ vọng sẽ cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết. Quy định rõ ràng thời hạn xử lý hồ sơ, đó là cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định hoặc có văn bản phản hồi trong vòng tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Đồng thời, thẩm quyền ban hành Danh mục tài sản cụ thể phải mua bảo hiểm cho rủi ro bão, lũ, lụt cũng được giao cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương và UBND cấp tỉnh trong phạm vi quản lý của mình.

Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý

Trước thực tế việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công phức tạp và kéo dài, Dự thảo Nghị định phân cấp thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 03/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương phê duyệt phương án đối với nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan mình, và UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án đối với nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Việc phân cấp này nhằm đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ điểm nghẽn trong quản lý nhà, đất công.

Một điểm nữa cũng rất đáng chú ý trong Dự thảo mà Bộ Tài chính xây dựng chính là quy định UBND cấp tỉnh sẽ thực hiện nhiều thẩm quyền và quyền hạn mà trước đây thuộc về HĐND cấp tỉnh theo quy định tại nhiều Nghị định hiện hành. Sự điều chỉnh này cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong phân công nhiệm vụ, tạo sự chủ động, linh hoạt và tập trung hơn cho cơ quan hành pháp ở địa phương trong việc quản lý tài sản công.

Không chỉ tài sản tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, Dự thảo Nghị định còn đẩy mạnh phân cấp trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thuộc nhiều lĩnh vực như hàng không, giao thông đường bộ, chợ, thủy lợi, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải, cũng như tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng vốn nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Nhiều trường hợp trước đây phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính nay được phân cấp thẩm quyền quyết định cho các Bộ, cơ quan Trung ương và đặc biệt là UBND cấp tỉnh/Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Việc phân cấp triệt để các nhiệm vụ giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với chính quyền địa phương như Dự thảo quy định được kỳ vọng sẽ cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt các cấp phê duyệt không cần thiết, từ đó nâng cao hiệu quả và tính khả thi trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Mục tiêu lớn nhất là khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và tổ chức.

 

Theo Tờ trình Dự thảo, việc ban hành Nghị định này được xem là cần thiết và cấp bách nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Cơ sở để xây dựng Nghị định bao gồm các Nghị quyết và Kết luận quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị như Nghị quyết số 60-NQ/TW, Kết luận số 21/KL-TW…