Phấn đấu giảm lãi suất cho vay
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ 1 - 1,5%, thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Khó giảm lãi suất?
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) hoài nghi về khả năng giảm thêm lãi suất. “Kỳ vọng lạm phát vẫn còn, USD lên giá là yếu tố khó có thể giảm thêm lãi suất tiền đồng”.
Không đưa ra kết luận về việc lãi suất có giảm được hay không nhưng Phó tổng giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại đưa ra bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế để thị trường tự nhìn thấy xu hướng vận động của lãi suất trong thời gian tới.
Phân tích theo quy luật kinh tế, ông Nguyễn Thanh Toại cho rằng, giảm có nghĩa là giá hàng hóa phải hạ xuống, có nghĩa là cung phải nhiều hơn cầu. Lãi suất cũng vậy, để giảm được thì nguồn vốn huy động phải nhiều hơn cho vay. Điều đó có nghĩa nền kinh tế trì trệ. Như vậy sẽ mâu thuẫn với những gì mà các lãnh đạo, Nhà nước đang nói về việc nền kinh tế đang phục hồi.
Ông Toại cho rằng lãi suất có thể vận hành theo hai trạng thái, hoặc là theo quy luật thị trường hoặc là theo mệnh lệnh hành chính. Với những gì đang diễn ra trên thị trường, nếu để lãi suất vận hành theo quy luật thị trường thì lãi suất khó giảm. Vì nền kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc, cầu đang tăng trong khi cung vẫn như vậy. Vì thế, nếu lãi suất giảm sẽ mâu thuẫn với quy luật của thị trường.
Tuy nhiên, lãi suất có thể giảm theo mệnh lệnh hành chính và ý chí của nhà điều hành. “Hiệu lực hành chính phụ thuộc vào người điều hành và ai là người muốn giảm lãi suất. Do vậy, nếu Thống đốc NHNN yêu cầu, các ngân hàng buộc phải giảm lãi suất. Trên thực tế, NHNN vẫn điều hành theo cách này, ví như áp trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Biện pháp này dù được đánh giá tích cực thì đây vẫn là điều hành bằng biện pháp hành chính”, ông Toại phân tích.
Nói về xu hướng lãi suất, Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa thấy dấu hiệu gì. Tuy nhiên, thời gian qua lãi suất trung và dài hạn có chiều giảm ít và chưa thể giảm sâu. Thời điểm này thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn tốt. Những biểu hiện gần đây chưa cho thấy diễn biến lãi suất trong thời gian tới sẽ như thế nào. Tuy nhiên, thời gian qua Sacombank đã giảm được 0,5% và đang cố gắng đến cuối năm sẽ giảm được 1% đối với lãi suất cho vay trung và dài hạn.
Thu hẹp chênh lệch lãi suất
TS. Nguyễn Tú Anh - Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, CIEM, cho rằng hiện lãi suất huy động của ngân hàng đang rất thấp nhưng lãi suất cho vay lại vẫn cao, doanh nghiệp không chịu đựng được. Đây là vấn đề cản trở tăng trưởng lớn. Chênh lệch lãi suất huy động và cho vay ngày càng cao, lên tới gần 70%, lãi suất cao là rào cản khiến doanh nghiệp không thể vay vốn. Có vẻ những chi phí tái cơ cấu đang đẩy sang bên thứ ba là doanh nghiệp.
Đồng quan điểm trên, TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia phân tích, hiện lãi suất huy động trong xu thế tăng, trong khi lãi suất cho vay không hạ và tài chính của hệ thống khó khăn. “Tôi cho rằng mắt xích ngân hàng rất dễ tổn thương nên phải tập trung tái cấu trúc”. Theo ông Ân, mặt bằng lãi suất đã có dấu hiệu tăng trở lại từ đầu tháng 6, sau thời gian dài liên tục giảm. Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động như ACB, Eximbank, BIDV, Vietinbank...
Từâ góc độ quản lý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất, thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. “Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã xác định ổn định mặt bằng lãi suất và có điều kiện thì giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Theo phân tích của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, thực tế hiện nay, ngân hàng thương mại huy động lãi suất dài hạn dao động ở mức 6,8 - 7,5%/năm. “Chúng ta có điều kiện giảm thêm mặt bằng lãi cho vay trung và dài hạn, ít phải được 1%, nhiều thì 1,5%. Mặt bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 15 năm mà chỉ xoay quanh 7%/năm. Do vậy, đề nghị các ngân hàng thương mại theo đúng định hướng đó để chỉ đạo, điều hành”.
Riêng về lãi suất cho vay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng ngành ngân hàng cố gắng phấn đấu để lãi suất các kỳ hạn giảm thêm một chút (nếu có điều kiện), đặc biệt là lãi suất trung và dài hạn, từ 1 -1,5%. So với đầu năm, lãi suất trung và dài hạn đã giảm trung bình khoảng 0,5%. Như vậy, đây là nội dung phải tập trung chỉ đạo từ cấp ngân hàng trung ương đến các ngân hàng thương mại.