Phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm xã hội trong hệ thống an sinh xã hội
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã từng bước phát huy vai trò là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Đặc biệt, chính sách này tạo hiệu ứng an sinh lan tỏa ngày càng sâu rộng tới người lao động và người dân.
Tập trung phát triển BHXH tự nguyện
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012, một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.
Theo đó, Nghị quyết nêu rõ 2 nhóm chính sách cơ bản là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội.
Nghị quyết nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn;
Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Nghị quyết cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như: Rà soát, nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng, BHXH. Hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý Quỹ BHXH để bảo đảm yêu cầu cân đối và tăng trưởng của Quỹ BHXH. Xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Rà soát, bổ sung quy định buộc người sử dụng lao động phải đóng BHXH cho người lao động theo quy định của pháp luật. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI đã đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt về lĩnh vực BHXH.
Báo cáo của Ban chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI nêu rõ, BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.
Tích cực triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương lần 7 khóa XII về cải cách chính sách BHXH, trong đó chú trọng phát BHXH tự nguyện và các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt.
Đến nay, diện bao phủ BHXH ngày càng mở rộng, đạt 16,2 triệu người tham gia BHXH vào năm 2020. Dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, nhưng tổng số người tham gia BHXH vẫn tiếp tục tăng, đạt 16,6 triệu người năm 2021, ước tính đạt 19 triệu người năm 2022.
Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tăng đều hàng năm, đạt 32,6% năm 2020, 36% năm 2021.
Để thực hiện hiệu quả chính sách BHXH tự nguyện, trong những năm qua, cơ quan BHXH đã đổi mới thực hiện chính sách này và đạt được những kết quả tích cực.
Đến năm 2021, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,5 triệu người, bằng 6 lần số lượng năm 2018. Năm 2021, cả nước có gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hàng tháng, được chi trả bằng tiền mặt, qua bưu điện, qua tài khoản cá nhân.
Bên cạnh thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, cơ quan BHXH đã phối hợp với các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn, bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nhờ chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã kịp thời chia sẻ, đồng hành hỗ trợ người lao động bị mất việc làm; tạo sự gắn kết, chia sẻ giữa những người tham gia; tạo sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, độ bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp không ngừng được mở rộng, tăng từ 8,27 triệu người năm 2012 lên 13,3 triệu người năm 2020 và gần 13,4 triệu người năm 2021. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng đều hàng năm, đạt 26,8% năm 2020, đạt 30% năm 2021, tăng 3,2% so với năm 2020.
Theo các chuyên gia, quá trình triển khai chính sách BHXH dù đạt được kết quả bước đầu, nhưng độ bao phủ BHXH còn chưa đạt như kỳ vọng; BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người lao động tham gia; phạm vi bao phủ của trợ giúp xã hội còn hẹp; tỷ lệ tham gia của người dân ở các vùng còn có sự chênh lệch lớn, do nhận thức của họ về lợi ích chính sách này còn hạn chế...
Hướng tới xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng
Trên cơ sở kết quả đạt được và để khắc phục những bất cập trong thực hiện chính sách BHXH, thời gian tới Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 đề ra một số mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội hướng đến bao phủ toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho tất cả người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau; tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau góp phần thực hiện khát vọng dân tộc, phát triển đất nước phồn vinh, tự cường và hạnh phúc.
Hai là, xây dựng xã hội phát triển, hiện đại, hài hoà và bền vững; tất cả công dân đều có cơ hội tham gia, phát triển và được bảo đảm an sinh xã hội, được hưởng phúc lợi xã hội cao; xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; góp phần xây dựng đất nước phát triển có thu nhập cao, xã hội phồn vinh, hạnh phúc.
Để đạt mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm gồm: Cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng; phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế theo hướng bao phủ toàn bộ lực lượng lao động; cải cách hệ thống hưu trí, đổi mới cung cấp đa dạng các sản phẩm BHXH. Quản lý và đầu tư Quỹ BHXH an toàn, bền vững, hiệu quả.
Bên cạnh phát triển BHXH đa tầng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng đảm bảo đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp và duy trì việc làm bền vững cho người lao động, từ đó góp phần tạo an sinh xã hội bền vững, ổn định.