Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam

ThS. Đào Hồng Chuyên - Trường Đại học Lao động - Xã hội

Tại Việt Nam, việc thực hiện bảo hiểm xã hội (BHXH) cho mọi người lao động thông qua việc mở rộng độ bao phủ và nâng cao hiệu quả của chính sách BHXH tự nguyện góp phần quan trọng không chỉ cho sự phát triển kinh tế mà còn nhằm mục tiêu ổn định xã hội và an sinh cho mọi người dân. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần phát huy hơn nữa vai trò của Nhà nước trong việc phát triển đối tượng cũng như nâng cao hiệu quả của chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam hiện nay.

Cần phát huy hơn nữa vai trò của Nhà nước trong việc phát triển đối tượng cũng như nâng cao hiệu quả của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cần phát huy hơn nữa vai trò của Nhà nước trong việc phát triển đối tượng cũng như nâng cao hiệu quả của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Khái quát về bảo hiểm xã hội tự nguyện và việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức, mà người tham gia bảo hiểm được quyền lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với tài chính của mình.

Khoản 4, Điều 2 Luật BHXH số 58/2014/QH13 ban hành ngày 20/11/2014 quy định công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.

Khoản 2 Điều 4, Luật BHXH 2014 quy định, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng quyền lợi từ 02 chế độ hưu trí và tử tuất như đối với người tham gia BHXH bắt buộc.

Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng quyền lợi và các khoản tiền trợ cấp sau: (1) Hưởng tiền lương hưu hằng tháng; (2) Nhận tiền trợ cấp một lần; (3) Tiền trợ cấp mai táng; (4) Tiền trợ cấp tử tuất một lần; (5) Quyền lợi về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

So với chế độ BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng ít quyền lợi hơn như: người tham gia sẽ không được hưởng các chế độ ốm đau, chế độ thai sản và chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, hình thức đóng BHXH tự nguyện cũng mang lại một số lợi ích nhất định cho người tham gia như: Phương thức, mức đóng BHXH tự nguyện linh hoạt; Giúp người dân không đủ điều kiện tham gia BHXH bắt buộc có thể tiếp tục đóng bảo hiểm để hưởng lương khi về già.

Điều 87, Luật BHXH Việt Nam 2014 quy định chi tiết mức đóng BHXH tự nguyện cho người lao động như sau: Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Bảng 1: Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất và mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện (đồng)

TT

Người tham gia

Mức đóng thấp nhất hàng tháng

Nhà nước chưa hỗ trợ

Tỷ lệ (%) Nhà nước hỗ trợ

Số tiền Nhà nước hỗ trợ hàng tháng

Mức đóng thấp nhất hàng tháng sau khi Nhà nước hỗ trợ

1

Người thuộc hộ nghèo

330.0 00

30%

99.000

231.000

 

2

Người thuộc hộ cận nghèo

330.000

25%

82.500

247.500

 

3

Người thuộc đối tượng khác

330.000

10%

33.000

297.000

 

Nguồn: Luật BHXH năm 2014

Người tham gia được chọn một trong các phương thức đóng: (i) Hằng tháng; (ii) 03 tháng một lần; (iii) 06 tháng một lần; (iv) 12 tháng một lần; (v) Đóng 1 lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc 1 lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định.

Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định về chuẩn nghèo của khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng trong giai đoạn 2022 - 2025. Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất và mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao tham gia BHXH tự nguyện được thể hiện như Bảng 1.

Vai trò của bảo hiểm xã hội tự nguyện

BHXH là trụ cột chính, là xương sống trong hệ thống an sinh xã hội, đem lại chỗ dựa vững chắc cho cuộc sống của người lao động, góp phần đảm bảo an toàn xã hội.

Vì vậy, cùng với các loại hình BHXH khác, BHXH tự nguyện có vai trò quan trọng đối với người lao động cũng như sự phát triển bền vững của xã hội nói chung. Cụ thể:

Thứ nhất, BHXH tự nguyện có vai trò quan trọng đối với người lao động do đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là những người lao động tự do, hầu như không có quan hệ lao động với chủ sử dụng lao động, thu nhập thường thấp, không ổn định như: nông dân, những người kinh doanh, buôn bán tự do…

Thứ hai, việc tham gia BHXH tự nguyện giúp người lao động có ý thức trong tiết kiệm, đầu tư những khoản nhỏ, đều đặn để có nguồn dự phòng cần thiết chi dùng khi già cả, mất sức lao động, góp phần ổn định cuộc sống.

Thứ ba, BHXH tự nguyện tạo ra cơ chế chia sẻ rủi ro, nâng cao tính cộng đồng xã hội, cùng truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong xã hội và góp phần thực hiện công bằng xã hội, phân phối lại thu nhập xã hội trên cơ sở sự tương trợ để thiết lập hệ thống an sinh xã hội bền vững.

Như vậy, có thể thấy, người lao động được tự do lựa chọn mức đóng BHXH tự nguyện cho mình và có sự hỗ trợ từ Nhà nước tạo điều kiện tốt nhất để người lao động có hoàn cảnh khó khăn cũng có thể tham gia đóng BHXH, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội toàn dân ở mức cao hơn.

Thực trạng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam hiện nay

Chính sách về bảo hiểm xã hội tự nguyện

Ở Việt Nam, chính sách BHXH luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Cụ thể là: Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 nêu rõ: “Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng và với mục tiêu Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)”.

Tiếp đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020 tiếp tục khẳng định và đặt ra mục tiêu “Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện…”.

Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân…”.

Luật BHXH được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 đã dành chương IV (từ Điều 69 đến Điều 79), Mục 2 Chương IV (từ Điều 98 đến Điều 12 101) và một số điều khoản có liên quan để quy định về BHXH tự nguyện.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2008 và được hướng dẫn thực hiện tại Nghị định số 190/2007/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện và Thông tư số 02/2008/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 190/2007/NĐ-CP và Nghị định số 134/2008/NĐ-CP của Chính phủ điều chỉnh thu nhập tháng đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Ngày 20/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH năm 2014, trong đó có những quy định mới ưu việt hơn về BHXH tự nguyện. Theo đó, những quy định tại Luật BHXH sửa đổi về BHXH tự nguyện là sự tổng kết kinh nghiệm 07 năm thực hiện Luật BHXH, trên cơ sở đó có những sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng tốt yêu cầu mở rộng diện bao phủ BHXH đến người lao động thuộc mọi khu vực của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho công tác phát triển BHXH tự nguyện, Quỹ BHXH tự nguyện được thành lập. Đây là quỹ tiền tệ tập trung nằm trong hệ thống Quỹ BHXH, dùng để chi trả các chế độ BHXH tự nguyện cũng như chi trả các chi phí quản lý.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, Cơ quan BHXH Việt Nam là cơ quan thực hiện thống nhất quản lý Quỹ BHXH bắt buộc; Quỹ BHXH tự nguyện và Qũy bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy cùng nằm trong hệ thống Quỹ BHXH và do cùng một cơ quan quản lý nhưng Qũy BHXH tự nguyện hiện được hạch toán độc lập về nguồn thu, các khoản chi.

Thực trạng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Với mục tiêu ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động, chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Sau 10 năm triển khai, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2018 đến nay, công tác phát triển BHXH tự nguyện đã có nhiều bứt phá.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT tháng 6/2022 do BHXH Việt Nam tổ chức ngày 7/6/2022, cho biết, tính đến ngày 3/6/2022, có 16,74 triệu người tham gia BHXH, tăng 193,8 nghìn người so với cuối năm 2021. Số tham gia BHXH tự nguyện là trên 1,3 triệu người, tăng 170,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, thực tế, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp (1,3 triệu người/ 16,74 triệu người tham gia BHXH). Bên cạnh đó, việc áp dụng mức đóng BHXH tự nguyện theo chuẩn nghèo mới, cùng với những tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, nên việc phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, số tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình giảm sâu so với cuối năm 2021.

Như vậy, so với tiềm năng, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện phát triển còn chậm do một số nguyên nhân sau:

- Nhóm lao động phi chính thức làm việc theo chế độ linh hoạt là rất khó quản lý, họ hưởng lương, thu nhập khác từ nhiều nguồn khác nhau, không ổn định, không cố định về không gian, thời gian cụ thể.

- Nhận thức của người lao động về lợi ích của BHXH tự nguyện còn hạn chế, nhiều người chưa có hiểu biết rõ ràng về chính sách BHXH; mặt khác, thói quen phòng ngừa rủi ro chưa được hình thành, người lao động chỉ thực sự thấy cần bảo hiểm khi rủi ro hoặc sự cố xảy ra.

- Ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động chưa cao, chưa coi trọng việc tham gia BHXH tự nguyện.

- Tiền lương/thu nhập của người lao động thấp, dẫn đến việc hạn chế trong đóng BHXH tự nguyện. Điển hình như năm 2019, tiền lương bình quân của người làm công hưởng lương là 6,64 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân đầu người đạt 4,2 triệu đồng/tháng…

- Sự cạnh tranh của các sản phẩm bảo hiểm thương mại. Ngoài chế độ hưu trí của loại hình BHXH tự nguyện, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng cung cấp cho người lao động các sản phẩm bảo hiểm cho tuổi già.

- Chính sách BHXH chưa đảm bảo sự ổn định. Các chế độ BHXH dài hạn (hưu trí, tử tuất) có đặc điểm là thời gian đóng và thời gian hưởng có sự tách bạch và phát sinh trong thời gian dài.

Chính sách BHXH có nhiều sự thay đổi, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia, điều đó ảnh hưởng tới niềm tin của người dân vào chính sách.

- Trên thực tế, người lao động ở khu vực phi chính thức cũng thường bị ốm đau, thai sản, thất nghiệp cũng có xu hướng tăng cao. Do đó, nếu không có chính sách tăng quyền lợi, mở rộng quyền lợi cho người lao động thì sẽ khó thu hút được họ tham gia BHXH tự nguyện.

Giải pháp phát triển đối tượng và nâng cao hiệu quả tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Nhằm phát triển đối tượng và nâng cao hiệu quả tham gia BHXH tự nguyện theo hướng bền vững, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường thông tin, tuyên truyền.

Cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới các đối tượng chưa tham gia BHXH tự nguyện, theo đó, cần tuyên truyền việc tham gia BHXH tự nguyện là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm của người đó (trách nhiệm đối với chính bản thân và cộng đồng).

Trong hoạt động tuyên truyền, cần chú trọng nâng cao nhận thức và hiểu biết của người lao động về chính sách BHXH, bởi đây là yếu tố quan trọng quyết định việc tham gia BHXH.

Bên cạnh đó, cần làm rõ sự liên thông giữa hai hình thức BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, người lao động được cộng nối thời gian tham gia BHXH và cách tính lương hưu là giống nhau.

Nhận thức rõ vấn đề này sẽ tránh được việc người lao động nhận BHXH một lần và không có ý định tham gia tiếp khi rời khỏi khu vực tham gia bắt buộc.

Với nhóm BHXH tự nguyện, BHXH các tỉnh/thành phố, phải đẩy mạnh tổ chức hội nghị khách hàng theo các chỉ tiêu được giao, bám sát hướng dẫn quy trình tổ chức đã được BHXH Việt Nam ban hành.

Ngoài ra, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: Xây dựng các tiểu phẩm truyền thông về chính sách BHXH; sử dụng các công cụ mạng xã hội; ban hành những ấn phẩm, tờ rơi tuyên truyền về BHXH, dễ hiểu, có thể minh họa trách nhiệm đóng góp và quyền lợi hưởng cụ thể; tại mỗi điểm nhà văn hóa thôn, xã, phường, thị trấn cần phải có dán các biển hiệu tuyên truyền và nội dung quy định về BHXH tự nguyện; tăng thời lượng phát thanh, truyền hình, để truyền tải những lợi ích của việc tham gia BHXH tới mọi tầng lớp người dân...

Thứ hai, xây dựng chính sách BHXH ổn định.

Để người lao động (cả người sử dụng lao động) tự nguyện tham gia BHXH, kể cả ở hình thức bắt buộc thì “sản phẩm” BHXH phải thực sự hấp dẫn người tham gia, các chế độ BHXH phải đảm bảo đời sống cho người lao động khi gặp rủi ro hoặc sự kiện làm giảm hoặc mất nguồn thu nhập từ lao động.

Hơn nữa, những cam kết của Nhà nước đối với người tham gia (thông qua chính sách BHXH) phải được thực hiện trong suốt quá trình tham gia BHXH của người lao động.

Chính sách BHXH phải cố định kể từ khi tham gia đối với mỗi người lao động, hoặc nếu có sự thay đổi thì cũng được thông báo ngay từ khi người lao động bắt đầu tham gia.

Chính sách BHXH ổn định sẽ tạo sự tin tưởng cho người dân, vừa tăng tính tự giác đối với đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, vừa khuyến khích người tham gia BHXH tự nguyện. Khi người lao động có lòng tin, sẽ hạn chế số người rời bỏ hệ thống, nhận BHXH một lần.

Thứ ba, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Để thu hút người lao động tham gia BHXH, cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ như: Thủ tục đăng ký tham gia và hưởng chế độ BHXH phải đơn giản, thuận tiện, tránh gây phiền hà; cán bộ làm công tác BHXH phải có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, nhiệt tình và có trách nhiệm; thiết lập các kênh thông tin như: điện thoại, internet, email, facebook để tăng tính tương tác với người tham gia (hướng dẫn thủ tục, trả lời thắc mắc…).

Mặt khác, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thông tin bùng nổ như hiện nay, những thông tin xấu hoặc không đúng về BHXH lan tràn rất nhanh, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ làm giảm lòng tin của người dân đối với chính sách BHXH.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tham gia BHXH của các cơ quan BHXH. Cụ thể cần:

- Phối hợp với cơ quan tài chính, cơ quan quản lý đối tượng chuyển tiền đóng, hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, BHYT đúng thời gian, không để nợ đọng.

- Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tiếp tục trích ngân sách mua thẻ BHYT cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua tặng sổ BHXH tự nguyện cho thân nhân người lao động, người nghèo, mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

- Tăng cường phối hợp với các đại lý thu triển khai các hoạt động truyền thông, các hội nghị khách hàng đến các nhóm đối tượng tiềm năng để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Thứ năm, thay đổi cách thức hỗ trợ cho người cao tuổi, chuyển từ hỗ trợ hưởng sang hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện. Để đảm bảo lương hưu cho mọi người cao tuổi và sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa những người lao động, cần có sự tích hợp giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018;
  2. Quốc hội (2015), Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015;
  3. Quốc hội (2014), Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014;
  4. BHXH Việt Nam (2016-2022), Báo cáo kết quả công tác năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022;
  5. BHXH Việt Nam (2022), Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT tháng 6/2022 tổ chức vào ngày 7/6/2022.