Kinh nghiệm hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần của một số quốc gia và gợi ý chính sách cho Việt Nam


Trong hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 lan rộng và diễn biến phức tạp đã khiến nhiều người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập. Trong bối cảnh đó, nhiều người lao động đã lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, vì cần có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Tình trạng này không chỉ tạo sức ép lớn lên hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Để khắc phục tình trạng này, bài viết nghiên cứu kinh nghiệm hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một lần của một số quốc gia, từ đó gợi ý chính sách cho Việt Nam trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Kinh nghiệm hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần của một số quốc gia

Để đảm bảo quyền được hưởng an sinh xã hội (ASXH) của con người, hệ thống ASXH đã được hình thành và phát triển theo hướng ngày càng hoàn thiện. Theo đó, hệ thống ASXH bao gồm nhiều chế độ, chính sách, trong đó mỗi chế độ, chính sách có vai trò, chức năng và phạm vi hoạt động riêng, nhằm tạo ra một mạng lưới ASXH rộng khắp, bao trùm toàn bộ dân cư của một quốc gia. Hệ thống này có mục tiêu bảo vệ mọi thành viên trước những rủi ro, biến động bất thường xảy ra hay trong những hoàn cảnh và điều kiện đặc biệt.

Trong hệ thống ASXH, hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất. Bản chất của BHXH là sự bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động (NLĐ) khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc tử vong trên cơ sở đóng góp vào Quỹ BHXH.

Chính vì tầm quan trọng của các chế độ BHXH trong suốt vòng đời của NLĐ, đặc biệt là mức độ ảnh hưởng của chế độ hưu trí tới cuộc sống của NLĐ và gia đình họ khi NLĐ mất sức lao động hay hết tuổi lao động, nên hầu hết các quốc gia đều có quy định hạn chế NLĐ nhận BHXH một lần.

Theo Hiệp hội An sinh quốc tế và Tổ chức Lao động quốc tế, các quốc gia có hệ thống bảo hiểm hưu trí giống như Việt Nam đều không cho hưởng BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp định cư ở nước ngoài hay bị bệnh hiểm nghèo. Chẳng hạn như: Tại các nước có hệ thống BHXH có mức hưởng được xác định trước như Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ và Colombia…, pháp luật BHXH cho phép hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, để được chi trả BHXH một lần, người lao động tại các nước này phải thỏa mãn điều kiện về độ tuổi. Đáng chú ý, tại các quốc gia này, khi đến tuổi nghỉ hưu, nếu chưa đủ thời gian đóng BHXH, NLĐ sẽ được nhận BHXH một lần. Trong khi đó, các quốc gia khác như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Brazil, Canada, Argentina, Pháp, Nga và Đức không cho phép hưởng BHXH một lần.

Mặt khác, theo thống kê của các tổ chức quốc tế cho thấy, hầu hết những quốc gia có hệ thống bảo hiểm hưu trí dựa trên tài khoản cá nhân cũng không khuyến khích NLĐ rút các khoản đóng góp trước 55 tuổi hoặc chỉ cho phép rút một tỷ lệ hạn chế để đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng, đầu tư trước mắt. Tuy nhiên, khoản chi trả này phải trích từ Quỹ Phòng xa, Quỹ Hưu trí bổ sung hoặc các chương trình bảo hiểm hưu trí theo ngành nghề, để đảm bảo khả năng NLĐ không gặp rủi ro khi về già, không có lương hưu và chăm sóc y tế.

Còn tại các nước như: Brunei, Malaysia, Singapore và Ấn Độ cho phép rút sớm một khoản tiền hạn chế ở trong các Quỹ Phòng xa, Quỹ Hưu trí bổ sung hoặc Quỹ Hưu trí theo ngành nghề để phục vụ mục đính mua nhà ở hoặc chi tiêu cho giáo dục, y tế (tại Brunei và Malaysia khoảng 20% -25% các tài khoản đóng góp cá nhân có thể được rút ra để mua nhà; tại Malaysia, Singapore và Ấn Độ cho phép rút khoản tiền giới hạn phục vụ cho giáo dục và y tế).

Tuy nhiên, các quốc gia này cũng chỉ cho phép trả một lần các khoản lương hưu sớm sau 50 tuổi hoặc 55 tuổi (Ấn Độ cho phép rút 90% tổng đóng góp ở 54 tuổi (4 năm trước độ tuổi nghỉ hưu); Malaysia cho phép rút 30% ở 50 tuổi (5 năm trước độ tuổi nghỉ hưu); Singapore cho phép rút 5.000 đôla Sing (3.785 USD) ở độ tuổi 55 (5 năm trước khi nghỉ hưu); Anh cho phép rút 100% ở độ tuổi 55. Hiện nay, một số nước theo hệ thống này cũng đang điều chỉnh thu hẹp các điều kiện hưởng BHXH một lần, hướng tới mục tiêu an sinh lâu dài cho NLĐ, phù hợp với xu hướng già hóa dân số.

Thực trạng nhận bảo hiểm xã hội một lần ở Việt Nam

Hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 lan rộng và diễn biến phức tạp khiến nhiều NLĐ mất việc làm, dẫn đến không có thu nhập, đa số chọn hưởng BHXH một lần, vì cần có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống. Một số NLĐ khác lựa chọn nhận, vì không hiểu được những lợi ích của việc hưởng lương hưu so với nhận BHXH một lần, cũng như tính nhân văn, ưu việt và tính chia sẻ, trách nhiệm cộng đồng của việc tham gia BHXH.

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2021, trước tác động của đại dịch COVID-19 đã có hơn 800.000 người hưởng BHXH một lần và tính đến hết quý I/2022, số người hưởng BHXH một lần là hơn 208.000 người, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù BHXH Việt Nam liên tục thông báo, cảnh báo tới NLĐ thay vì nhận BHXH một lần có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, nhưng số lượng người nhận BHXH một lần vẫn có xu hướng tăng cao trong thời gian qua.

Điều đáng lo ngại hơn là số người hưởng BHXH một lần có xu hướng trẻ hóa. Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, những người hưởng chế độ BHXH một lần trong thời gian qua, chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ 20 - 39 (chiếm 79% tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2014 - 2018). Trong đó, tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi từ 25 - 29 tuổi (chiếm 27,6%); nhóm tuổi từ 30 - 34 tuổi đứng thứ hai (chiếm 25,3%); tiếp theo là nhóm tuổi từ 35 - 39 tuổi và nhóm tuổi từ 20 - 24 tuổi lần lượt là 15,5% và 10,6%.

Các chuyên gia cho rằng, việc nhận BHXH một lần của NLĐ có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt, nhưng đồng nghĩa với việc họ đang đánh mất cơ hội hưởng chế độ ASXH khi về già. Đó là, khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có điều kiện vật chất đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già, không có cơ hội ổn định cuộc sống. Đặc biệt là sẽ mất đi quyền lợi được cấp thẻ BHYT miễn phí để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già; mất đi chế độ tử tuất như tiền mai táng phí, trợ cấp tuất một lần, thậm chí là các suất tuất hàng tháng...

Gợi ý chính sách cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm hạn chế nhận BHXH một lần của một số quốc gia, để giảm thiểu việc rút BHXH một lần ở Việt Nam trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHXH, trong đó xem xét sửa đổi Luật BHXH theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Điều này sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH (trong đó có BHXH tự nguyện), NLĐ sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm ASXH bền vững cho NLĐ.

Tiếp tục duy trì chính sách BHXH một lần, nhưng nghiên cứu sửa đổi, theo hướng để NLĐ tự quyết định lựa chọn việc thụ hưởng hoặc bảo lưu để hướng tới chế độ hưu trí lâu dài.

Hai là, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của NLĐ. Chỉ khi NLĐ có thu nhập ổn định, có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí sinh hoạt và có tích lũy khi đó sẽ nâng cao khả năng tiết kiệm, tham gia đóng góp để thụ hưởng khi về già.

Ba là, đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp truyền thông BHXH để cung cấp thông tin, định hướng dư luận, giúp NLĐ nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ, để đem lại lợi ích tối ưu nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, thông qua đó từng bước tạo dựng và củng cố niềm tin của người tham gia BHXH đối với chính sách.

* TS. Vũ Thị Như Quỳnh - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 4/2022.