Phân cấp rõ ràng trong quản lý tài sản công
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật sửa 7 Luật lĩnh vực tài chính sáng 7/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã làm rõ nhiều nội dung đại biểu quan tâm liên quan đến thẩm quyền quản lý tài sản công, chào bán trái phiếu, kiểm toán viên hành nghề kiểm toán...
Thảo luận tại hội trường sáng 7/11, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia để thể chế hóa chủ trương của Đảng.
Dự án Luật này còn giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cấp thiết cần sửa đổi ngay trong lĩnh vực tài chính, ngân sách. Từ đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, ngân sách nhà nước và các nguồn lực ngoài Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kế toán, kiểm toán độc lập, quản lý thuế, quản lý thị trường chứng khoán...
Thay đổi toàn diện về thẩm quyền quản lý tài sản công
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề thẩm quyền điều động, quản lý, phê duyệt tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sửa đổi. Giải trình về nội dung này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, lần sửa đổi này đã thay đổi toàn diện về thẩm quyền.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trước đây, Bộ Tài chính phê duyệt điều chuyển các tài sản nhưng dự thảo luật lần này phân cấp nhiều hơn, những tài sản thuộc tỉnh thì HĐND tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ, giao UBND tỉnh điều hành quản lý. Đối với tài sản của các bộ, ngành, Bộ trưởng quyết định.
Theo đó, Bộ Tài chính chỉ quyết định những vấn đề tài sản điều từ ngành này sang ngành khác, địa phương này sang địa phương khác, từ địa phương lên Trung ương hoặc ngược lại... Tài sản an ninh quốc phòng thì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Còn lại vấn đề quản lý điều hành được phân cấp rất rõ ràng.
Liên quan đến tài sản liên doanh liên kết, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết, nội dung này đã được quy định rõ tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công, đối với tài sản là đất đai thì thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai. Các đơn vị sự nghiệp có quyền liên doanh liên kết để thực hiện các dịch vụ theo chức năng nhiệm vụ nhưng không được làm mất tài sản công, mất đất.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng lấy ví dụ như một doanh nghiệp liên doanh với đơn vị sự nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng sẽ có hợp đồng thống nhất với nhau sau bao nhiêu năm thì hoàn thành. Sau khi hoàn thành hợp đồng thì trả lại đất, tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập vì đây là tài sản công.
Áp dụng xếp hạng tín nhiệm khi chào bán trái phiếu
Thảo luận về Luật Chứng khoán sửa đổi, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đề nghị bổ sung điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp, thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của Chính phủ.
Làm rõ nội dung này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết, trước đây cơ quan soạn thảo đã đưa nội dung này vào dự thảo Luật, sau đó tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, doanh nghiệp, Chính phủ đã họp thống nhất không cần quy định này vì nếu quy định như vậy sẽ thu hẹp, ảnh hưởng thị trường chứng khoán hiện nay. Do đó, sẽ thực hiện đánh giá theo thông lệ quốc tế là xếp hạng tín nhiệm đối với phát hành ra công chúng và tăng cường thanh tra, kiểm tra để hạn chế rủi ro.
Quan tâm đến trách nhiệm của kiểm toán viên và vai trò của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, tại phiên thảo luận, đại biểu Thái Thị An Chung - Nghệ An kiến nghị, để hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán, đồng thời tăng cường vai trò và trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp, cần bổ sung quy định kiểm toán viên đăng ký hành nghề kiểm toán phải là hội viên của một tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, các hội kiểm toán là hội tự nguyện, tự đảm bảo kinh phí hoạt động, chủ yếu bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ về nghiệp vụ đối với thành viên. Do đó, kiểm toán viên không nhất thiết phải là thành viên của hội bởi nếu cần thiết họ sẽ tự nguyện tham gia, không nên bắt ép.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cảm ơn các ý kiến đóng góp của đại biểu và cho biết sẽ tiếp thu tối đa để tiếp tục hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội ban hành.