Điều chỉnh lãi suất ổn định với nhu cầu thị trường và tỷ giá

Theo daibieunhandan.vn

Thời gian gần đây, lãi suất liên ngân hàng có thời điểm xuống rất thấp, lãi suất liên ngân hàng 1 tháng chỉ khoảng 3 - 3,5%, tương đối thấp và ổn định. Song theo nhận định chung, đây cũng là lãi suất thích hợp để Ngân hàng Nhà nước điều hành phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Biên độ lãi suất biến động khá hẹp

Lãi suất huy động bình quân giảm 0,11%, xuống 5,93%/năm so với mức 6,04%/năm trong cuộc khảo sát tháng 12.2014 và giữ nguyên so với cuộc khảo sát tháng 1.2015. Lãi suất cho vay trung hạn giữa các ngân hàng có biên độ biến động khá hẹp (9 - 10,6%) với biên độ chênh giữa lãi suất cao nhất và thấp nhất là 1,6%. Tháng 2.2015, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn gần như không thay đổi so với tháng liền trước. Lãi suất cho vay doanh nghiệp ở mức 8 - 11%/năm, bình quân 9,59%/năm tại thời điểm cuối tháng 2.2015, thấp hơn bình quân 9,88%/năm trong tháng 1.2015 và thấp hơn bình quân 10,04%/năm trong tháng 12.2014.

Tuy nhiên, từ tháng 5.2015, mặt bằng lãi suất tăng nhẹ cả trên thị trường liên ngân hàng và thị trường dân cư, tổ chức kinh tế. Cuối tháng 5, đầu tháng 6.2015, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng tăng khoảng 0,2 - 0,5%/năm, mức tăng cao hơn chủ yếu là các kỳ hạn dài. Hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức từ 6,4 - 7,2%/năm.

Trong khi đó, lãi suất cho vay duy trì ở mức cũ (từ năm 2014), cụ thể: lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7 - 8%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9 - 10,5%/năm đối với ngắn hạn; 11 - 12,5%/năm đối với trung và dài hạn; trong đó một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, sản xuất kinh doanh hiệu quả, lãi suất cho vay chỉ 6 - 7%/năm.

Theo tính toán của HSC, vào thời điểm cuối tháng 6.2015, lãi suất huy động bình quân ở mức 5,76% và lãi suất cho vay bình quân cũng tăng 0,02%. Trong đó, một số ngân hàng như Vietcombank đã tăng lãi suất cho vay ngắn hạn, Eximbank hạ lãi suất cho vay ngắn hạn, nhưng nâng lãi suất cho vay dài hạn.

Ổn định lãi suất cho vay

Sáu tháng cuối năm 2015, xu hướng ổn định lãi suất hiện hành sẽ là chủ đạo. Đồng thời, lãi suất tiền gửi cũng như cho vay, cả bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ cần được điều chỉnh theo diễn biến lạm phát, thu hẹp bớt khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay xuống đến mức thấp nhất có thể và phụ thuộc nhiều vào diễn biến của lạm phát và kết quả cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nói riêng, cơ cấu lại thị trường tài chính và bất động sản nói chung.

Việc tăng lãi suất huy động để bảo đảm phù hợp hơn với diễn biến thị trường cũng như bảo đảm cân đối nguồn vốn, bắt nguồn trực tiếp từ thực tế huy động vốn của nhiều ngân hàng thương mại có dấu hiệu chững lại, trong khi cầu và trần tín dụng tăng gắn với sự phục hồi kinh tế và ấm lên thị trường bất động sản.

Đặc biệt, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay sẽ thu hẹp, trong khi lãi suất cho vay có xu hướng tăng nhẹ gắn với xu hướng truyền thống sẽ tăng lạm phát và nhu cầu vốn vay vào cuối năm, đồng thời gắn với một số nhân tố mới, như tăng nhập siêu, lãi suất USD và quy mô tín dụng thời gian tới.

Thị trường bất động sản đang ấm lên cũng tác động tới lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng theo hướng buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để vừa giữ chân người gửi tiền, vừa tăng khả năng huy động và đáp ứng nhu cầu vốn cho thị trường này. Lãi suất cho vay cũng vì thế sẽ phải tăng lên để bảo đảm tỷ suất lợi nhuận cho ngân hàng.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, dù lãi suất huy động có tăng dần, song lãi suất cho vay khó tăng mạnh, do sức chịu đựng của doanh nghiệp và áp lực cạnh tranh tín dụng đầu ra giữa các ngân hàng thương mại.

Thực tế cho thấy, sự lên xuống của lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, có tác động mạnh mẽ tới đời sống kinh tế - xã hội, cũng như trong việc thực thi mục tiêu của chính sách tiền tệ. Việc tăng lãi suất cũng được sử dụng như một công cụ để bảo vệ tỷ giá hối đoái trước sự biến động nhanh chóng của các luồng vốn trên thị trường quốc tế và trước những thiếu hụt trong cán cân thanh toán quốc tế.

Nâng lãi suất sẽ kích thích hạn chế tiêu dùng và sử dụng tiết kiệm các khoản vay, làm giảm cầu tín dụng, thu hẹp nhập khẩu. Lãi suất cho vay quá cao sẽ hạn chế đầu tư xã hội, dẫn đến tăng đình trệ suy thoái, thất nghiệp và phá sản. Ngoài ra, mức lãi suất cho vay cao “ở đầu vào” sẽ được người vay tự động chuyển vào giá cả “ở đầu ra”, làm tăng mức giá chung. Bởi vậy, lãi suất cho vay cần ổn định trong trung - dài hạn hoặc suốt vòng đời của dự án để tạo thuận lợi và kích thích doanh nghiệp tăng vay để đầu tư lâu dài.