Ngành Hải quan:

Phấn đấu “giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ luồng vàng”

PV.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, ngay từ đầu năm 2023, Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện các giải pháp, bước đầu tỷ lệ luồng đỏ, vàng đã được cải thiện đáng kể...

Cục Quản lý rủi ro thường xuyên rà soát, đánh giá điều chỉnh áp dụng theo mức độ tuân thủ doanh nghiệp
Cục Quản lý rủi ro thường xuyên rà soát, đánh giá điều chỉnh áp dụng theo mức độ tuân thủ doanh nghiệp

Năm 2023, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Hải quan là “Nâng cao chất lượng công tác phân tích đánh giá rủi ro, đảm bảo giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ và giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng”. Thực hiện nhiệm vụ này, Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục để triển khai thực hiện các giải pháp, bước đầu tỷ lệ luồng đỏ, vàng đã được cải thiện đáng kể

Chủ động để xuất các giải pháp giảm tỷ lệ luồng vàng và luồng đỏ

Được biết, năm 2022, toàn ngành Hải quan áp dụng khoảng 1 triệu tiêu chí các loại đảm bảo thông quan 14,5 triệu tờ khai với tỷ lệ luồng đỏ 4,09%; tỷ lệ luồng vàng 30,5% và tỷ lệ luồng xanh 65,41%. So sánh với năm 2021, tỷ lệ luồng đỏ giảm 1,29%; tỷ lệ luồng vàng tăng 0,3%; tỷ lệ luồng xanh tăng 0,99%.

 Nguyên nhân phân luồng đỏ toàn quốc do tiêu chí quy định chiếm 16,75%; tiêu chí quản lý chiếm 50,61% trong đó tiêu chí quản lý cấp Tổng cục chiếm 49,62% và tiêu chí quản lý cấp Cục chiếm 0,99%; tiêu chí phân tích chiếm 5,75% trong đó tiêu chí phân tích cấp Tổng cục chiếm 2,87% và tiêu chí phân tích cấp Cục chiếm 2,88%; tiêu chí xếp hạng doanh nghiệp chiếm 16,31% và chuyển luồng chiếm 10,58%.

 Nguyên nhân phân luồng vàng toàn quốc do tiêu chí quy định theo chính sách quản lý của các Bộ quản lý chuyên ngành chiếm 50,74%; tiếp theo là tiêu chí quản lý theo các văn bản tăng cường kiểm tra của pháp luật thuế, pháp luật hải quan (24,06%) trong đó theo pháp luật hải quan, pháp luật thuế chiếm 44,71%; tiêu chí Hạng doanh nghiệp 13,31%; tiêu chí danh mục hàng hóa rủi ro chiếm 11,69%.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá nguyên nhân phân luồng năm 2022 nêu trên, Cục Quản lý rủi ro đã chủ động đề xuất Lãnh đạo Tổng cục thực hiện rà soát đánh giá các văn bản quản lý chuyên ngành, đề xuất điều chỉnh giảm danh mục hàng hóa áp dụng quản lý chuyên ngành khi làm việc với các Bộ ngành thông qua việc tham gia tổ chuẩn hóa của Tổng cục Hải quan.

Cùng với đó, rà soát, điều chỉnh các đề xuất áp dụng tiêu chí phù hợp với từng yêu cầu quản lý chuyên ngành theo hướng lược bỏ những yếu tố rủi ro thấp, chuyển giao đơn vị hải quan các cấp thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro để áp dụng biện pháp kiểm tra phù hợp đối với các trường hợp chính sách chuyên ngành và danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành chưa được chuẩn hóa.

Đồng thời, rà soát đánh giá hiệu quả áp dụng tiêu chí theo văn bản tăng cường quản lý và đề xuất điều chỉnh tiêu chí phù hợp với kết quả đánh giá để giảm tỷ lệ phân luồng.

Cục Quản lý rủi ro cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung các tiêu chí đánh giá tuân thủ, tiêu chí phân loại mức độ rủi ro người khai hải quan để cơ cấu phân bổ mức độ tuân thủ và Hạng doanh nghiệp sát hơn phù hợp hơn với thực tế triển khai và tỷ lệ phân luồng theo yêu cầu quản lý;

Thực hiện tăng cường rà soát tình hình chuyển luồng tại các Cục Hải quan địa phương, ban hành văn bản chẩn chỉnh kịp thời đối với các trường hợp chuyển luồng không đúng quy định và chuyển luồng không hiệu quả để giảm tỷ lệ chuyển luồng.

Tập trung, tích cực triển khai các giải pháp

Theo Cục Quản lý rủi ro cho biết, ngay khi Lãnh đạo Tổng cục đồng ý, Cục Quản lý rủi ro đã tập trung triển khai các giải pháp nêu trên, cụ thể: Thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại đối với hơn 400 văn bản chính sách quản lý chuyên ngành theo 05 nhóm với mức độ chuẩn hóa khác nhau về chính sách và mã số hàng hóa, đề xuất điều chỉnh việc áp dụng tiêu chí quản lý chuyên ngành theo hướng nêu tại giải pháp thứ nhất nêu trên.

Đồng thời, ban hành văn bản gửi một số đơn vị thuộc Tổng cục như: Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Thuế xuất nhập khẩu và Cục Điều tra chống buôn lậu đề nghị các đơn vị tăng cường rà soát, đánh giá hiệu quả các văn bản tăng cường quản lý hiện hành, đề xuất loại bỏ những mã HS qua kiểm tra có tỉ lệ phát hiện vi phạm và dấu hiệu vi phạm thấp.

Các đơn vị nghiệp vụ nêu trên đã tích cực phối hợp, thực hiện rà soát các văn bản tăng cường quản lý để thanh loại và điều chỉnh áp dụng như: Cục Giám sát quản lý về hải quan đã điều chỉnh áp dụng 04 văn bản; Cục Thuế xuất nhập khẩu loại bỏ 03 văn bản, danh mục hàng hóa rủi ro về phân loại và trị giá đang sửa đổi, bổ sung; Cục Điều tra chống buôn lậu đã loại bỏ 01 văn bản.

Liên quan đến các tiêu chí quản lý do Cục Quản lý rủi ro áp dụng, Cục Quản lý rủi ro đã thường xuyên rà soát, đánh giá điều chỉnh áp dụng theo mức độ tuân thủ doanh nghiệp kết hợp kiểm tra ngẫu nhiên và phân tích xác định trọng điểm tránh việc áp dụng trong thời gian dài tác động đến tỷ lệ phân luồng

Việc chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp nêu trên đã đem lại kết quả khả quan, theo đó tỷ lệ phân luồng đã có chuyển biến tích cực. Theo số liệu thống kê trong 06 tháng đầu năm 2023, toàn ngành Hải quan thông quan 7.005.803 tờ khai với tỷ lệ luồng xanh chiếm 69,84%; luồng vàng chiếm 26,61%; luồng đỏ chiếm 3,55%. So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ luồng đỏ giảm 0,48% tương ứng giảm 11,86% tỷ lệ luồng đỏ vượt 6,86% theo mục tiêu đề ra (giảm 5%); tỷ lệ luồng vàng giảm 2,89% tương ứng giảm 9,79% luồng vàng gần đạt với mục tiêu đề ra (giảm 10%).

Theo Lãnh đạo Cục Quản lý rủi ro, dự kiến từ nay đến cuối năm, tỷ lệ luồng đỏ và luồng vàng tiếp tục giảm khi tiếp tục triển khai các giải pháp nêu trên.

Để đạt được mục tiêu giảm 10% luồng vàng và 5% luồng đỏ, ngoài việc các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp rà soát, đánh giá điều chỉnh áp dụng đối với tiêu chí quy định và tiêu chí quản lý.

Cục Quản lý rủi ro đã và đang thực hiện sửa đổi bổ sung Thông tư 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 của Bộ tài chính quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan để sửa đổi tiêu chí đánh giá tuân thủ và phân loại mức độ rủi ro đối với người khai hải quan để giảm tỷ lệ tác động của tiêu chí Hạng đến tỷ lệ phân luồng vàng, đỏ, đồng thời thực hiện rà soát, đánh giá tình hình chuyển luồng để chấn chỉnh việc thực hiện chuyển luồng không hiệu quả nhằm giảm tỷ lệ chuyển luồng.