Phát hiện, triệt phá nhiều đường dây tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Trong 9 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý, triệt phá nhiều đường dây ổ nhóm tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thống kê cho thấy, qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đã xử lý hơn 100.000 vụ việc, thu nộp ngân sách hơn 7.500 tỷ đồng và khởi tố hơn 1.600 vụ án.
Sáng 14/10, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã chủ trì Hội nghị giao ban quý III/2021 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Tham dự Hội nghị có các Phó Trưởng ban và Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong 9 tháng năm 2021, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp đồng bộ, quyết liệt, do đó nhiều vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý, nhiều đường dây ổ nhóm tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị triệt phá. Kết quả trong 9 tháng đầu năm 2021, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 100.290 vụ việc vi phạm (giảm 289,69%), thu nộp NSNN 7.519.022 triệu đồng (giảm 351,50%), số vụ khởi tố 1.615 (tăng 90,27%)/2.148 (tăng 85,63%) đối tượng.
Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịch COVID-19, các mặt hàng chủ yếu được buôn lậu liên quan đến phòng chống dịch là khẩu trang, thuốc điều trị COVID-19, máy tạo ôxy, que test COVID-19… Bên cạnh đó, các đối tượng, tổ chức lợi dụng, tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, công tác phòng, chống gian lận thương mại, phòng, chống buôn lậu trong 9 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đã xử lý hơn 100.000 vụ việc thu nộp ngân sách hơn 7.500 tỉ đồng, khởi tố hơn 1.600 vụ án.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng thường trực, các vụ việc liên quan tới buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước. Ví dụ như vụ sản xuất 2,7 triệu lít xăng giả đã bị Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá vào tháng 2/2021. Đồng thời, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần phải khắc phục: Một số địa phương chưa chỉ đạo sát sao, lực lượng chưa làm tốt quản lý địa bàn, đối tượng; Vẫn còn tình trạng nể nang, bao che, thậm chí có bảo kê của một số người có trách nhiệm gây khó khăn cho lực lượng chức năng...
Từ nay tới cuối năm, khi mở cửa trở lại, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và dịp cuối năm, Tết đến, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá tăng lên, có thể dẫn đến gia tăng tình trạng các đối tượng tranh thủ các phương thức, thủ đoạn để gian lận thương mại, buôn bán hàng giả và buôn lậu.
Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng nhằm đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống vi phạm, tội phạm ngay trong chính lực lượng chức năng thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện ngăn chặn xử lý kịp thời các hành động, hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc liên quan tới đời sống, sức khoẻ của người dân như vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, hàng hoá phục vụ nhu cầu người dân từ nay tới cuối năm cũng như phục vụ cho Tết Nguyên đán.
Đặc biệt cần lưu tâm đến hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhập lậu. Xây dựng các kế hoạch chuyên đề liên quan đến các nhóm mặt hàng hiện đang tăng giá như xăng dầu, khoáng sản, nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình tái khởi động nền kinh tế; các mặt hàng như đường, thuốc lá..., các mặt hàng dễ làm giả…
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình mới; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các cấp, của các lực lượng chức năng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân...