Cụ thể hóa các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đóng góp của khu vực tư nhân ngày càng có xu hướng tăng lên, trong khi khối doanh nghiệp nhà nước giảm dần. So sánh với các quốc gia ASEAN cho thấy, điểm chung đều coi doanh nghiệp nhỏ và vừa là trụ cột, xương sống của nền kinh tế. Để khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững, nhiều chính sách của Đảng, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ xóa bỏ những rào cản, cụ thể hóa nhiều giải pháp hỗ trợ, nổi bật là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những chính sách này được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc cụ thể hóa các giải pháp hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thêm trợ lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Vai trò này càng được khẳng định khi Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14. Sự ra đời của Luật này, lần đầu tiên hoạt động hỗ trợ đối với DNNVV Việt Nam đã được quy định tại một văn bản pháp quy ở cấp độ cao nhất. Đây là cơ sở để hình thành một hệ thống quy định và chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV trên phạm vi cả nước.
Để các quy định của Luật DNNVV có thể triển khai trên thực tế, Chính phủ đã ban hành một số văn bản hướng dẫn như: Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV.
Chính phủ và các cơ quan liên quan cũng đang dự thảo một số các văn bản, chính sách có liên quan khác đến hoạt động trợ giúp, hỗ trợ đối với các DNNVV như vấn đề về quỹ phát triển DNNVV, về cơ chế tài chính hỗ trợ tư vấn cho DNNVV, vấn đề về miễn giảm thuế thu nhập DN, tiền sử dụng đất...
Trong các văn bản hướng dẫn Luật DNNVV, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV là văn bản quy định nhiều vấn đề mang tính nền tảng, cụ thể hóa một số quy định liên quan đến nhiều khía cạnh về hỗ trợ phát triển DNNVV và là căn cứ rất quan trọng để một số bộ, ngành tiếp tục hướng dẫn và triển khai các chính sách cụ thể đối với hoạt động hỗ trợ phát triển DNNVV.
Quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP cho thấy, nhiều sự cải thiện đáng kể so với các quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV.
Cụ thể hóa nhiều giải pháp hỗ trợ với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nghị định số 39/2018/NĐ-CP là bước tiến quan trọng trong việc cụ thể hóa các giải pháp hỗ trợ đối với DNNVV, cụ thể như:
Thứ nhất, cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản khi thực hiện hỗ trợ: Nghị định số 39/NĐ-CP đã cụ thể hóa việc hỗ trợ DNNVV trong một số lĩnh vực quan trọng, có tính đột phá, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao như khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khi sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).
Khi triển khai hoạt động hỗ trợ đối với các lĩnh vực này mà có sử dụng NSNN, các cơ quan trực tiếp thực hiện phải xây dựng Đề án hỗ trợ với các nội dung cụ thể như: Mục tiêu; đối tượng và điều kiện hỗ trợ; trình tự, thủ tục lựa chọn; nội dung hỗ trợ; nguồn lực thực hiện; cơ chế quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện; thời gian thực hiện.
Các yêu cầu trong Đề án sẽ là căn cứ để xác định trách nhiệm của cơ quan thực hiện hỗ trợ đồng thời cũng tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức được giao triển khai các hoạt động hỗ trợ có căn cứ thực hiện nhiệm vụ của mình.
Nghị định số 39/2018/NĐ-CP cũng quy định cụ thể nguyên tắc ưu tiên đối với DNNVV do nữ làm chủ và DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ cũng như nguyên tắc về thời gian quy định tại Luật DNNVV.
Việc lần đầu tiên quy định về nguyên tắc hỗ trợ tại Luật DNNVV và được cụ thể hóa tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP tạo điều kiện để tăng tính khả thi và cải thiện hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ đối với DNNVV.
Trên thực tế, phần lớn các quốc gia có quy định về hỗ trợ đối với các DNNVV thì các nguyên tắc triển khai thực hiện được coi là nội dung cốt lõi nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Thứ hai, cụ thể hóa các quy định liên quan đến việc xác định DNNVV theo các cấp độ quy mô; đồng thời, quy định cụ thể đối với việc xác định các tiêu chí liên quan đến triển khai các hoạt động hỗ trợ gồm lĩnh vực hoạt động, số lao động, tổng nguồn vốn, tổng doanh thu của DN.
Trên cơ sở quy định chung về tiêu chí xác định DNNVV tại Luật DNNVV, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP đã cụ thể hóa việc phân loại DNNVV theo các cấp độ quy mô dựa trên 2 nhóm lĩnh vực là nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp, xây dựng và lĩnh vực thương mại dịch vụ.
Các tiêu chí xác định quy mô DN được cụ thể ở cả 03 tiêu chí quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, gồm số lao động bình quân, tổng nguồn vốn hoặc tổng doanh thu năm.
Việc phân loại quy mô này là phù hợp và tương đồng với phân loại của nhiều quốc gia trên thế giới. Các quy định về tiêu chí xác định quy mô DN của Luật DNNVV và được cụ thể hóa tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP đã thể hiện sự thay đổi hướng đến việc đảm bảo tính khả thi đối với việc triển khai các hoạt động hỗ trợ DNNVV như sau:
- Hướng đến sự phù hợp trong điều kiện mới, đặc biệt là khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang có những tác động đến nền kinh tế Việt nam nói chung và khu vực DN nói riêng.
Với tiềm năng có thể áp dụng công nghệ tiên tiến nên giới hạn số lao động bình quân đối với các DN quy mô nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng đã được điều chỉnh từ 200 người xuống 100 người đối với DN quy mô nhỏ và từ 300 người uống 200 người đối với DN quy mô vừa.
- Bổ sung tiêu chí về tổng doanh thu khi xác định quy mô DN. Việc bổ sung tiêu chí mới (cũng được nhiều quốc gia sử dụng) sẽ thêm một căn cứ khi xác định quy mô DN trong quá trình triển khai các hoạt động hỗ trợ.
- Các quy định tại các Điều 7, 8, 9 và 10 của Nghị định số 39/2018/NĐ-CP cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn khi xác định quy mô DN cũng như lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên khi triển khai các hoạt động hỗ trợ đối với DNNVV.
Những quy định mới chưa từng được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP và được kỳ vọng sẽ cho phép các cơ quan, tổ chức dễ dàng hơn trong việc xác định quy mô cũng như lĩnh vực ưu tiên khi triển khai các hoạt động hỗ trợ theo quy định của Luật DNNVV.
Thứ ba, việc Nghị định số 39/2018/NĐ-CP cụ thể hóa các quy định về các hình thức hỗ trợ đối với DNNVV tại Luật DNNVV đã thể hiện tính cụ thể, rõ ràng và tăng tính khả thi đối với việc triển khai các hoạt động hỗ trợ đối với DNNVV.
Ngoài các quy định cụ thể về hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo và Quỹ Phát triển DNNVV được quy định cụ thể tại các văn bản khác của Chính phủ, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể hóa đối với các hoạt động liên quan đến hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh đăng ký thành DN; Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Một số quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP cũng được cụ thể hóa hơn tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP nhằm đảm bảo tính khả thi của các quy định này.
Cùng với đó, một số quy định về hỗ trợ DNNVV lần đầu tiên được quy định tại Luật DNNVV và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP gồm:
- Ngoài việc tách bạch quy định hỗ trợ thông tin và hỗ tư vấn so với Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định cụ thể hơn đối với hoạt động hỗ trơ tư vấn cho DNNVV. Trong khi, Nghị định số 56/2009/NĐ-CP gần như không có quy định cụ thể nào đối với hoạt động tư vấn cho DNNVV thì Nghị định số 39/2018/NĐ-CP đã có những quy định cụ thể đối với hoạt động này.
Cụ thể: Lần đầu tiên quy định về mạng lưới tư vấn viên và cách thức tiếp cận mạng lưới tư vấn viên đối với các DNNVV có nhu cầu và đáp ứng điều kiện để được cung cấp dịch vụ hỗ trợ tư vấn; Quy định cụ thể, rõ ràng đối với quy trình, hồ sơ, điều kiện và mức hỗ trợ đối với các DNNVV được chấp nhận hỗ trợ dịch vụ tư vấn; Quy định cụ thể về điều kiện, cách thức để trở thành tư vấn viên trong mạng lưới tư vấn hỗ trợ DNNVV.
- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực: Trong khi Nghị định số 56/2009/NĐ-CP chỉ quy định chung đối với hỗ trợ nguồn nhân lực thì Nghị định số 39/2018/NĐ-CP đã cụ thể hóa các hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực với các hoạt động hỗ trợ về đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh (cho đối tượng là chủ sở hữu và người quản lý DN), hỗ trợ đào tạo nghề (cho người lao động).
Trong khi việc triển khai hoạt động trợ giúp phát triển nguồn nhân lực theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP thường mang tính dàn trải và kém hiệu quả, thì việc cụ thể hóa các quy định liên quan đến hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP là cơ sở quan trọng tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức cung cấp các dịch vụ hỗ trơ phát triển nguồn nhân lực cũng như nâng cao hiệu quả của hoạt động này.
- Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh: Đây là hình thức hỗ trợ lần đầu tiên được quy định cụ thể tại Việt Nam và ngoài việc khuyến khích quá trình “chính thức hóa”. Quy định này mang đến giải pháp hữu hiệu cho việc thực thi có hiệu quả quy định tại Luật DN là “Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN”.
Theo quy định tại Nghị định số 39/NĐ-CP, DNNVV được chuyển đổi từ các hộ kinh doanh sẽ nhận được nhiều hình thức hỗ trợ gồm: (i) Hỗ trợ về tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập DN; (ii) Hỗ trợ đăng ký DN, công bố thông tin DN; (iii) Hỗ trợ thẩm định, cấp phép kinh doanh lần đầu; (iv) Hỗ trợ lệ phí môn bài; (v) Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán.
Các chính sách này sẽ giúp các DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh có được những điều kiện thuận lợi hơn như: Rút ngắn thời gian làm quen cũng như không phát sinh chi phí đáng kể khi chuyển đổi sang hoạt động dưới hình thức tổ chức kinh doanh mới.
- Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo: Đây cũng là hình thức hỗ trợ lần đầu tiên được quy định đối với khu vực DNNVV. Nghị định số 39/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể hơn về các phương thức hỗ trợ đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo linh hoạt với nhiều lựa chọn khác nhau:
Một là, các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tiếp cận với khu làm việc chung; Tiếp cận các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sơ kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, cơ sở thúc đẩy kinh doanh; Tiếp cận các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khi đáp ứng được các tiêu chí đề ra.
Hai là, các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo có thể được nhận giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế; Được cấp Giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ đối với sáng kiến, sáng chế; Được cấp giấy chứng nhận DN khoa học công nghệ, Giấy chứng nhận DN công nghệ cao...
Ngoài ra, để tăng tính khả thi, nâng cao hiệu quả đối với hoạt động hỗ trợ cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP còn quy định tạo điều kiện để DNNVV khởi nghiệp sáng tạo có cơ được một Hội đồng có tính chuyên nghiệp cao trực tiếp lựa chọn để hỗ trợ. Đây sẽ là điều kiện để những DN khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng có được cơ hội để phát triển nhanh.
Để việc hỗ trợ đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo mang tính khả thi và đạt hiệu quả cao, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể các nội dung hỗ trợ cụ thể đối với hình thức hỗ trợ này.
Các nội dung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo gồm hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng, thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ về ứng dụng chuyển giao công nghệ; hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa...
- Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị: Đây là hình thức hợp tác kinh doanh mang lại hiệu quả cao trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng.
Cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho các DNNVV có cơ hội nâng cao năng lực cũng như mang lại lợi ích lớn hơn khi được tham gia vào chuỗi giá trị cũng như trở thành thành viên của cụm liên kết ngành.
Nhằm tăng tính khả thi và triển khai có hiệu quả hoạt động hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể, chi tiết các nội dung liên quan như tiêu chí lựa chọn, phương thức lựa chọn các DNNVV được nhận hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Các hỗ trợ đối với DNNVV tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị theo quy định của Nghị định số 39/2018/NĐ-CP rất đa dạng, từ việc hỗ trợ chi phí đối với đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên biệt đến hỗ trợ liên kết sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường; Hỗ trợ tư vấn tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng...
Thứ tư, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Nghị định này.
Việc quy định rõ trách nhiệm đối với từng bộ, ngành có liên quan là cơ sở quan trọng để các quy định có thể được triển khai một cách thống nhất, hiệu lực và hiệu quả, tạo căn cứ để xác định trách nhiệm cụ thể đối với từng bộ, cơ quan có liên quan.
Tóm lại, so với trước khi Luật DNNVV được ban hành thì các quy định hướng dẫn tại Nghị định này quy định cụ thể, chi tiết hơn từ tiêu chí xác định, điều kiện lựa chọn đến phương thức lựa chọn đối tượng hỗ trợ. Các nội dung hỗ trợ đối với từng hình thức hỗ trợ cũng được quy định chi tiết nhằm tạo điều kiện tăng tính khả thi và hiệu quả đối với mỗi hoạt động hỗ trợ cho DNNVV.
Nhìn chung, các quy định chi tiết, cụ thể hơn các hình thức hỗ trợ đã có trước đây cùng với các hình thức hỗ trợ mới được bổ sung quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP về cơ bản đã hình thành một khung pháp lý đồng bộ, thống nhất và là tiền đề để triển khai các giải pháp hỗ trợ DNNVV có tính khả thi và đạt hiệu quả cao hơn.
Các quy định mới sẽ giúp khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế của hoạt động hỗ trợ DNNVV đã được triển khai trước khi Luật DNNVV được ban hành như vấn đề thiếu quy định chi tiết cụ thể về hình thức cũng như nội dung hỗ trợ dẫn đến tính khả thi và hiệu quả hỗ trợ thấp, thiếu các hình thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả… Tuy nhiên, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP cũng còn một số bất cập, hạn chế cần bàn thảo để điều chỉnh như:
- Mặc dù Luật DNNVV quy định về nguyên tắc tôn trọng quy luật thị trường song các nguyên tắc hỗ trợ tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP vẫn chưa thể hiện hết được tinh thần này.
Cụ thể, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP chỉ mới đưa ra nguyên tắc ưu tiên đối với DNNVV có chủ là nữ, DN sử dụng nhiều lao động nữ và nguyên tắc ưu tiên theo thời gian mà chưa đề cập đến các nguyên tắc lựa chọn gắn với hiệu quả hoạt động hỗ trợ.
Có nghĩa là, ngoài việc ưu tiên hỗ trợ về giới, theo thời gian thì cũng cần đặt ra các nguyên tắc lựa chọn thông qua đánh giá tiềm năng của từng dự án dựa trên hình thức Hội đồng đánh giá độc lập có tính chuyên môn cao…
- Quy định về mạng lưới tư vấn viên vẫn mang tính cứng nhắc và hành chính. Theo quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, để trở thành tư vấn viên trong mạng lưới tư vấn viên để cung cấp dịch vụ tư vấn đối với các DNNVV nhận được hỗ trợ thì các nhà tư vấn phải nộp hồ sơ đăng ký vào mạng lưới tư vấn viên.
Do đó, cần bổ sung quy định về nhiệm vụ của cơ quan chịu trách nhiệm vận hành mạng lưới tư vấn trong việc khuyến khích, mời gọi các nhà tư vấn có năng lực tham gia vào hoạt động cung cấp tư vấn cho các DNNVV được hỗ trợ.
- Nghị định số 39/2018/NĐ-CP cũng chưa tách bạch và có quy định riêng về mức hỗ trợ riêng đối với từng hình thức tổ chức kinh doanh khác nhau do chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
- Quy định về thành lập và hoạt động của Hội đồng tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP là toàn quyền của cơ quan chủ trì Đề án hỗ trợ DNNVV mà chưa có sự tham gia của đối tượng được nhận hỗ trợ là chính các DNNVV cũng như các bên có liên quan khác (nhà đầu tư, bên cho vay…).
Trên thực tế, để có được những thành viên có chất lượng và chuyên môn sâu, vai trò của các tổ chức chuyên nghiệp là rất quan trọng. Vì vậy, việc tham gia của các bên sẽ làm tăng khả năng có được một Hội đồng có chất lượng cao và hoạt động hiệu quả hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14;
2. Nghị định số 39/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV;
3. Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV;
4. Các website: dangkykinhdoanh.gov.vn, moj.gov.vn, hotrodoanhnghiep.gov.vn, tapchitaichinh.vn…