Phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh nhằm giảm phát thải ròng khí nhà kính về "0"

PV. (t/h)

Các bộ, địa phương liên quan tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất, nhập khẩu, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng năng lượng xanh.

Phát triển giao thông xanh góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, giảm thời gian và chi phí đi lại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Phát triển giao thông xanh góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, giảm thời gian và chi phí đi lại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 372/TB-VPCP ngày 10/8/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc điện cho phương tiện giao thông xanh.

Thông báo nêu rõ, chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại các hội nghị quốc tế.

 

Phát triển giao thông xanh góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, cải thiện điều kiện giao thông, giảm thời gian và chi phí đi lại, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Đối với ngành Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050. 

Trong thời gian qua, các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và UBND các địa phương đã cơ bản triển khai các nhiệm vụ được giao, bước đầu góp phần tích cực chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang sử dụng năng lượng xanh. Tuy nhiên, việc triển khai tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa thực sự tập trung, chưa có trọng tâm, trọng điểm nên chưa tạo được kết quả rõ nét.

Để đạt được mục tiêu phát triển hệ thống giao thông xanh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và các địa phương có liên quan rà soát tổng thể Chương trình tại Quyết định số 876/QĐ-TTg, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 /9/2024.

Trong đó, tập trung các nội dung: Tình hình triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 876/QĐ-TTg; Khó khăn, vướng mắc (về cơ chế chính sách, công nghệ, nguồn lực...) và đề xuất, kiến nghị phương hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg...

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất, nhập khẩu, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng năng lượng xanh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2024. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt điện liên tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 30/6/2025.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; trong đó cần nghiên cứu, đề xuất và đánh giá tác động của cơ chế hỗ trợ giá điện đối với trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông xanh.

Bộ Xây dựng khẩn trương ban hành, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà chung cư, trung tâm thương mại, trong đó quy định các tiêu chuẩn về hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông xanh, hoàn thành trước ngày 31/12/2024.

Để bảo đảm hoạt động của các phương tiện giao thông xanh hiện hữu, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Công an, Công Thương, Giao thông vận tải, UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan ban hành hướng dẫn để bổ sung trong quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch tỉnh, bảo đảm có các hệ thống trạm sạc điện công cộng trong các đô thị phục vụ phương tiện giao thông xanh để các địa phương triển khai thực hiện, không làm ảnh hưởng đến hoạt động phương tiện giao thông xanh của người dân, hoàn thành trong tháng 8/2024.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương ban hành tiêu chuẩn (hoặc quy chuẩn) về đầu cắm điện, ổ cắm điện và dây sạc điện đối với phương tiện giao thông xanh, hoàn thành trong tháng 8/2024.

Các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát lại các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, bổ sung và có chính sách phát triển giao thông xanh, nhất là chính sách đầu tư phát triển hạ tầng giao thông xanh, trong đó có hạ tầng trạm sạc điện và nguồn cung cấp điện), đáp ứng lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải.

Giao thông xanh là khái niệm giao thông sử dụng phương tiện giao thông ít gây ô nhiễm đến môi trường và thân thiện với môi trường nhằm hướng tới một hệ thống giao thông: thông suốt, trật tự, an toàn, tiêu hao ít năng lượng và ít ô nhiễm môi trường.

Theo các chuyên gia, phát triển giao thông xanh góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, cải thiện điều kiện giao thông, giảm thời gian và chi phí đi lại, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Đây là nhu cầu cần thiết để hướng tới phát triển đô thị xanh, đô thị bền vững về môi trường.