Phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2019

Trong phát biểu khai mạc Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập đến trí tuệ nhân tạo là một phương thức để nâng cao năng suất cho nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trung Quốc hiện được coi là nền kinh tế trí tuệ nhân tạo lớn thứ hai, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, về số lượng các công ty trí tuệ nhân tạo và nhóm nhân tài. Trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc.

Trí tuệ nhân tạo (AI) là trí tuệ của máy móc được tạo ra bởi con người. Trí tuệ này có thể tư duy, suy nghĩ, học hỏi... như trí tuệ con người. Xử lý dữ liệu ở mức rộng lớn hơn, quy mô hơn, hệ thống, khoa học và nhanh hơn so với con người.

Phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam - Ảnh 1

Thuật ngữ AI xuất hiện đầu tiên bởi John McCarthy, một nhà khoa học máy tính Mỹ, vào năm 1956 tại Hội nghị The Dartmouth, được phát triển trong những năm 1960 và trở nên phổ biến những năm gần đây, nhờ những ứng dụng quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số hóa của các nước phát triển dựa trên kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và nền tảng mở. Ngày nay, trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), AI len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế - xã hội, từ các ứng dụng ngân hàng cho phép chúng ta gửi séc bằng hình ảnh đến các trợ lý ảo như Siri, Bixby trên thiết bị di động của Apple hay Samsung…

Những tiến bộ đột phá của AI trong vài năm gần đây đã khiến các nước trên thế giới nhận thấy xu thế phát triển tất yếu và tác động to lớn, toàn diện cả mặt tích cực và tiêu cực của AI trong mọi mặt đời sống xã hội, có tiềm năng thay đổi cán cân quyền lực kinh tế, quân sự, chính trị của mỗi quốc gia. Kể từ năm 2017, một cuộc chạy đua phát triển AI giữa các nước đã thực sự bắt đầu, đặc biệt kể từ đầu năm 2018. Hiện nay, trên thế giới, Mỹ là cường quốc số 1 về năng lực phát triển AI trong mọi lĩnh vực, từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ với quyết tâm đuổi kịp Mỹ bằng các chính sách đầu tư cởi mở của Nhà nước.

Thống kê cho thấy, nguồn lực tài chính đầu tư vào lĩnh vực AI trên thế giới đang tăng vọt. Tính riêng ở Mỹ, số tiền đầu tư cho AI đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2013-2014. Khắp nơi, truyền thông rầm rộ đưa tin về những tác động to lớn mà AI đem đến cho kinh tế, xã hội… trong các thế hệ tiếp theo. Chẳng hạn, theo ước tính của PriceWaterhouseCoopers, công nghệ AI có thể giúp GDP toàn cầu tăng lên 15,7 tỷ USD, khoảng 14% vào năm 2030. Những nơi đầu tư mạnh nhất có thể lần lượt kể tới, đó là Trung Quốc, Bắc Mỹ, Bắc Âu, châu Phi, châu Đại Dương, châu Á (không tính Trung Quốc)... Trong số này, Trung Quốc có bước tiến ngoạn mục khi chi tới 7 ngàn tỷ USD cho AI, gấp đôi vị trí thứ hai là Bắc Mỹ. Chính quyền Bắc Kinh đã xác định mục tiêu quốc gia là đầu tư 150 tỷ USD cho AI để trở thành lãnh đạo toàn cầu về lĩnh vực này vào năm 2030 (Thái Anh, 2018).

Năm 2016, Trung Quốc ban hành “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 về phát triển các ngành công nghiệp chiến lược quốc gia với công nghiệp mới nổi”, trong đó xác định phát triển AI là một trong 69 nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền trung ương. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết trong ba năm về Kế hoạch trí tuệ nhân tạo Internet Plus (2016-2018) rằng, sẽ tập trung vào tài trợ và phát triển AI để cải thiện nền kinh tế.

Tháng 7/2017, Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới do Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố đã chi tiết hóa chiến lược xây dựng ngành công nghiệp AI quốc gia trị giá 150 tỷ USD trong tương lai gần, trên đường trở thành siêu cường AI hàng đầu vào năm 2030. Kế hoạch này tập trung vào AI như là mục tiêu quốc gia. Đây dường như là sự tiếp nối của kế hoạch 5 năm lần thứ 13 và kế hoạch ngành công nghiệp “Made in China 2025”. Mục tiêu kế hoạch được chia làm 3 giai đoạn (Bảng 1).

Để xây dựng hệ sinh thái AI thương mại, tháng 11/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã chỉ định 4 công ty: Baidu, Alibaba, Tencent và iFlytek dẫn đầu việc phát triển các nền tảng sáng tạo AI quốc gia lần lượt gồm: xe tự lái, đô thị thông minh, xử lý hình ảnh máy tính cho chẩn đoán y khoa, nhận dạng giọng nói. Chính quyền trung ương và địa phương cũng đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) AI trong nước. Liên minh đổi mới công nghiệp AI Trung Quốc thành lập năm 2017 đặt mục tiêu, đến 2020 ươm tạo được 50 sản phẩm AI, 40 công ty, 20 dự án thử nghiệm và thiết lập một platform công nghệ. Tháng 1/2018, Trung Quốc công bố kế hoạch đầu tư 2,1 tỷ USD trong 5 năm xây dựng một công viên nghiên cứu khoa học về AI tại Bắc Kinh với diện tích 54,87 ha cho khoảng 400 công ty hoạt động.

Tháng 12/2017, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã ban hành Kế hoạch hành động 3 năm giai đoạn 2018 - 2020 nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp AI thế hệ mới. Kế hoạch này phác thảo các lĩnh vực chính để Trung Quốc tập trung vào phát triển và phổ biến AI, cũng như đề cập đến các ngành công nghiệp và công nghệ phụ trợ cụ thể thuộc AI và có kế hoạch triển khai cơ sở hạ tầng thuận lợi. Đáng lưu ý, chính quyền địa phương là những người tham gia tích cực trong việc thực thi mục tiêu quốc gia này với việc tạo ra môi trường làm việc thuận lợi, thành lập các viện nghiên cứu liên quan đến AI…

Điểm mạnh của hệ sinh thái AI ở Trung Quốc

Trung Quốc đang bắt kịp nhanh chóng với Hoa Kỳ trong cuộc đua siêu cường AI. Một yếu tố thuận lợi thúc đẩy Trung Quốc tiến lên theo hướng này là sự hợp tác giữa Chính phủ Trung Quốc, khu vực tư nhân, nhà đầu tư và học viện, từ đó, tạo nên một hệ sinh thái khép kín. Họ cũng có cơ sở dữ liệu người tiêu dùng lớn nhất theo ý của họ, nhờ quy mô dân số và số lượng người dùng được kết nối kỹ thuật số ngày càng tăng. Trung Quốc đã bắt đầu tận dụng các yếu tố này để tích cực tài trợ và đầu tư vào các công nghệ AI cả nước và toàn cầu, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.

Những điểm mạnh có thể đề cập tới hệ sinh thái AI của Trung Quốc như sau:

Ước tính của PriceWaterhouseCoopers, công nghệ AI có thể giúp tăng GDP toàn cầu lên 15,7 tỷ USD, khoảng 14% vào năm 2030. Những nơi đầu tư mạnh nhất lần lượt là Trung Quốc, Bắc Mỹ, Bắc Âu, châu Phi, châu Đại Dương, châu Á (không tính Trung Quốc)... Trong số này, Trung Quốc có bước tiến ngoạn mục khi chi tới 7 ngàn tỷ USD cho AI.

Thứ nhất, phương pháp tiếp cận từ trên xuống của Chính phủ Trung Quốc đối với mục tiêu AI quốc gia. Sự hỗ trợ của Chính phủ cho AI ở Trung Quốc là rất lớn. Các chính sách khác nhau đang được chính quyền địa phương và Trung ương thực hiện để thu hút tài năng và dự án AI phù hợp. Họ cũng tìm kiếm các dự án AI và có nhiều chính sách thuế có lợi cho các công ty công nghệ phát triển hoặc áp dụng AI. Các chính sách này tạo ra một hệ sinh thái vi mô có lợi cho AI với nhiều tiếp cận vào Chính phủ, tài trợ và hỗ trợ và khuyến khích nhà đầu tư khi phát triển các sản phẩm AI sáng tạo. Ngoài ra, Bộ Khoa học vàCông nghệ Trung Quốc cũng đã chỉ định bốn công ty AI lớn nhất là Baidu, Alibaba, Tencent và iFlyTex để dẫn dắt sự phát triển của các nền tảng đổi mới AI quốc gia trong các lĩnh vực như: ô tô tự lái, thành phố thông minh, tầm nhìn máy tính để chẩn đoán y tế và trí thông minh giọng nói.

Thứ hai, đầu tư và tài trợ mạnh mẽ cho AI. Chính phủ Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn trong việc tài trợ cho các dự án AI. Thông qua quỹ hướng dẫn của Chính phủ do chính quyền địa phương và các công ty nhà nước thành lập, Chính phủ nước nay đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp trong nước trong năm 2016. Năm 2017, các công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc đã nhận được 48% tài trợ AI toàn cầu, vượt qua 38% tài trợ cho các công ty khởi nghiệp AI của Hoa Kỳ. Ngoài ra, tốc độ đầu tư của AI cũng phát triển tương đối nhanh ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang cố gắng thu hút nhân tài từ các nơi khác nhau trên thế giới. Không chỉ giữ chân các tài năng Trung Quốc hiện có, các công ty và tổ chức khu vực tư nhân của họ cũng đang cấp học bổng và các gói lương cạnh tranh cho chuyên môn phương Tây đến và làm việc cho sự phát triển của AI.

Thứ ba, nhờ quy mô dân số và số lượng người dùng được kết nối kỹ thuật số ngày càng tăng cơ sở dữ liệu người tiêu dùng của Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất. Theo báo cáo vào tháng 1/2018 do Trung tâm Thông tin mạng internet Trung Quốc, khoảng 57,7% dân số Trung Quốc là người dùng được kết nối internet. Hơn 800 triệu người ở Trung Quốc đang hoạt động trên internet, trong đó 98% là người dùng di động (788 triệu người). Người dùng kết nối nhiều hơn có nghĩa là nhiều dữ liệu hơn, điều này sẽ càng tốt cho sự phát triển của AI, làm AI càng chính xác.

Thứ tư, sự cởi mở để chia sẻ dữ liệu trong nước. Trung Quốc có các biện pháp bảo vệ tương đối lỏng và việc các đại gia công nghệ của Trung Quốc thu thập các kho dữ liệu khổng lồ và chia sẻ giữa các cơ quan chính phủ và các công ty là phổ biến. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ chọn lọc chia sẻ dữ liệu trong nước chứ không phải quốc tế. Chính phủ Trung Quốc đã kiểm duyệt, chặn Facebook và Google, do đó cho phép sự gia tăng của các nền tảng trong nước như Wechat, Weibo...

Điểm yếu của hệ sinh thái AI ở Trung Quốc

Bên cạnh những điểm mạnh, hệ sinh thái AI của Trung Quốc cũng bộc lộ một số vấn đề còn tồn tại như:

Một là, sự thiếu hụt nhân tài: Sự thiếu hụt nhân tài, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học dữ liệu và AI, là một vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, đây là một mối quan tâm lớn. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, Hoa Kỳ có nhiều tài năng hơn Trung Quốc, ví dụ như chỉ riêng công ty Google đã có khoảng một nửa trong số 100 nhà khoa học AI hàng đầu thế giới. Đối với một quốc gia có mục tiêu trở thành siêu cường AI thế giới, việc thiếu tài năng AI là bất lợi. Do vậy, Trung Quốc đang nỗ lực thu hút nhân tài. Các công ty tư nhân của Trung Quốc đang cấp học bổng và các gói lương cạnh tranh cho chuyên môn phương Tây sẽ đến và phát triển AI. Họ cũng làm việc để giữ chân các tài năng Trung Quốc hiện có.

Hai là, sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa thị trường trong nước và ngoài nước: Có cơ sở dân số lớn nhất thế giới có thể là một động lực trong hệ sinh thái AI của Trung Quốc để thu thập và phân tích dữ liệu lớn. Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra vấn đề cạnh tranh tại Trung Quốc. Trung Quốc đang chiến đấu với vấn đề cạnh tranh quốc tế này bằng cách giữ lại dữ liệu lớn của mình, họ đóng cửa quốc gia đối với các thương hiệu toàn cầu như Facebook, Google, trong khi đó họ đang ngày càng tích cực đầu tư vào công nghệ AI ở Mỹ.

Ba là, quy định bảo mật dữ liệu lỏng lẻo: Các nhà lãnh đạo AI của Trung Quốc cho rằng, luật riêng tư dữ liệu của Trung Quốc tương đối lỏng lẻo. Tuy nhiên, các quy định lỏng lẻo này dường như chỉ được thực hiện trong nước, còn với nước ngoài thì khắt khe hơn. Thời gian gần đây, Trung Quốc đang tích cực bảo vệ dữ liệu và tài năng chống lại sự xâm lược của thị trường nước ngoài, đảm bảo dữ liệu có giá trị nằm dưới sự kiểm soát của các công ty công nghệ Trung Quốc. Theo hướng này, Trung Quốc đã thúc đẩy các tiêu chuẩn quốc gia trong các ngành liên quan đến AI (như điện toán đám mây, phần mềm công nghiệp và dữ liệu lớn) khác với các tiêu chuẩn quốc tế, một động thái cho thấy sự ủng hộ đối với các công ty Trung Quốc hơn các công ty nước ngoài.

Bốn là, phân phối vốn không thường xuyên trên các lĩnh vực quan trọng. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu sử dụng AI để đưa nền kinh tế lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, để đưa vào thực tế sẽ mất một thời gian dài, trong thực tế, Chính phủ nước này cũng đang phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề khác, giảm thiểu những nguy hại hiện hữu cho nền kinh tế như vấn đề dân số già, chăm sóc sức khỏe…

Bài học cho Việt Nam

Bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam qua nghiên cứu về quá trình xây dựng và phát triển AI tại Trung Quốc cụ thể là:

- Tiếp cận AI từ trên xuống: Để xây dựng và phát triển AI thành công cần phải có sự hợp tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân, nhà đầu tư và học viện trong quá trình phát triển AI. Chính phủ đóng vai trò đầu tàu, là mắt xích giữa các bên liên quan trong quá trình xây dựng và phát triển AI. Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hình thành những chiến lược, lộ trình, giải pháp cụ thể để phát triển và ứng dụng AI phù hợp với thực tế và tiềm năng của đất nước; Chính phủ cũng cần có những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đầu tư, ứng dụng AI vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình như tạo cơ chế pháp lý thông thoáng, có chính sách thuế có lợi các công ty công nghệ phát triển hoặc áp dụng AI, có chính sách phối hợp với các trường đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực AI chất lượng cao, có chính sách thu hút nhân tài AI, xây dựng nguồn dữ liệu lớn…  

- Xây dựng nguồn dữ liệu lớn: Để thúc đẩy sự phát triển của AI, việc xây dựng và phát triển dữ liệu lớn là điều kiện tiên quyết. Nếu không có nguồn dữ liệu lớn, không thể thống kê ra tính chất của đối tượng, từ đó tìm ra những quy luật để phát triển sản phẩm AI. Dữ liệu là nguyên liệu quan trọng của bất kỳ hệ thống thông tin nào, nhưng để phát triển AI thì cần một nguồn dữ liệu “sạch”, chính xác và theo quy chuẩn. Dữ liệu chất lượng cao, hay dữ liệu đã dán nhãn là thách thức của bất kỳ kỹ sư nào khi phát triển sản phẩm AI. 

- Tăng cường kiểm soát cơ sở dữ liệu: Công nghệ hiện đại cũng song hành với rủi ro. Nhiều ý kiến lo ngại về việc các hacker có thể thực hiện các cuộc tấn công mạng bằng AI mà không cần nhiều công sức lao động. Khi đó, có khả năng tội phạm mạng lợi dụng AI và internet để đưa ra những cách thức tấn công khó kiểm soát, khó lường trước được. Vì vậy, chính phủ, các tổ chức, các doanh nghiệp công nghệ phải nắm bắt được xu hướng, ứng dụng cách làm việc và kiểm soát AI để đảm bảo hoạt động diễn ra an toàn, hiệu quả.

- Vấn đề nhân lực: Nhân lực AI tài năng là yếu tố cốt lõi đảm bảo cho sự thành công phát triển AI và nền kinh tế số. Tìm kiếm nhân tài trong lĩnh vực AI luôn khó, đây là vấn đề toàn cầu. Trong cơn khát nhân lực chất lượng cao về AI, những doanh nghiệp công nghệ phải cạnh tranh rất vất vả với những đại gia mới có thể tuyển được người. Đồng thời có chính xách đầu tư đặc biệt cho phát triển tài năng AI, đây được xác định là thành phần then chốt trong đầu tư chiến lược tăng cường quy mô thị trường AI của đất nước. Để đào tạo đội ngũ kỹ sư chất lượng cao về AI sẽ rất cần nguồn lực của các công ty cũng như sự đầu tư của Nhà nước, bởi kinh phí và nguồn tài nguyên yêu cầu là rất lớn.

- Đầu tư và tài trợ mạnh mẽ cho AI: Để đẩy mạnh quá trình phát triển và ứng dụng AI đòi hỏi phải có nguồn kinh phí rất lớn. Tại các quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực AI, các doanh nghiệp công nghệ đều nhận được sự tài trợ vốn lớn, số lượng thoả thuận đầu tư cao. Theo báo cáo của ABI Research, các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc đã huy động gần 5 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm (VC) trong năm 2017, so với 4,4 tỷ USD của Mỹ.

Kết luận

Tại Việt Nam, mặc dù AI mới manh nha trong vài năm trở lại đây, nhất là khi cuộc CMCN 4.0 diễn ra, nhưng dường như những công ty trong nước cũng đã nhanh chóng "bắt sóng" xu hướng AI của thế giới và bước đầu có sản phẩm cụ thể. Chính phủ Việt Nam xác định, công nghệ AI là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc CMCN 4.0, cần tổ chức triển khai nghiên cứu nhưng chưa có những nội dung cụ thể thúc đẩy phát triển AI. Hy vọng rằng, trong quá trình xây dựng chiến lược, các cấp lãnh đạo sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về việc xây dựng, vận hành, và phát triển AI tại các quốc gia hàng đầu, để từ đó đúc rút ra bài học kinh nghiệm phù hợp cho Việt Nam. 

Tài liệu tham khảo:

1. Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (2018), Định hướng chính sách phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trên thế giới, truy cập tại https://mic.gov.vn/Pages/TinTuc/137120/dinh-huong-chinh-sach-phat-trien-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao--AI--tren-the-gioi.html;

2. Thái Anh (2018), Luật cho trí tuệ nhân tạo, truy cập tại http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=77&NewsId-412184;

3. Daniel Faggella (2019), AI in China – Recent History, Strengths and Weaknesses of the Ecosystem, truy cập tại https://emerj.com/ai-market-research/ai-in-china-recent-history-strengths-and-weaknesses-of-the-ecosystem/;

4. Một số website: cafef.vn, nld.vn...