Phát triển công nghiệp công nghệ cao – Đòn bẩy để Hải Phòng bứt phá

Đồng chí Lê Trung Kiên - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng

Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành như một quyết sách mang tính đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây chính là kim chỉ nam để các địa phương, trong đó có Hải Phòng, nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức và phát huy tối đa tiềm năng.

Đồng chí Lê Trung Kiên - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng
Đồng chí Lê Trung Kiên - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng

Quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết 57, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu chiến lược đã được đề ra tại Nghị quyết 45-NQ/TW và Kết luận 96-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố, Hải Phòng xác định con đường phát triển trong giai đoạn mới phải dựa vững chắc trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS). Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm mà còn là giải pháp đột phá để Hải Phòng thực hiện thành công vai trò tiên phong trong sự nghiệp CNH-HĐH, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của cả vùng và đất nước.

Vai trò then chốt của các KCN, KKT trong kiến tạo nền tảng công nghệ cao

Nhận thức rõ xu thế phát triển bền vững và vai trò động lực của công nghiệp tập trung; từ những năm 90 của thế kỷ trước, Hải Phòng đã tiên phong quy hoạch và thành lập các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT). Trải qua hơn ba thập kỷ, các KCN, KKT không chỉ là xương sống của nền kinh tế thành phố mà còn là "vườn ươm" quan trọng cho sự phát triển của công nghiệp công nghệ cao, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư toàn cầu.

Hiện nay, với 02 KKT chiến lược là Đình Vũ-Cát Hải đang hoạt động hiệu quả và KKT ven biển phía Nam đang trong giai đoạn hình thành, cùng với đó là mạng lưới 18 KCN hiện hữu trải rộng trên diện tích hơn 7.000 ha; Hải Phòng đã thành công kiến tạo một hệ sinh thái công nghiệp đa dạng, năng động và có sức hút mạnh mẽ. Đây không chỉ là tập hợp các khu vực sản xuất riêng lẻ mà là một thể thống nhất, nơi các yếu tố hạ tầng, dịch vụ và sản xuất được kết nối chặt chẽ, tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư và phát triển.

Sự hình thành và lớn mạnh của hệ sinh thái này có dấu ấn đậm nét của các nhà đầu tư hạ tầng KCN chuyên nghiệp và uy tín như: DEEP C, Tràng Duệ, VSIP Hải Phòng, Nam Đình Vũ... Các KCN này không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc thu hút những dòng vốn đầu tư khổng lồ ở trong và ngoài nước, mà còn tiên phong mang đến những chuẩn mực quốc tế về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và áp dụng các quy trình quản lý hiện đại, bền vững. Chính sự đầu tư bài bản này đã tạo lập nền tảng vững chắc, thu hút hàng loạt các dự án sản xuất quy mô lớn thuộc nhiều lĩnh vực then chốt như điện tử công nghệ cao, sản xuất thiết bị, cơ khí chính xác, logistics, và các ngành công nghiệp phụ trợ.

Điểm nhấn đặc biệt tạo nên sức mạnh cạnh tranh vượt trội cho hệ sinh thái công nghiệp Hải Phòng chính là sự liên kết hữu cơ, chặt chẽ giữa KKT Đình Vũ-Cát Hải với các KCN và hệ thống cảng biển nước sâu Lạch Huyện. Cảng cửa ngõ quốc tế này, với các bến số 1 và 2 đã đi vào khai thác ổn định, chứng minh hiệu quả vượt trội, cùng các bến 3, 4, 5, 6 đang bắt đầu khai thác và các bến tiếp theo trong lộ trình đầu tư, đã trở thành mắt xích logistics quan trọng bậc nhất miền Bắc. Sự kết nối liền mạch này giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm thiểu chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa, tạo thành một lợi thế cạnh tranh không thể phủ nhận cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây. Nhờ thế liên hoàn "KKT - KCN - Cảng biển" này, Hải Phòng đã và đang khẳng định vị thế là một trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển hàng đầu khu vực, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam và Đông Nam Á.

         Cổng ngoài KCN DEEP C, thành phố Hải Phòng
         Cổng ngoài KCN DEEP C, thành phố Hải Phòng

Chuyển dịch đầu tư sang chiều sâu: Ưu tiên hàm lượng khoa học công nghệ

Bám sát và chủ động hiện thực hóa tinh thần đột phá của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Hải Phòng đã thực hiện một bước chuyển chiến lược mang tính bước ngoặt trong thu hút đầu tư, quyết liệt chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Mục tiêu cốt lõi không chỉ là gia tăng quy mô vốn mà là nâng cao hàm lượng KHCN, thúc đẩy ĐMST và đẩy nhanh quá trình CĐS trong toàn bộ nền kinh tế.

Kết quả đạt được đến hết năm 2024 là minh chứng rõ ràng cho sự chuyển dịch này. Các KCN, KKT của thành phố đã trở thành điểm đến tin cậy của hơn 840 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 48 tỷ USD. Đặc biệt, suất đầu tư trung bình đạt gần 11 triệu USD/ha đất công nghiệp, gấp 2,2 lần mức trung bình cả nước, cho thấy sức hấp dẫn vượt trội đối với các dự án đòi hỏi công nghệ cao, vốn lớn, phù hợp với định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW.

Quan trọng hơn, dòng vốn này ngày càng tập trung vào các dự án quy mô lớn, mang tính dẫn dắt về công nghệ, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu – những yếu tố then chốt để tạo ra đột phá về KHCN&ĐMST. Sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như LG (với hệ sinh thái đầu tư 9,24 tỷ USD), Bridgestone (1,22 tỷ USD), Regina Miracle (1 tỷ USD), Pegatron (1 tỷ USD)... không chỉ là những con số về vốn.

Thành công trong thu hút đầu tư chất lượng cao đã trực tiếp thúc đẩy hàm lượng KHCN&ĐMST trong cơ cấu kinh tế thành phố. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng vọt từ 43% (2018) lên 60,6% (2023) là một chỉ dấu quan trọng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) liên tục tăng trưởng ấn tượng (trung bình trên 14% giai đoạn 2019-2024) không chỉ phản ánh sức sống của nền kinh tế mà còn khẳng định vai trò dẫn dắt của các ngành công nghiệp dựa trên KHCN&ĐMST, đúng theo định hướng đột phá mà Nghị quyết 57-NQ/TW đã vạch ra.

Hải Phòng đang dồn lực kiến tạo một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, hoạt động như một bệ phóng vững chắc. Nỗ lực này được triển khai đồng bộ trên nhiều mặt trận, bám sát và cụ thể hóa những định hướng đột phá mà Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã đề ra:

Hoàn thiện thể chế, chính sách: Thành phố không chỉ dừng lại ở việc áp dụng các quy định chung mà còn chủ động rà soát, nghiên cứu và mạnh dạn đề xuất với Trung ương các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, vượt trội; nhằm tạo dựng một hành lang pháp lý thực sự thông thoáng, minh bạch, giảm thiểu rào cản, tối đa hóa thuận lợi cho hoạt động đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), ứng dụng công nghệ mới, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là thúc đẩy các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số; các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai... được thiết kế có trọng tâm, hướng vào các dự án KHCN&ĐMST và CĐS.

Song song đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh, đầu tư, cấp phép cho các dự án công nghệ, được đẩy mạnh theo hướng số hóa, đơn giản hóa tối đa. Việc liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, nhằm xây dựng niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp.

Phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại: Hải Phòng tiếp tục phát huy lợi thế của một trung tâm logistics với hệ thống giao thông kết nối đa phương thức (đường bộ cao tốc liên vùng, cảng biển nước sâu quốc tế Lạch Huyện và Nam Đồ Sơn trong tương lai, cảng hàng không quốc tế Cát Bi và Tiên Lãng sắp tới, mạng lưới đường sắt được quy hoạch hiện đại).

Cùng với đó, một điểm nhấn đột phá là thành phố đang ưu tiên nguồn lực đầu tư mạnh mẽ, đi trước một bước trong việc xây dựng hạ tầng số tiên tiến. Mạng lưới viễn thông 5G được phủ rộng, các trung tâm dữ liệu hiện đại, an toàn và các nền tảng điện toán đám mây mạnh mẽ đang được hình thành. Đây chính là hạ tầng thiết yếu, tạo nền tảng vững chắc cho cuộc cách mạng chuyển đổi số diễn ra sâu rộng trong mọi lĩnh vực, từ quản lý nhà nước, sản xuất công nghiệp, dịch vụ logistics đến đời sống xã hội, sẵn sàng cho các ứng dụng IoT, Big Data, AI.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Hải Phòng xác định đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao là đầu tư cho tương lai bền vững. Thành phố đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ cao, công nghệ thông tin, tự động hóa, bán dẫn, AI, khoa học dữ liệu; đến việc ban hành các chính sách đột phá để thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước. Mô hình liên kết ba nhà “Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp” được thúc đẩy mạnh mẽ, đảm bảo đào tạo gắn liền với thực tiễn sản xuất, giải quyết bài toán “cung - cầu” lao động kỹ thuật cao.

Bên cạnh đó, nhận thức rõ “an cư” mới “lạc nghiệp”, thành phố đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với thiết kế hiện đại, tiện nghi, đồng thời phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục chất lượng cao, tạo dựng một môi trường sống hấp dẫn, đáng sống để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực tinh hoa.

Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư: Hoạt động xúc tiến đầu tư được đổi mới theo hướng chủ động, chuyên nghiệp và có trọng tâm, trọng điểm. Không chỉ dừng lại ở các hội nghị, hội thảo thông thường, lãnh đạo thành phố trực tiếp tham gia các chiến dịch xúc tiến tại các thị trường tiềm năng, đối thoại thẳng thắn, cởi mở với các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn công nghệ toàn cầu.

Thông điệp nhất quán được truyền tải là cam kết mạnh mẽ của Hải Phòng trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, thành phố ưu tiên và "trải thảm đỏ" mời gọi các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, R&D, các dự án thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng phát triển bền vững và mục tiêu đột phá về KHCN&ĐMST của quốc gia.

Toàn cảnh KKT Đình Vũ, Cát Hải, TP. Hải Phòng
Toàn cảnh KKT Đình Vũ, Cát Hải, TP. Hải Phòng

Mở rộng không gian phát triển: KKT ven biển phía Nam và khát vọng đột phá công nghệ

Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng, với quy hoạch lên đến 20.000 ha, không chỉ đơn thuần là việc mở rộng không gian phát triển mà thực sự đánh dấu một chương hoàn toàn mới, mang tính bước ngoặt chiến lược cho thành phố Cảng. KKT này được kỳ vọng sẽ trở thành một hạt nhân tăng trưởng thế hệ mới, nơi hội tụ tinh hoa công nghệ và nguồn lực đầu tư, tạo ra sức bật mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội.

Tiềm năng của KKT ven biển phía Nam càng được nhân lên gấp bội khi được đặt trong một tổng thể phát triển hạ tầng đồng bộ và mang tầm vóc quốc tế. Việc hình thành đồng thời với các siêu dự án như Cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng, hệ thống Cảng nước sâu Nam Đồ Sơn - cửa ngõ và trung chuyển quốc tế, cùng với ý tưởng tiên phong về việc thành lập một Khu Thương mại tự do với các cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, sẽ tạo nên một tổ hợp phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại bậc nhất. Hứa hẹn tạo ra một lực hấp dẫn đầu tư chưa từng có, đặc biệt nhắm vào các dự án công nghệ cao, các trung tâm R&D, ngành công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, dịch vụ logistics thông minh, và các lĩnh vực kinh tế biển tiên tiến dựa trên nền tảng số và bền vững.

Hướng tới tương lai, Hải Phòng xác định một lộ trình phát triển rõ ràng cho toàn bộ hệ thống KCN, KKT, không chỉ khu vực mới mà cả những khu hiện hữu. Đó là quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình KCN, KKT sinh thái, thông minh. Việc ứng dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, quản lý tài nguyên hiệu quả, sử dụng năng lượng sạch sẽ là tiêu chuẩn bắt buộc. Đồng thời, công nghệ số sẽ được tích hợp sâu rộng vào công tác quản lý, vận hành hạ tầng, cung cấp dịch vụ công và kết nối doanh nghiệp, hướng tới xây dựng các KCN, KKT thông minh, hiệu quả và có khả năng chống chịu cao.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Hải Phòng đặt ra những mục tiêu cụ thể và đầy thách thức cho giai đoạn đến năm 2030 là: Tiếp tục quy hoạch và thành lập thêm các KCN mới theo mô hình tiên tiến; nâng cao vai trò chủ lực của hệ thống KCN, KKT để tỷ lệ đóng góp vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố đạt trên 90%; đồng thời, kiên định mục tiêu thu hút các dòng vốn FDI và DDI chất lượng cao, tập trung vào các dự án tạo ra giá trị gia tăng lớn và công nghệ lõi.

Với quyết tâm chính trị cao, chiến lược phát triển bài bản, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, Hải Phòng đang tận dụng hiệu quả thời cơ từ Nghị quyết 57-NQ/TW, đẩy mạnh phát triển công nghiệp dựa trên nền tảng KHCN&ĐMST và CĐS. Đây chính là đòn bẩy quan trọng để thành phố thực hiện thành công Nghị quyết 45, Kết luận 96 của Bộ Chính trị, sớm trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp CNH-HĐH, động lực phát triển của Vùng và cả nước, cùng non sông Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.