Phân tích yếu tố kéo đồng yên xuống mức thấp nhất trong 24 năm


Sự khác biệt về đường hướng điều chỉnh chính sách tiền tệ giữa Nhật và Mỹ là nguyên nhân chủ chốt khiến cho đồng yên bị bán mạnh.

Đồng yên giảm giá xuống mức 143 yên/USD trong phiên giao dịch ngày thứ Ba và như vậy ở mức thấp nhất tính từ tháng 8/1998 khi mà Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) vẫn tiếp tục theo đuổi định hướng chính sách tiền tệ thắt chặt ngay cả khi mà nhiều ngân hàng trung ương khác tại các nền kinh tế phát triển nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Đồng yên Nhật rơi xuống dưới ngưỡng 140 yên/USD lần đầu tiên trong 24 năm trong phiên ngày thứ Năm tuần trước. Đồng yên tiếp tục suy yếu hơn nữa khi mà Nga quyết định chặn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua hệ thống đường ống Nord Stream từ cuối tuần qua, giá khí đốt vì vậy tăng vọt. Kỳ vọng về khả năng lạm phát leo thang đã đẩy cao lợi suất trái phiếu tại châu Âu và Mỹ tăng lên.

Chênh lệch lợi suất lớn dần giữa trái phiếu chính phủ Mỹ và Nhật đã khiến nhà đầu tư bán đồng yên và mua mạnh đồng USD.

Ngân hàng Dự trữ Australia vào ngày thứ Ba đồng thời thông báo nâng lãi suất nửa điểm phần trăm, vì vậy đồng yên bị bán nhiều hơn.

Các thành viên thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ hơn nữa chính sách tiền tệ, vào ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD lần thứ 2, mức điều chỉnh ước tính 75 điểm cơ bản, đây sẽ là mức nâng lãi suất mạnh tay nhất tính từ năm 1999. Ngân hàng Trung ương Canada dự kiến cũng sẽ nâng lãi suất trong tuần này.

Ở thời điểm cuối tháng 7/2022, đồng yên giao dịch với đồng USD ở mức 133 yên/USD.

Trong khi đó, đồng USD đã tăng giá so với nhiều loại tiền tệ lớn khác sau khi chủ tịch Fed Jerome Powell vào tháng 8/2022 đã tuyên bố về khả năng sẽ có thêm các đợt nâng lãi suất trong thời gian tới. Chỉ số đồng USD, chỉ số đo biến động của đồng USD so với giỏ các loại tiền tệ, tăng lên mức cao nhất trong 20 năm là 110 điểm.

Sự sụt giảm mạnh của đồng yên chủ yếu được thúc đẩy bởi các cách tiếp cận khác nhau của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (nới lỏng chính sách tiền tệ) và các ngân hàng trung ương khác bao gồm Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (thắt chặt chính sách tiền tệ), đã tăng lãi suất nhằm giải quyết lạm phát tăng cao, lại được thổi bùng lên bởi xung đột Nga - Ukraine.

David Forrester, chiến lược gia FX cấp cao tại Credit Agricole CIB ở Hồng Kông, cho biết việc vượt ngưỡng 140 Yên /USD đánh dấu một “ngưỡng kỹ thuật quan trọng”.

Ông nói với hãng tin AFP: “Trước đây, nếu nhìn vào thời điểm Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) can thiệp để mua đồng yên, thường là ở mức xung quanh các mức này".

Trước đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno đã nhấn mạnh lại về tầm quan trọng của sự ổn định trên thị trường ngoại hối, ông nói rằng “những thay đổi nhanh chóng là điều không mong muốn”.

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn