Phát triển kinh tế tư nhân để tạo nguồn lực tăng trưởng

Theo Minh Thư/nhadautau.vn

Việc thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân trong nước để bộ phận này trở thành động lực chính cho phát triển phải là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong tương lai. Đây cũng là điểm mấu chốt để Việt Nam có được tăng trưởng bền vững.

Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở ASEAN. Ảnh: Trương Gia
Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở ASEAN. Ảnh: Trương Gia

Đó là khuyến nghị của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Báo cáo Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam vừa được tổ chức này công bố chiều 11/9.

Theo nghiên cứu của UNDP, tỷ trọng nguồn tài chính tư nhân trong nước trong tổng các nguồn lực tài chính cho phát triển của Việt Nam là tương đối thấp và tăng chậm so với các nước ASEAN khác. Dẫn số liệu năm 2015, ông Haoliang Xu, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc, cho biết: “Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước của Việt Nam tăng gấp đôi vào năm 2015 so với năm 2002, nhưng chỉ chiếm 40% tổng tài chính cho phát triển. Tỷ trọng nguồn tài chính tư nhân của Việt Nam trong tổng đầu tư ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với Lào, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Tỷ lệ đầu tư tư nhân trên đầu người của Việt Nam là 490 USD so với mức trung bình của các nước ASEAN là 690 USD, thuộc nhóm thấp nhất ở khu vực ASEAN”.

UNDP cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ cấu kinh tế của Việt Nam, với đặc điểm là các doanh nghiệp (DN) thuộc khu vực tư nhân có quy mô nhỏ hơn các DN thuộc khu vực nhà nước, các DN do Nhà nước sở hữu và DN FDI.

UNDP đánh giá cao những quyết sách của Chính phủ để xử lý các cản trở đối với sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh bức tranh tài chính quốc tế thay đổi nhanh chóng, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang tăng tốc.

Chia sẻ tại lễ công bố Báo cáo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh cho biết, nhu cầu về tài chính của Việt Nam để đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra là rất lớn. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chính sách để tập trung tài chính cho phát triển như giảm chi thường xuyên, cải cách đầu tư công… Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam xác định phát triển khu vực kinh tế tư nhân, huy động được nguồn lực tư nhân là động lực cho tăng trưởng, phát triển bền vững. Nhiều giải pháp chính sách đã được thực hiện trong thời gian qua để tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân, như Luật Quy hoạch được ban hành năm 2017, bỏ quy hoạch sản phẩm, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm…
Trong bối cảnh đặc biệt này, ông Haoliang Xu khuyến nghị Việt Nam tiếp tục tăng tốc phát triển khu vực kinh tế tư nhân, huy động nhiều hơn nguồn tài chính của tư nhân trong nước cho phát triển.

UNDP khuyến nghị nhiều giải pháp để mở rộng đầu tư của khu vực tư nhân, trong đó đầu tiên là tạo ra một sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân trong nước, trong đó có cả việc cải cách DN nhà nước và sửa đổi chính sách thu hút FDI nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho các công ty tư nhân gia nhập thị trường, tăng cường mối liên kết của các công ty này với các chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.

UNDP cũng cho rằng, cần thực hiện các chính sách và cung cấp sự hỗ trợ có trọng điểm để các DN tư nhân trong nước phát triển về quy mô, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, cải thiện các mối liên kết với các chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Song song đó, Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN trong nước tiếp cận đất đai và tín dụng, nâng cao năng lực kỹ thuật để áp dụng công nghệ mới và nắm bắt cơ hội của CMCN 4.0. Cần xây dựng các tổ chức độc lập chuyên cung cấp hỗ trợ về đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển cho các DN tư nhân Việt Nam đang gặp hạn chế về quy mô nhỏ và thiếu khả năng đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao và đào tạo nhân lực.

Theo ông Haoliang Xu, DN tư nhân Việt Nam quy mô nhỏ, tồn tại được đã khó, sẽ không thể có nhiều kinh phí cho nghiên cứu và phát triển (R&D) để cải tiến công nghệ, nắm bắt cơ hội của CMCN 4.0. Chính phủ nhiều nước dành nguồn lực tài chính rất lớn để thực hiện R&D, từ đó cung cấp lại cho khu vực DN tư nhân. Ví dụ Nhật Bản đầu tư 3% GDP cho R&D, Trung Quốc là hơn 2% GDP.

Cho rằng nguồn lực trong dân rất lớn, ông Hồ Đình Bảo, chuyên gia của UNDP, nhấn mạnh cách thức để huy động được nguồn tài chính này. Theo ông Bảo, Chính phủ không còn nhiều dư địa cho vay nợ, vì nợ trong nước của Chính phủ đã tăng vọt trong những năm gần đây và ẩn chứa nhiều rủi ro. Chính phủ nên huy động bằng cách thu hút tài chính tư nhân vào sản xuất kinh doanh.