Dự báo kinh tế toàn cầu năm 2018: Lạc quan và thận trọng
Mặc dù kinh tế toàn cầu năm 2017 được đánh giá là khả quan hơn so với những năm trước, tuy nhiên, các dự báo cho thấy, có 4 thách thức lớn đối với nền kinh tế thế giới trong năm 2018.
Duy trì đà phục hồi
Báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, kinh tế toàn cầu sẽ duy trì đà phục hồi trong năm tới. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 được dự báo sẽ đạt 3,7%. Đáng chú ý, các lĩnh vực đầu tư, thương mại, sản xuất công nghiệp được dự báo sẽ chứng kiến tăng trưởng khả quan hơn; lĩnh vực kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng được củng cố...
IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ nhích lên 6,6% trong năm 2017 và ước tính sẽ tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra trước đó, lên 6,2% năm 2018. Các dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ cho năm nay và năm tới được giữ nguyên ở mức 7,2% và 7,7%.
IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) từ 1,7% lên 1,9% trong năm 2018. Nền kinh tế của Eurozone sẽ phục hồi mạnh hơn và khu vực này có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, bắt đầu cách đây gần một thập niên, bất kể những tác động thất thường của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Tuy nhiên, báo cáo của IMF cũng chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế diễn ra chưa đồng đều và còn yếu ở nhiều nước, đặc biệt là vùng châu Phi hạ Sahara; Trung Đông, Mỹ Latin.
4 thách thức lớn
Mặc dù nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2018 lên 0,1% so với 2017, nhưng IMF cũng cảnh báo, kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục hoàn toàn kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009 và tiềm ẩn rủi ro có thể quay trở lại trong vài năm tới. IMF cho rằng, có 4 thách thức lớn đặt ra với nền kinh tế thế giới trong năm tới.
Thứ nhất là chủ nghĩa bảo hộ. Chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới nổi lên sau khi tỷ phú Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ với chính sách “nước Mỹ trên hết”. Để bảo hộ mậu dịch, Mỹ dựng lên nhiều hàng rào thuế quan, đòi đàm phán lại hoặc rút khỏi nhiều thỏa thuận thương mại tự do. Theo IMF, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, chính sách bảo hộ của Mỹ có nguy cơ kích hoạt chiến tranh thương mại và gây ra đại khủng hoảng mới, như đã từng biết trong những năm 1930 với hậu quả là hàng nghìn doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu người mất việc làm.
Thứ hai là việc bãi bỏ quy định về tài chính toàn cầu. Từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008, Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) đã thành lập Diễn đàn ổn định tài chính (FSB) để xây dựng bộ quy tắc quốc tế, nhằm tăng cường tính lành mạnh trong hệ thống tài chính quốc tế. Tuy nhiên, ý định của Mỹ xem xét việc tuân thủ các luật lệ trên đang là mối quan ngại lớn nhất. Ông Trump đã đề ra kỳ hạn 6 tháng với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ để báo cáo về vấn đề này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mukuchin đã nêu rõ trong một cuộc hội đàm với Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde rằng, “quá nhiều quy định có hại cho kinh tế Mỹ”.
Liệu điều này có nghĩa là Mỹ sẽ giảm nhẹ quy định đối với các ngân hàng của họ và cản trở công việc của FSB? Giám đốc FSB Mark Carney cảnh báo, nếu không có sự hợp tác giữa các nước về quy định tín dụng sẽ đặt toàn bộ hệ thống ngân hàng vào vòng nguy hiểm khi một ngân hàng lớn hoặc một công ty bảo hiểm lớn bị phá sản. Giới chuyên gia lo ngại, nguy cơ tái diễn sự kiện tương tự sự sụp đổ của Lehman Brothers cách đây 10 năm, dẫn đến hàng triệu người mất việc làm và tăng trưởng toàn cầu bị suy yếu.
Thứ ba là chính sách cắt giảm thuế. Tổng thống Donald Trump vừa qua đã ký ban hành luật cắt giảm thuế lớn nhất trong 30 năm qua của Mỹ. Theo đó, thuế suất đối với các công ty Mỹ giảm mạnh từ 35% xuống 15%, nhằm kích thích đầu tư và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Các nhà phân tích cho rằng, động thái này của Mỹ có thể sẽ khuyến khích các nước khác cũng “phá giá” thuế, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Đơn cử, Chính phủ Anh trong khi đàm phán ra khỏi Liên minh châu Âu, đã không che giấu ý định giảm thuế cho doanh nghiệp. Giới phân tích nhận định, một cuộc đua giữa các nước nhằm “hạ giá” thuế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh.
Thứ tư là nợ công của Trung Quốc. Nhà đầu tư David Baverez, làm việc tại Hong Kong, cho rằng, tài chính Trung Quốc ngày càng chiếm vị trí quan trọng trên thế giới và có ảnh hưởng lớn với phần còn lại của toàn cầu. Có điều, nợ công của Trung Quốc đã tăng quá nhanh trong 10 năm qua, thậm chí tăng nhanh nhất trên thế giới, đặc biệt là từ 2008 tới nay.
Theo các thống kê mới nhất, nợ của Trung Quốc tương đương với 250% GDP nước này. Gần 95% trong số đó do các ngân hàng Trung Quốc nắm giữ. Theo thẩm định của IMF, Trung Quốc đang ngồi trên núi nợ 1.500 tỷ USD. Nếu như khoản nợ này bị mất giá 50%, thì thiệt hại sẽ lên tới 750 tỷ USD. Đây chính là khoản tiền hồi tháng 9.2008 đã bị cuốn trôi khỏi thị trường Mỹ sau vụ Lehman Brothers phá sản.