Tổng kiểm kê tài sản công:
Phát huy thực chất nguồn lực tài sản công trong nền kinh tế
Thực hiện Quyết định số 213/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tổng kiểm kê tài sản công (TSC), hiện Bộ Tài chính đang là đơn vị chủ trì triển khai các công việc để thực hiện tổng kiểm kê đối với TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và các tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư quản lý tại các bộ, ngành, địa phương trên cả nước.
Chưa phản ánh đúng nguồn lực ngân sách chi ra
Đại diện Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng các số liệu liên quan về TSC chưa phản ảnh đúng thực chất nguồn lực ngân sách nhà nước chi ra. Đồng thời, theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải báo cáo, hạch toán, kế toán đầy đủ về số lượng, hiện vật và giá trị của tài sản, tuy nhiên công việc này chưa được quan tâm đúng mức, số liệu về TSC không đầy đủ, đồng bộ.
Liên quan đến một số bất cập trong kiểm kê TSC trong thời gian qua, bà Trần Diệu An - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, thực tế xảy ra khá phố biến là các cơ quan, tổ chức, đơn vị không xác định hoặc không xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất của trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp để theo dõi trên sổ kế toán, báo cáo vào Phần mềm quản lý TSC theo đúng quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, có các trường hợp nghiệm thu đưa vào sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp rất nhiều năm nhưng không theo dõi trên sổ kế toán…
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, lần tổng kiểm kê TSC của cả nước được thực hiện gần nhất là từ ngày 1/1/1998. Tuy nhiên, đợt tổng kiểm kê năm 1998 chỉ thực hiện kiểm kê TSC trong khu vực hành chính sự nghiệp. Trong lần tổng kiểm kê này, sẽ tiến hành tổng kiểm kê TSC trên cả nước đối với 2 loại tài sản, gồm: TSC tại các đơn vị hành chính sự nghiệp; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Để giải quyết vấn đề này, tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương thực hiện kiểm kê, đánh giá đầy đủ, thực chất các nguồn lực của nền kinh tế, là cơ sở quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn trong từng thời kỳ. Cùng với đó, tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội đã giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trong năm 2025 hoàn thành việc tổng kiểm kê.
Theo Quyết định số 213/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tổng kiểm kê TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và các tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư quản lý, về kế hoạch tổng kiểm kê, đối với các bộ, ngành, UBND các địa phương, bộ trưởng, lãnh đạo UBND tỉnh phải thành lập ban chỉ đạo kiểm kê, hoàn thành trước ngày 30/4/2024; xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm kê trên cơ sở nội dung, kế hoạch chi tiết do Bộ Tài chính ban hành; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiểm kê cho các đối tượng thực hiện kiểm kê; tổng hợp kết quả kiểm kê tài sản gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/6/2025.
Đối với đối tượng thực hiện kiểm kê, thành lập tổ kiểm kê và thực hiện kiểm kê tài sản do mình đang trực tiếp quản lý/tạm quản lý; chịu trách nhiệm về số liệu kiểm kê; báo cáo kết quả kiểm kê cho cơ quan quản lý cấp trên trước ngày 15/4/2025.
Kiểm kê với 18 loại tài sản kết cấu hạ tầng
Theo Cục Quản lý công sản, phạm vi tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý rộng, tuy nhiên, do hạn chế về thời gian thực hiện tổng kiểm kê (theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 phải hoàn thành trước năm 2025), vì vậy, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ thực hiện kiểm kê đối với 18 loại tài sản kết cấu hạ tầng đã được xác định tương đối rõ như: tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải); tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ; tài sản kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp; tài sản kết cấu hạ tầng khu kinh tế; tài sản kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao…
Trên cơ sở kết quả kiểm kê đối với các loại tài sản kết cấu hạ tầng này và kinh nghiệm thực tế thực hiện kiểm kê, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm kê đối với các loại tài sản còn lại.
Chia sẻ thông tin về công tác kiểm kê TSC trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Mai Công Quyền - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, thực tế thời gian qua, các sở, ban ngành trên địa bàn Thành phố đã thực hiện theo Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả TSC của TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030”. Đây cũng là một thuận lợi cho Hà Nội khi triển khai công tác kiểm kê.
Tuy nhiên, với những kinh nghiệm triển khai trong thực tiễn, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội đã chỉ ra một số vướng mắc nhất định, nhất là trong kiểm kê 18 loại tài sản kết cấu hạ tầng vì có một số nhóm tài sản chưa được quy định điều chỉnh bởi một văn bản cụ thể. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, TP. Hà Nội sẽ vừa làm, vừa hiệu chỉnh để đảm bảo kiểm kê đúng, đủ và làm sao có số liệu “sạch” và “sống” để thực hiện công tác tổng kiểm kê tài sản của TP. Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Để thực hiện tốt việc tổng kiểm kê trên cả nước thì việc kiểm kê thử nghiệm là rất quan trọng. Vì vậy, sau khi phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo các chỉ tiêu, mẫu biểu chi tiết phục vụ công tác tổng kiểm kê, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành quyết định về việc triển khai kiểm kê thử nghiệm TSC tại một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và 6 địa phương (TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và Bắc Kạn).