Thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp Việt Nam
Tại Hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam” tổ chức sáng 15/12, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đã có những chia sẻ nhằm góp ý chính sách, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể khi tăng 10 bậc kể từ năm 2015. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập.
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 sau khi Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020).
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã và đang làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong sự thay đổi này, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đang ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi tổ chức, mỗi quốc gia.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD...
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến lần đầu tiên, GDP quý III/2021 ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP hàng quý đến nay. Trên bình diện doanh nghiệp, năm 2021 cũng là năm ghi nhận số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, rời khỏi thương trường tăng cao kỷ lục: khoảng gần 120.000 doanh nghiệp.
“Thực tế này đặt lên vai trách nhiệm với mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp vượt qua thách thức đại dịch và góp sức thực thi các mục tiêu dài hạn mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa cho khát vọng phát triển dài hạn…”, bà Thủy nhấn mạnh.
Để hỗ trợ nền kinh tế cũng như doanh nghiệp phục hồi trong đại dịch COVID-19, ông Ngô Long Giang, Giám đốc Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, Chính phủ nên tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, kịp thời đề xuất phương án tháo gỡ; cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp; khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh....
Theo đại diện MBS, Chính phủ cần kiên trì thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP. Cần đẩy mạnh công tác bao phủ vắc-xin cho toàn dân.
Các địa phương cần áp dụng thống nhất các quy định phòng chống dịch COVID-19, chuyển hẳn sang trạng thái “bình thường mới” và cam kết không áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội gây gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp.
Các địa phương cần chủ động hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án tái sản xuất kinh doanh; có chính sách hỗ trợ đầu ra, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp; khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về miễn, giảm phí, lệ phí, thuế…
Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chuyển đổi số mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp mà các doanh nghiệp không thể không triển khai.
Dẫn chỉ báo kinh tế số tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ thuê bao băng rộng (cả cố định và di động) tương đối tốt so với một số quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Indonesia, Malaysia). Tỷ lệ các doanh nghiệp trực tuyến sử dụng thanh toán kỹ thuật số cũng ngang bằng với một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, môi trường kinh tế số của Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Theo đó, tỷ lệ giao dịch kỹ thuât số của Việt Nam chỉ đạt 22%, trong khi ở Indonesia là 34% và Thái Lan là 62%. Đồng thời, tỷ lệ thanh toán online khi mua sắm trên internet của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực (chỉ đạt 10%) so với 49% của Indonesia và 52% của Malaysia.
Bà Thủy cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều rào cản, khó khăn trong chuyển đổi số như chi phí đầu tư vào chuyển đổi số cao, hạ tầng công nghệ thông tin kém phát triển, các giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận.
Đồng thời, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế; các doanh nghiệp còn thiếu tiếp cận, kiến thức/thông tin về công nghệ số. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi số sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.
Thực tế trải qua nhiều khó khăn để tới thành công từ một doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, thất bại là một phần trong đổi mới sáng tạo, nhưng làm sao “ngã về phía trước”, để tiến tới kết quả thành công chung.
Lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Đổi mới sáng tạo phải bắt nguồn từ lãnh đạo doanh nghiệp với tư tưởng phải nhất quán, thì mới mang lại kết quả cho doanh nghiệp.
Quá trình hiện thực hóa các nỗ lực đổi mới sáng tạo vào sản xuất kinh doanh gặp không ít thách thức, khi mà ngày trong giai đoạn hình thành ý tưởng đã phải đối mặt với nhiều câu hỏi chất vấn, phải chứng minh tính hiệu quả và khả thi của ý tưởng đó, trong khi đổi mới sáng tạo đã hàm ý khác với những giá trị hiện tại.
Theo bà Phương, để nhất quán được, thì cần tính toán càng chi tiết và các dự báo rủi ro nhiều bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Cần cụ thể và rõ ràng trong mục tiêu, đó sẽ là kim chỉ nam và định hướng khi có các vấn đề hay mâu thuẫn phát sinh.