Phát sinh chi phí, ô tô nhập khó có giá rẻ
Trong nửa đầu tháng 8/2018, xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ 2 thị trường trong ASEAN là Thái Lan và Indonesia đã chiếm tới 80 – 90% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam.
Tình hình nhập xe ô tô nguyên chiếc hiện được dự đoán có chiều hướng gia tăng trở lại từ nay đến cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2018 đã giảm tới 6% so cùng kỳ năm ngoái.
Xe nhập quay trở lại
Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho biết các nhà nhập ô tô nguyên chiếc nay đã bắt đầu quay lại, tăng trưởng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cũng gia tăng theo.
Ông Toru tin rằng thị trường ô tô nhập khẩu trong năm 2018 sẽ duy trì ngang ngửa hoặc có thể cao hơn năm 2017 nhờ sức mua tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm nay.
Tuy vậy, việc nhập khẩu ô tô đã chịu ảnh hưởng một phần của Nghị định 116/2017/ NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô, nhập khẩu ô tô.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề buổi họp báo tại TP. Hồ Chí Minh nhằm giới thiệu Triển lãm Ô tô Việt Nam 2018 (Vietnam Motor Show 2018, diễn ra từ 24 – 28/10/2018 ở TP. Hồ Chí Minh), Chủ tịch VAMA cho rằng việc thuế nhập khẩu của các dòng xe từ khối ASEAN về thị trường Việt Nam giảm về 0% từ đầu năm đến nay không có nghĩa là giá xe ô tô nhập khẩu sẽ rẻ mà còn tuỳ thuộc vào yếu tố thị trường và nhiều yếu tố khác.
Trong khi đó, ông Laurent Genet, đại diện Các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA), thừa nhận việc nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ châu Âu về Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 đã giảm rất nhiều.
Phía VIVA đang thảo luận với các cơ quan quản lý từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để tìm giải pháp hỗ trợ các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng từ châu Âu trong nửa cuối năm nay.
Theo ông Laurent, cách đây 2 tháng, Bộ GTVT đã chấp thuận một số điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà nhập khẩu. Cơ bản là các nhà nhập khẩu đang trở lại dù mất nhiều thời gian và các dòng xe mới cũng sẽ trở lại Việt Nam.
Được biết, xe du lịch cỡ nhỏ đang là phân khúc chiếm thị phần cao nhất và đạt mức tăng trưởng nhanh nhất tại thị trường ô tô Việt Nam, với mức giá dao động từ dưới 500 triệu đồng đến 900 triệu đồng.
Vướng thời gian đăng kiểm
Theo số liệu của VAMA, doanh số bán hàng toàn ngành (bao gồm số liệu của các nhà nhập khẩu không phải là thành viên VAMA, Mercedes-Benz và Lexus) hồi năm ngoái đạt gần 251.000 xe, tiếp tục đáp ứng phần lớn nhu cầu xe du lịch và xe thương mại tại thị trường Việt Nam. Trước đó, năm 2016, số liệu toàn ngành đạt 272.000 xe, con số cao nhất từ trước tới thời điểm này.
Dưới góc độ một nhà nhập khẩu, ông Paul Anthony Varley, Tổng Giám đốc công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Đại Á (đại diện của các nhãn hiệu xe Jaguar và Land Rover tại Việt Nam), cho biết 6 tháng đầu năm 2018 là quãng thời gian khó khăn khi các nhà nhập khẩu phải quen dần với những quy trình và yêu cầu, chuẩn bị các giấy tờ cần thiết cho việc nhập xe.
Một trong những khó khăn này là thời gian đăng kiểm xe kéo dài hơn so với trước đây 2 tháng. Với những đơn đặt hàng trước đây, nhà nhập khẩu phải kéo dài thời gian giao xe cho khách hàng, điều này chắc chắn sẽ tăng các chi phí lưu kho bãi, chi phí đăng kiểm cũng như các phí mới khác cho việc nhận xe ra.
"Các chi phí phát sinh này là từ Nghị định số 116, nhưng công ty chúng tôi chưa có kế hoạch hay ý định tăng giá bán. Chỉ khi nào có thay đổi về chính sách thuế nhập khẩu thì mới là lý do để cân nhắc tăng giá xe. Khi chính sách thuế như thuế nhập khẩu hay thuế tiêu thụ đặc biệt có sự thay đổi thì lúc đó, nhà nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc sẽ điều chỉnh phù hợp với các chính sách mới", ông Paul Anthony Varley chia sẻ thêm.
Ngoài các vấn đề nêu trên, mới đây, VAMA lại tiếp tục có văn bản gửi tới Bộ Công Thương, Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ đề xuất về một số vấn đề được quy định trong Nghị định số 116, nhất là quy định đường thử xe đối với xe ô tô sản xuất trong nước (đường thử xe có chiều dài tối thiểu 800m trước ngày 17/4/2019).
VAMA cho rằng cần bỏ hẳn quy định này vì nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu do không có đủ quỹ đất trong việc xây dựng mới hoặc mở rộng đường thử. Ngoài ra, việc thuê đường thử cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí rất lớn cho việc thuê đường thử và chi phí vận chuyển xe từ nhà máy sang khu vực đường thử.
"Nghị định số 116 đang tạo ra một số thử thách và khó khăn về mặt chi phí, thủ tục cũng như thời gian. Nếu Chính phủ gỡ bỏ một số khó khăn đó thì VAMA rất hoan nghênh. Tuy nhiên, sau khi gửi văn bản kiến nghị, chúng tôi chưa nhận được thông tin phản hồi chính thức nào", ông Toru Kinoshita nói.