Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

Phân công rõ, phân cấp mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh

Đức Mạnh

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được "thiết kế" theo hướng đảm bảo phân công rõ, phân cấp mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không làm mở rộng thêm đối tượng quản lý so với hiện nay.

Quang cảnh toạ đàm.
Quang cảnh toạ đàm.

Chiều 15/8, Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), buổi tọa đàm nhằm lấy ý kiến đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước chuyên sâu về lĩnh vực tài chính gồm: SCIC, Tập đoàn Bảo Việt... có rất nhiều đặc thù. Do đó, Cục trưởng Bùi Tuấn Minh đề nghị các đại biểu trao đổi, góp ý thẳng thắn, đi trực diện vào các nội dung tại dự thảo luật.

Tại toạ đàm, ông Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC kiến nghị, Ban soạn thảo lưu ý việc tiếp tục tách bạch chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước tại doanh nghiệp sâu hơn, toàn diện, triệt để hơn. Đồng thời, phân định rõ hơn doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước.

“Đối với doanh nghiệp cấp 2 nghiên cứu phân cấp những nội dung nào, như phê duyệt chiến lược, đề án tái cơ cấu, giao nhiệm vụ hàng năm có thể xin thêm ý kiến chủ sở hữu. Còn đối với các nội dung về chủ trương đầu tư, tăng giảm vốn hay quản lý các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp cấp 2 có thể giao, phân cấp cho người đại diện và hội đồng thành viên, hội đồng quản trị của doanh nghiệp này”, ông Nguyễn Chí Thành kiến nghị.

Liên quan đến đối tượng áp dụng, theo dự thảo, đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, bao gồm: doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp”. Quy định này nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, nhà nước thực sự đóng vai trò là chủ sở hữu vốn, nhà đầu tư vốn, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, đảm bảo phân công rõ, phân cấp mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không làm mở rộng thêm đối tượng quản lý so với hiện nay.

Đây cũng chính là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam Lê Văn Thanh cho biết, ông đồng ý với phương án “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ” để phù hợp với Điều 88 của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Ông Lê Văn Thanh cho biết, theo dự thảo, phạm vi doanh nghiệp quy định đến tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp.

Đồng quan điểm, ông Tạ Hữu Doanh - Trưởng ban Tổng hợp – Pháp chế, Tập đoàn Dệt may cho biết, dự thảo lần này so với luật hiện hành đã tách bạch các nhóm doanh nghiệp, doanh nghiệp F1 do Nhà nước trực tiếp nắm giữ vốn, doanh nghiệp F2 do doanh nghiệp F1 nắm giữ vốn giúp cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp F2 nên xác định rõ ràng, cụ thể hơn. Tập đoàn ủng hộ quan điểm về đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác (F2) là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ. Vì doanh nghiệp F1 đầu tư tới doanh nghiệp F2, nếu sở hữu ít cổ phần sẽ không được quyền chi phối, quyết định doanh nghiệp F2, các quyết định chỉ đạo từ F1 xuống F2 rất khó thực hiện.

Làm rõ thêm một số nội dung tại Toạ đàm, ông Bùi Tuấn Minh cho biết, dự thảo Luật đi theo hướng chỉ quản lý theo dòng vốn chứ không quản lý pháp nhân doanh nghiệp. Theo đó, Nhà nước, Chính phủ chỉ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.

Liên quan đến Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, Cục trưởng cho rằng cần khẳng định rõ đây không phải là của doanh nghiệp. Quỹ được hình thành từ lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận này là của chủ sở hữu. Quỹ đầu tư để tại doanh nghiệp thuộc quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu. Bên cạnh đó, về thẩm quyền đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quyết định các dự án đầu tư của doanh nghiệp, các cấp như Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư còn hoạt động quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư giao cho doanh nghiệp, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp.