Pháp luật về an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ: Kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ những nội dung cơ bản của pháp luật về an toàn thực phẩm Hoa Kỳ, Việt Nam có thể tham khảo một số kinh nghiệm để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực này.
Thứ nhất, pháp luật an toàn thực phẩm được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu khoa học chuyên sâu về thực phẩm, dinh dưỡng, rủi ro… Từ các quy định về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đến tần suất kiểm tra đều được thiết kế trên cơ sở khoa học chứ không phải được đặt ra một cách chủ quan, tùy tiện.
Thứ hai, đặt ra các tiêu chuẩn an toàn rất cao và áp dụng thống nhất đối với cả thực phẩm trong nước và thực phẩm nhập khẩu. Theo thống kê, khoảng 15% lượng cung ứng thực phẩm ở Hoa Kỳ là thực phẩm nhập khẩu, gồm 50% hoa quả tươi, 20% rau tươi và 80% hải sản. Do đó, việc áp dụng và thực thi các tiêu chuẩn an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu rất quan trọng.
Hoa Kỳ vừa có những chế tài mạnh, vừa có các biện pháp mang tính chất khuyến khích đối với các nhà nhập khẩu và nhà cung cấp thực phẩm nước ngoài để buộc họ phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ, từ việc ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu có khả năng không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn ngay tại biên giới, trực tiếp kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nước ngoài, cho đến cơ chế kiểm tra hàng nhanh đối với các nhà nhập khẩu đủ điều kiện…
Thứ ba, đề cao tính minh bạch và có thể truy xuất của thực phẩm. Tính minh bạch được thể hiện rõ ở các quy định về ghi nhãn thực phẩm nhằm cung cấp thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng.
Để bảo đảm tính minh bạch, pháp luật về an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ sử dụng ba phương thức điều chỉnh: Cấm quảng cáo, ghi nhãn gian dối, sai sự thật; buộc công bố những thông tin cần thiết về sản phẩm trên nhãn hàng hóa; hạn chế những phát ngôn mang tính phóng đại về chất lượng, công dụng của thực phẩm trên nhãn, bao bì hàng hóa để thu hút người tiêu dùng.
Tính minh bạch còn thể hiện ở quy định của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) về việc thiết lập một cổng thông tin điện tử (Reportable Food Registry), trong đó các cơ sở cung ứng thực phẩm đã đăng ký có nghĩa vụ đăng tải thông tin về thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ngoài ra, cán bộ cơ quan nhà nước, người tiêu dùng cũng có thể đăng tải thông tin, nhằm thúc đẩy việc trao đổi, cung cấp thông tin về thực phẩm không an toàn.
Tính truy xuất không chỉ thể hiện ở việc có thể truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm, nguyên liệu làm ra thực phẩm, mà còn nhanh chóng truy xuất và nhận diện khâu nào trong chuỗi cung ứng thực phẩm có vấn đề, nhanh chóng truy xuất thực phẩm không an toàn và kịp thời thu hồi khỏi các kênh phân phối trên thị trường.
Thứ tư, chuyển trọng tâm từ ứng phó sang tăng cường biện pháp phòng ngừa rủi ro. Điều này thể hiện rõ qua các điểm mới của Luật An toàn thực phẩm hiện đại năm 2011.
Các cơ sở cung ứng thực phẩm phải lập và triển khai kế hoạch kiểm soát phòng ngừa, đánh giá rủi ro và đề ra các biện pháp hạn chế, khắc phục một cách cụ thể. Do đó, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có ý thức và trách nhiệm cao hơn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thứ năm, quy định các biện pháp thực thi đa dạng, có sự phối hợp liên ngành, đa cấp giữa nhiều cơ quan trong chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương, giữa chính phủ trong nước và chính phủ nước ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư.
Các biện pháp thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm bao gồm: (1) biện pháp hành chính (kiểm tra, kiểm nghiệm thực phẩm, cấp đăng ký bắt buộc đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước và nước ngoài muốn bán thực phẩm tại Hoa Kỳ và đình chỉ đăng ký nếu vi phạm, tạm giữ hành chính đối với thực phẩm bị nghi ngờ không an toàn, yêu cầu cơ sở vi phạm thu hồi thực phẩm không an toàn khỏi thị trường…); (2) biện pháp dân sự (người bị thiệt hại do thực phẩm không an toàn có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo pháp luật về trách nhiệm với sản phẩm); (3) biện pháp hình sự (truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đến mức cấu thành tội phạm).
Trên thực tế, biện pháp hình sự hiếm khi được áp dụng, nhưng đây vẫn là công cụ thực thi mạnh do hình phạt nghiêm khắc. Hình phạt có thể là một năm tù giam và phạt tiền 1.000 USD, mức phạt tiền có thể lên tới 250.000 USD nếu vi phạm gây chết người.