Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra tài chính
(Taichinh) - Năm 2015 tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục vẫn còn những diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, đặt ra nhiều thách thức mới trong công tác quản lý tài chính - ngân sách nói chung cũng như công tác thanh tra tài chính nói riêng.
Bám sát định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính, kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2015, cán bộ, công chức Thanh tra ngành Tài chính đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai minh bạch, chủ động và khẩn trương thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao về công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... kịp thời phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, của Chính phủ.
CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA TÀI CHÍNH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2015:
Công tác thanh tra của Bộ: Thanh tra Bộ phối kết hợp với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực: Quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý các nguồn kinh phí tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp; quản lý giá, thuế. Trong đó, chú trọng tập trung vào các lĩnh vực nóng, được dư luận xã hội quan tâm, như: Việc chấp hành pháp luật về thuế, phí, lệ phí; việc thu các loại phụ phí theo cước vận tải biển của các Hãng tàu biển nước ngoài tại Việt Nam; quản lý giá cước vận tải; ưu đãi, miễn giảm thuế... Công tác chỉ đạo, điều hành trong thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra cũng rất cụ thể, linh hoạt; vừa thực hiện những cuộc thanh tra toàn diện nhằm đánh giá việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách, vừa tổ chức các cuộc thanh tra theo chuyên đề phục vụ kịp thời công tác quản lý điều hành của Bộ, của ngành; đồng thời luôn theo sát tình hình thực tế, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để triển khai thực hiện, phục vụ kịp thời nhiệm vụ, yêu cầu quản lý tài chính - ngân sách của Bộ.
Trong nửa đầu năm 2015, Thanh tra Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đã triển khai thực hiện 31.465 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính 6.429.426,9 triệu đồng (trong đó: kiến nghị nộp NSNN được 5.434.650,8 triệu đồng; giảm trừ dự toán kinh phí, giảm trừ cấp phát kinh phí 385.453,6 triệu đồng; giảm trừ thanh quyết toán, không thanh toán kinh phí 10.663,6 triệu đồng; kiến nghị khác 598.658,9 triệu đồng); đồng thời kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách, tiền, tài sản nhà nước và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tài chính ngân sách.
Công tác của đơn vị Thanh tra Bộ: đã khẩn trương triển khai thực hiện 18 cuộc thanh tra, kiểm tra, gồm:
- Thanh tra ngân sách tỉnh, thành phố (02 cuộc); Thanh tra tài chính các bộ, ngành (01 cuộc); Thanh tra tài chính doanh nghiệp (01 cuộc); Thanh tra dự án đầu tư xây dựng (05 cuộc); Thanh tra Giá và các Quỹ (01 cuộc); Thanh tra hành chính (02 cuộc).
- Kiểm tra 01 cuộc theo kế hoạch về công tác chấp hành phí, lệ phí; 05 cuộc đột xuất theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, về việc thực hiện thu các loại phụ phí theo cước vận tải biển của 20 Hãng tàu biển nước ngoài tại Việt Nam, giá cước vận tải và kiểm tra, xác minh nội dung đơn kiến nghị của công dân.
Kết quả cụ thể vể xử lý tài chính:
Kiến nghị xử lý về tài chính 1.051.147,9 triệu đồng (trong đó: kiến nghị nộp NSNN 56.519,8 triệu đồng; giảm trừ dự toán kinh phí, giảm trừ cấp phát kinh phí 385.453,6 triệu đồng; giảm trừ thanh quyết toán, không thanh toán kinh phí 10.663,6 triệu đồng; kiến nghị khác 598.510,9 triệu đồng); đồng thời đề xuất, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách về quản lý tài chính, ngân sách.
Kết quả thanh tra, kiểm tra trên từng lĩnh vực cụ thể như sau:
* Lĩnh vực quản lý, điều hành ngân sách địa phương:
Một số địa phương chưa ban hành quy định về tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai; Giao dự toán chi đầu năm chưa tốt, dẫn đến mất cân đối ngân sách địa phương; Chưa thực hiện đầy đủ quy định về sử dụng nguồn thưởng vượt thu ngân sách trung ương; Bố trí kế hoạch vốn cho dự án đầu tư kéo dài quá quy định, không đảm bảo mức tối thiểu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;... Qua thanh tra, kiến nghị xử lý về tài chính 694.427,3 triệu đồng (trong đó: kiến nghị nộp NSNN 13.848,2 triệu đồng; giảm trừ dự toán kinh phí, giảm trừ cấp phát kinh phí 291.533,3 triệu đồng; kiến nghị tài chính khác 389.045,8 triệu đồng).
* Lĩnh vực quản lý vốn đầu tư xây dựng:
Qua thanh tra thấy còn tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản như: Phê duyệt dự toán tăng không đúng phải giảm trừ; Giảm trừ giá trị hợp đồng kinh tế và giá trị khối lượng phải giảm trừ khi nghiệm thu, thanh toán; Các địa phương chưa bố trí đủ, kịp thời vốn đối ứng cho các dự án theo như cam kết; qua thanh tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính 205.349,4 triệu đồng (trong đó: Giảm trừ dự toán kinh phí 87.564,3 triệu đồng; Giảm trừ thanh quyết toán, không thanh toán 4.348,5 triệu đồng; Kiến nghị tài chính khác 113.436,6 triệu đồng).
* Lĩnh vực quản lý tài chính tại các doanh nghiệp:
Qua thanh tra đã phát hiện tình trạng sai phạm như: Hạch toán không đúng kết quả sản xuất kinh doanh, hạch toán thiếu doanh thu, thu nhập khác, hạch toán không đúng chi phí sản xuất kinh doanh, đầu tư tài chính không hiệu quả,... Kiến nghị xử lý 94.672 triệu đồng (trong đó: kiến nghị nộp NSNN 17.268 triệu đồng; kiến nghị khác 77.404 triệu đồng).
* Lĩnh vực thanh tra hành chính (nội bộ ngành):
Kết quả thanh tra thấy một số đơn vị trong ngành còn chưa thực hiện đúng quy định về quản lý, thu nộp thuế; quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản; còn có một số sai phạm trong thực hiện thủ tục hải quản đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu và thực hiện quản lý, giám sát hải quan;... Kiến nghị xử lý về tài chính 52.845,8 triệu đồng (trong đó: kiến nghị nộp NSNN 23.144,6 triệu đồng; giảm trừ dự toán kinh phí, giảm trừ cấp phát kinh phí 6.356 triệu đồng; Giảm trừ thanh quyết toán, không thanh toán 6.315,1 triệu đồng; kiến nghị tài chính khác 17.030,1 triệu đồng).
* Lĩnh vực thanh tra Giá và các Quỹ Tài chính:
Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động thị trường, giá cả được tích cực triển khai ở cả Trung ương và các địa phương, góp phần ổn định thị trường, kiềm chế việc tăng giá đột biến của hàng hóa. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ, Thanh tra Bộ đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải và một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế) thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý giá cước vận tải trên địa bàn khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam; việc thu các loại phụ phí theo cước vận tải biển của 20 Hãng tàu biển nước ngoài tại Việt Nam. Kết quả thanh tra, kiểm tra phát hiện tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý tài chính như: Tổ chức thực hiện đền bù, hỗ trợ, tái định cư, xây dựng phương án chưa đầy đủ; áp giá đền bù chưa đúng quy định; triển khai thực hiện dự án chậm tiến độ dẫn tới kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tăng so với dự toán lập, làm tăng vốn đầu tư;... Kiến nghị xử lý về tài chính 3.853,4 triệu đồng (trong đó: Kiến nghị nộp NSNN 2.259 triệu đồng; kiến nghị tài chính khác 1.594,4 triệu đồng); ngoài ra kiến nghị rà soát cơ chế, chính sách liên quan đến việc quản lý giá cước vận tải; đề xuất với các Bộ, ngành ban hành quy trình về danh mục, quy trình kê khai, đối tượng kê khai đối với cước vận tải biển và phụ cước vận tải biển vào dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam nhằm công khai, minh bạch, giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu có đầy đủ thông tin trong việc đàm phán với đối tác nước ngoài…
* Lĩnh vực thanh tra theo chuyên đề:
Qua kiểm tra chuyên đề công tác chấp hành pháp luật về phí, lệ phí đã phát hiện tồn tại, sai phạm như: Lập và giao dự toán thu, chi phí lệ phí chưa chấp hành đúng quy định của Chính phủ; ban hành chế độ thu phí, lệ phí chậm; một số loại phí ban hành chưa đúng quy định; thực hiện thu phí, lệ phí không đúng quy định; phân bổ và thanh quyết toán kinh phí chưa phù hợp với quy định; chưa ban hành đầy đủ định mức kinh tế kỹ thuật trong việc sử dụng nguồn phí, lệ phí để lại;... Kết quả kiểm tra kiến nghị với các đơn vị chấn chỉnh trong công tác quản lý thu và sử dụng phí lệ phí được để lại; đồng thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, ban hành các chế độ, chính sách liên quan góp phần quan trọng trong công tác ban hành và thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
TÓM LẠI:
Trong 6 tháng đầu năm 2015, được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các đơn vị trong và ngoài ngành; qua thanh tra, kiểm tra đã đưa ra nhiều kết luận và kiến nghị xử lý tài chính; ngoài ra kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều cơ chế chính sách. Phát huy những kết quả đã đạt được, 6 tháng cuối năm 2015 Thanh tra Bộ và các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục phát huy mọi nguồn lực, đề ra các giải pháp cụ thể để hoàn thành tốt kế hoạch đã được giao; không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra tài chính góp phần tích cực trong công tác quản lý điều hành tài chính ngân sách của ngành Tài chính.