Phát huy vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia trong kích thích đổi mới sáng tạo

Theo Hân Nguyễn/dangcongsan.vn

Đi vào hoạt động từ 2021, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được khai trương với mục tiêu hướng mạnh đến một nền kinh tế số, nền hành chính số, thời gian qua, NIC đã có nhiều hoạt động kích thích không khí đổi mới sáng tạo trong mọi khu vực của nền kinh tế, mọi doanh nghiệp và người dân.

Một trong nhiều hoạt động nổi bật của NIC trong thời gian qua. Nguồn: MPI
Một trong nhiều hoạt động nổi bật của NIC trong thời gian qua. Nguồn: MPI

Văn kiện Đại hội XIII xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Đây cũng là những chức năng nhiệm vụ cơ bản mà Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được giao triển khai thực hiện tại Quyết định thành lập do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Việc ra đời của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia có thể nói là hành động mạnh mẽ, cụ thể của Chính phủ, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm hiện thực hóa các cơ hội phát triển từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đưa đổi mới sáng tạo trở thành một động lực mạnh mẽ cho đất nước trong giai đoạn tới.

Trung tâm hoạt động theo mô hình là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Đây là mô hình đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ thành lập và khác với mô hình trung tâm phổ biến ở các nước trên thế giới là do các doanh nghiệp, tập đoàn thiết lập và thường chỉ phục vụ mục tiêu nghiên cứu phát triển của các doanh nghiệp, tập đoàn đó.

Với quan điểm đổi mới sáng tạo cần phải được thúc đẩy trong mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt lấy người dân, doanh nghiệp là trọng tâm, ngay từ năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Trung tâm xây dựng và triển khai những nhiệm vụ lớn trong phát triển hệ sinh thái, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo. Trong đó, một số hoạt động nổi bật là:

Tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam và Lễ Khởi công xây dựng Cơ sở hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc. Triển lãm với hơn 14 nghìn lượt người tham dự trực tiếp, đã quy tụ toàn bộ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như: cơ quan quản lý; viện nghiên cứu- trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn, trong nước và quốc tế; Quỹ đầu tư; cá nhân khởi nghiệp sáng tạo; cơ sở ươm tạo; Trung tâm Đổi mới sáng tạo các địa phương; Mạng lưới chuyên gia, trí thức, các mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn đổi mới sáng tạo,…

NIC Hòa Lạc sau khi được xây dựng xong sẽ là một nơi hỗ trợ về đổi mới sáng tạo quy mô lớn nhất Việt Nam, cùng với điều kiện cơ sở hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển và thương mại hoá các sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh đoanh. Đây là điều kiện cần thiết để Việt Nam có thể tiến cùng và bứt phá vươn lên ở các lĩnh vực theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Cũng trong năm 2021, Trung tâm đã ban hành Quy chế lựa chọn tổ chức, cá nhân đổi mới sáng tạo vào hoạt động tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hà Nội nhằm xem xét, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đổi mới sáng tạo theo quy định tại Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ. Đồng thời, Trung tâm cũng đã cơ bản hoàn thiện Cơ sở hoạt động tại Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội. Đây sẽ là một hệ sinh thái thu nhỏ điển hình và là một mô hình có tính thực tiễn cao để các địa phương, doanh nghiệp tham khảo và áp dụng.

Trung tâm cũng tiên phong kết nối các Trung tâm đổi mới sáng tạo trong nước, trao đổi, hướng dẫn các địa phương trong việc thành lập, vận hành các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Đáng chú ý, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã phối hợp với nhiều đối tác lớn trong nước và quốc tế như Google, Amazon, Hitachi, Siemens, USAID, UNDP, ADB, Viettel, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội… tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, khóa đào tạo và các dự án hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho các cơ quan, tổ chức ở Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chỉ đạo Trung tâm phát triển mạnh Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với 6 Mạng lưới thành phần (tại Châu Âu, Đức, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan) với nhiều hoạt động thiết thực trong năm 2021 như Chương trình Innocity (Mạng lưới ở Châu Âu), Diễn đàn nông nghiệp thông minh (Mạng lưới ở Úc), Diễn đàn Vietnam Summit 2021 và Giới thiệu Tuyển tập Khoa học và Công nghệ Nhật Ban (Mạng lưới Nhật Bản), Hội thảo xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam (Mạng lưới ở Hàn Quốc).

Các hoạt động nêu trên đã góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và lan tỏa tinh thần và các mô hình đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân cả nước.