Thanh tra ngành Tài chính:

Phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao

Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính

Những năm qua, Thanh tra ngành Tài chính luôn là công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, của ngành Tài chính trong việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách.

Đặc biệt, trong 5 năm qua, Thanh tra Tài ngành chính đã thực hiện hàng nghìn cuộc thanh tra, phát hiện đề nghị xử lý tăng thu, giảm chi cho ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra tài chính đạt được nhiều kết quả

Thời gian qua, mặc dù điều kiện kinh tế xã hội trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, cùng với sự phối hợp, ủng hộ của các ngành, các cấp, ngành Tài chính đã đạt được những kết quả tích cực.

Trong đó, thu NSNN luôn đạt và vượt so với dự toán Quốc hội giao. Cùng với sự phát triển của ngành Tài chính, Thanh tra Tài chính đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Tổ chức Thanh tra Tài chính luôn được củng cố phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng; hệ thống Thanh tra Tài chính đã bám sát định hướng, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tài chính tập trung phục vụ yêu cầu công tác quản lý, giám sát tài chính của ngành Tài chính.

Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính được thực hiện theo đúng kế hoạch và tiến độ được phê duyệt, vừa thực hiện những cuộc thanh tra toàn diện theo đối tượng để đánh giá việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách, vừa tổ chức các cuộc thanh tra theo chuyên đề, chuyên sâu, nhằm phục vụ kịp thời công tác quản lý điều hành của Bộ, của ngành Tài chính.

Đẩy mạnh thanh tra theo rủi ro, đồng thời hoạt động thanh tra cũng luôn theo sát tình hình thực tế, phục vụ kịp thời nhiệm vụ, yêu cầu quản lý tài chính - ngân sách, đóng góp quan trọng trong bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, kiến nghị, khắc phục những bất cập về cơ chế chính sách và làm tốt vai trò tham mưu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.

Đặc biệt, trong 5 năm qua Thanh tra ngành Tài chính đã tiến hành thực hiện triển khai 310.778 cuộc thanh tra; kiến nghị thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 73.048.341 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 7.527.032 triệu đồng; đã chuyển cơ quan điều tra 852 vụ việc. Qua công tác thanh tra đã kiến nghị xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có sai phạm, khuyết điểm trong quản lý tài chính. Đồng thời, kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan điều chỉnh, bổ sung và sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra tài chính.

Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra đã có chuyển biến tích cực, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính. Thanh tra Bộ đã tham mưu giúp Bộ trong việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho hoạt động đôn đốc và xử lý sau thanh tra; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trong ngành, nhất là các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tổ chức thực hiện tốt việc theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra theo đặc thù của từng đơn vị, chất lượng công tác xử lý sau thanh tra được nâng lên, tạo sự đồng thuận của cả cơ quan quản lý nhà nước và đối tượng thanh tra.

Thanh tra Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu trình Bộ ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản chỉ đạo của Ban chấp hành TW, của Chính phủ liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hoàn thành tốt công tác tổng hợp, dự thảo báo cáo của Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để Chính phủ trình Quốc hội.

Thanh tra Bộ Tài chính đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều đợt tập huấn cho hàng nghìn cán bộ thanh tra ngành Tài chính, nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến quy trình nghiệp vụ thanh tra theo từng lĩnh vực; cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra, kiến thức quản lý tài chính, quản lý nhà nước, tin học... nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ, thanh tra viên và đáp ứng tiêu chuẩn của ngạch thanh tra trong thời kỳ hội nhập.

Việc mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động thanh tra là yêu cầu tất yếu đối với thanh tra ngành Tài chính trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Thanh tra Tài chính đã chú trọng đẩy mạnh quan hệ quốc tế với các nước có chế độ chính trị khác nhau, tổ chức các đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm về thanh tra, kiểm tra tài chính tại các nước (Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc...) để học hỏi kinh nghiệm quốc tế, áp dụng có chọn lọc, phục vụ cho việc nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện chương trình hợp tác với Lào, hỗ trợ Thanh tra Tài chính Lào trong hoạt động xây dựng thể chế, đào tạo nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đã tham mưu để Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2005/NĐ-CP ngày 22/6/2005, Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 9/10/2012 và Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tài chính, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ mối quan hệ, trách nhiệm của từng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính trong công tác thanh tra, kiểm tra… Xây dựng và trình Bộ ký ban hành 14 quy trình thanh tra trong các lĩnh vực và 2 quy chế để áp dụng thống nhất trong toàn ngành Tài chính.

Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang

Trong thời gian tới, nhiệm vụ của ngành Tài chính là hết sức nặng nề trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi các đơn vị trong toàn ngành không ngừng nỗ lực, quyết tâm, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Một trong những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ tài chính là tăng cường mạnh mẽ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính. Đây sẽ là một trong những công cụ đắc lực giúp tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, góp phần tăng thu, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực.

Vì vậy, thời gian tới các đơn vị trong hệ thống Thanh tra Tài chính cần triển khai quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó cần chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Thứ nhất, thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về công tác quản lý và điều hành ngân sách, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư, nguồn dự phòng ngân sách, các khoản phí, lệ phí; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống gian lận thương mại, chống thất thu, chống chuyển giá và xử lý nợ đọng thuế, quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, gắn liền với công khai, minh bạch trong điều hành giá cả; điều phối công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm, các doanh nghiệp lớn tại các địa phương để hạn chế tình trạng bỏ sót các doanh nghiệp không được thanh tra, kiểm tra.

Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hành chính trong việc chấp hành chính sách, pháp luật, quy trình, quy chế và thực hiện chức trách nhiệm vụ, quyền hạn được giao của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức trong ngành.

Thứ ba, Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống quy định, quy trình, quy chế... về thanh tra tài chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng... của ngành Tài chính phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và yêu cầu xây dựng nền hành chính trong điều kiện mới đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Thứ tư, cần chú trọng công tác xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra tài chính, để mỗi cán bộ làm công tác thanh tra tài chính đều không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, giữ vững kỷ cương kỷ luật trong công tác thanh tra. Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Thứ năm, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng tới cán bộ công chức viên chức toàn ngành, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế và tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị trong hệ thống thanh tra tài chính trong quá trình hoạt động, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra. Chỉ đạo chủ động nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch thanh tra và tổ chức hoạt động thanh tra.

Trong thời gian tới, phát huy truyền thống 70 năm, Thanh tra Tài chính tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng với ngành Tài chính hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong quá trình phát triển và hội nhập.

Nhân dịp 70 năm ngày thành lập, chúc toàn thể cán bộ công chức, viên chức Thanh tra ngành Tài chính sức khỏe, hành phúc, thành công và luôn phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, lập nhiều thành tích, tiếp tục đóng góp hiệu quả hơn cho sự nghiệp đổi mới của đất nước nói chung và ngành Tài chính nói riêng./.