Phát triển kinh tế tuần hoàn mang đến cơ hội, giải pháp cho vấn đề môi trường


Hiện nay, biến đổi khí hậu ngày càng trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, việc thúc đẩy hành động phát triển kinh tế tuần hoàn mang đến cơ hội, giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường.

Việt Nam chủ động xây dựng, ban hành nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh và đạt nhiều kết quả quan trọng sau nhiều năm triển khai. Ảnh minh họa.
Việt Nam chủ động xây dựng, ban hành nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh và đạt nhiều kết quả quan trọng sau nhiều năm triển khai. Ảnh minh họa.

Theo đó, thúc đẩy hành động phát triển kinh tế tuần hoàn mang đến cơ hội, giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, quản lý chất thải carbon và thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường.

Phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng ưu tiên trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước. Việt Nam sẽ có kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn...

Được biết, kinh tế tuần hoàn là một phương pháp tiếp cận đột phá nhằm thay đổi cách quản lý tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Các chiến lược hiện tại về chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả năng lượng chỉ giải quyết được 55% lượng khí thải toàn cầu.

Kinh tế tuần hoàn mang lại giải pháp bổ sung giúp giải quyết 45% lượng khí thải còn lại. Trên thế giới đã có 49 quốc gia xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn và thực hiện chiến lược hành động quốc gia phát triển kinh tế tuần hoàn.

Tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn lần thứ 3 (năm 2024) với chủ đề “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Từ kế hoạch đến hành động”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhấn mạnh: Hiện nay thế giới đang chứng kiến những tác động nặng nề của khủng hoảng khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Tại Hội nghị COP29, các nguyên thủ quốc gia, các học giả và tổ chức quốc tế đã cùng thảo luận và đạt được những cam kết quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm mạnh phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, để thực hiện cam kết này, Việt Nam chủ động xây dựng, ban hành nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh và đạt nhiều kết quả quan trọng sau nhiều năm triển khai.

Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong những năm qua đã sớm nhận được sự quan tâm, định hướng và chỉ đạo thống nhất của Đảng và Nhà nước. 

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với những quy định pháp lý hóa việc thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm của các bộ, ngành, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Việt Nam còn 5 năm để tới vạch đích của Mục tiêu phát triển bền vững và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030. Với mục tiêu giảm gần 16% lượng phát thải khí nhà kính, đảm bảo xử lý 95% nước thải đô thị và tăng GDP bình quân đầu người lên 7.500 USD.

Để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam sẽ cần phải vượt qua những thách thức như ô nhiễm rác thải, không khí và nhựa, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và bảo vệ môi trường.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, nền kinh tế tuần hoàn mang đến một cơ hội mạnh mẽ để giải quyết những thách thức này, phải hành động thật nhanh chóng, gấp rút chuyển đổi từ lập kế hoạch sang hành động.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho hay, hiện nay phát triển kinh tế tuần hoàn đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để ứng phó với thách thức về cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu.

Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan đến kinh tế tuần hoàn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, ứng dụng triển khai các mô hình và tiến hành công tác truyền thông về kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều biến động.

Đồng thời, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia tích cực, đóng góp trách nhiệm để hiện thực hóa các sáng kiến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030.

Theo Bích Ngọc/kinhtemoitruong.vn