Phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 8/2020

Giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động là xu hướng tất yếu trong cơ chế thị trường nhằm mang lại lợi ích cho cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học viên và thị trường lao động. Bài viết bàn về thực trạng giáo dục nghề nghiệp hiện nay và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thực trạng giáo dục nghề nghiệp hiện nay

Giáo dục nghề nghiệp không chỉ bảo đảm nguồn nhân lực lao động kỹ thuật cho nền kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và thực hiện chính sách công bằng trong dạy nghề. Do đó, việc gắn giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu thị trường lao động là giải pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới.

Thời gian qua, sự gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp đang bắt đầu hình thành, vận hành tốt trong thực tiễn. Các địa phương đã quan tâm hơn đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường.

Tính trung bình, năm 2018 tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%, trong đó tỷ lệ sinh viên cao đẳng ra trường có việc làm đạt 87%, trung cấp đạt 82%. Khả năng có việc làm, thu nhập ổn định của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp, dạy nghề đã góp phần định hướng, thay đổi dần nhận thức của xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề kết nối cung - cầu trong đào tạo nghề hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tỷ lệ doanh nghiệp có hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn ở mức khiêm tốn và chưa có nhiều đột phá. Tính đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp, 1.032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp). Trong số này, chỉ có 46 trường cao đẳng, 84 trường trung cấp, 181 trung tâm giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động chưa được thực hiện tốt. Khung pháp lý về trách nhiệm, quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp chưa được áp dụng trong thực tiễn; thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thiết lập được quan hệ với doanh nghiệp để tạo sự chủ động trong cung cầu lao động qua đào tạo nghề nghiệp. Nhiều doanh nghiệp còn chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề nghiệp...

Do đó, cần có các giải pháp tháo gỡ để công tác giáo dục nghề nghiệp có thể song hành cùng doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Để khắc phục những tồn tại,  đẩy mạnh việc phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác thống kê; thiết lập hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp với dự báo về thị trường lao động, việc làm. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp, việc làm, thị trường lao động từ trung ương đến địa phương; phối hợp chặt chẽ giữa tuyển sinh, đào tạo và sử dụng sau đào tạo để tránh học sinh ra trường không có việc làm.

Hai là, tiếp tục triển khai cơ chế 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp thông qua chương trình hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có sử dụng nhiều nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực thiếu nhân lực (công nghệ thông tin, du lịch…); triển khai thí điểm một số mô hình gắn kết thông qua cơ chế này.

Ba là, đổi mới quản lý nhà nước để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo giáo dục nghề nghiệp.  Nhà nước tạo cơ chế khuyến khích và quy định mức độ doanh nghiệp phải tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đưa ra một số giải pháp thúc đẩy sự gắn kết bền vững giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước để định hướng, khuyến khích và hỗ trợ sự gắn kết bền vững giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp.

Bốn là, tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chủ động về quy mô đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thu chi nguồn tài chính. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tiếp cận và tìm đến các doanh nghiệp trên địa bàn để đề xuất và ký kết các chương trình hợp tác (hợp đồng liên kết đào tạo, hợp đồng đặt hàng đào tạo hoặc các thỏa thuận hợp tác khác...); xây dựng mạng lưới doanh nghiệp đối tác đào tạo và tuyển dụng thường xuyên.

Năm là, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tham khảo nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp để xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, của từng giai đoạn phát triển, đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại, thực hiện phương châm đào tạo những gì xã hội cần, không phải đào tạo những gì nhà trường có. Chương trình đào tạo, nội dung, phương pháp, giáo trình, tài liệu, cách kết nối của cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi phù hợp với thực tế sản xuất của doanh nghiệp.

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Mục đích của hình thức hợp tác này nhằm hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu của nhà trường, thực hiện các dự án liên kết mà nhà trường và các doanh nghiệp cùng tiến hành. Các trường có thể tìm kiếm sự hợp tác này bằng cách chủ động giới thiệu với các doanh nghiệp những chương trình nghiên cứu có khả năng đem lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp. Từ những kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hai bên cùng công bố các phát minh, đồng sở hữu và khai thác danh mục, các bằng sáng chế, bản quyền.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Lương Thị Tâm Uyên, http://www.tapchicongsan.org.vn;
2. Lương Thị Tâm Uyên, http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/37142/seo/Gan-ket-giua-giao-duc-nghe-nghiep-voi-nhu-cau-cua-doanh-nghiep-thi-truong-lao-dong-va-viec-lam/Default.aspx;
3. Trần Ngọc Tính, https://gdnn.edu.vn/giao-duc-nghe-nghiep/chinh-sach-gan-doanh-nghiep-voi-giao-duc-nghe-nghiep-195.html.